Khẩu vị Startup Việt 2018
Nền kinh tế là nơi biểu hiện rõ ràng nhất tính cách của 1 quốc gia. Nhìn vào màu sắc của thị trường chứng khoán, ta có thể đoán được khí sắc của người dân. Nhìn vào khẩu vị của startup, ta có thể đoán được khao khát của giới trẻ.
Những con số
Việt Nam là Hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 Châu Á với hơn 3,000 startup. Tuy nhiên lại chỉ có 1 unicorn - VNG là startup Việt duy nhất được định giá hơn 1 tỷ USD.
Fintech, food tech, và e-commerce hiện là 3 lĩnh vực đang nhận được nhiều đầu tư nhất.
Số lượng Startup của Việt Nam tăng nhanh trong lĩnh vực Nông nghiệp và công nghệ Blockchain.
Với hơn 3000 startup, ta có thể thấy người Việt đang khao khát khởi nghiệp như thế nào. Tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam vốn luôn được cả Thế Giới ngưỡng mộ: từ những chiếc xe đẩy ngang dọc trên mọi nẻo đường, đến những người con xa xứ luôn có cách để có tiền gửi về gia đình. Có lẽ bất kỳ ai trển mảnh đất hình chữ S này cũng có cái gan để khởi nghiệp.
Cái gan này xuất phát từ khao khát muốn thay đổi số phận của người dân, và thực trạng thị trường còn đơn sơ với cơ hội ở khắp mọi nơi.
Việt Nam có gần 100 triệu dân, nhưng chỉ có khoảng ⅓ người lớn có tài khoản ngân hàng, và có tận đến 70% người dân sử dụng điện thoại thông minh. Cho thấy thị trường tài chính nước ta còn rất nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là fintech (công nghệ tài chính). Đó là Zalo Pay, Ví điện tử MoMo, Tiền điện tử, v.v..
Việt Nam cũng có 1 cơ cấu dân số trẻ thế nên không mấy ngạc nhiên khi những ứng dụng thương mại điện tử như Tiki, Sendo và những ứng dụng liên quan đến thực phẩm và nông nghiệp như Nutifood, Foody rất phát triển.
Sau khi những startup đời đầu thắp ngọn đuốc khởi nghiệp lên, những thế hệ startup mới xuất hiện, họ là những startup hướng đến giá trị cộng đồng, và những startup ấp ủ giấc mơ đưa Việt Nam lên bản đồ khởi nghiệp Thế Giới.
Tiêu biểu cho những startup cộng đồng là những startup áp dụng công nghệ vào nông nghiệp.
Nông nghiệp có lẽ là vấn đề đáng quan tâm nhất của nền kinh tế nước ta, khi gần 1 nửa dân số làm nông nghiệp, nhưng giá trị lại rất thấp. Cùng 1kg gạo, Thái Lan có loại gạo giá gấp 5 gạo nước ta. Cùng 1 người làm nông, thu nhập trung bình ở Singapore hơn 100 nghìn USD 1 năm còn nước ta chưa đến 1 nghìn USD. Giá trị nền nông nghiệp thấp, dẫn đến đời sống người nông dân cũng khổ không kém.
Cùng với sự cổ vũ và hỗ trợ của nhà nước, những startup nông nghiệp công nghệ cao tập trung vào nông nghiệp chính xác, chất lượng nông sản, vấn đề thương hiệu, và đầu ra bùng nổ trong thời gian gần đây:
18.5% số startup tham gia Startup wheel 2018 - cuộc thi startup lớn nhất nước ta - là startup thuộc lĩnh vực nông nghiệp (con số này trong cuộc thi Y Combinator - cuộc thi startup hàng đầu Thế Giới - chỉ là 1%).
Năm 2018 cũng là năm nước ta bùng nổ startup tập trung vào công nghệ và các ngành “nóng”, nhằm bắt kịp Thế Giới và vươn lên trở thành những unicorn mới. Có thể kể đến các startup về mạng xã hội và logistic, và đặc biệt là về công nghệ blockchain - công nghệ nước ta đang được đánh giá cao nhất Đông Nam Á.
Có thể nói 2018 của startup Việt Nam là năm của những công nghệ mới và của những startup có giá trị cộng đồng. Nó cho ta thấy được tính cộng đồng, sự thông minh và khả năng học hỏi nhanh của người trẻ nước ta.
Tuy nhiên, đứng trước biết bao là con số đáng vui ấy là 1 thông tin rất đáng suy nghĩ: Cho đến nay, chỉ duy nhất VNG là được định giá startup tỷ USD. Tại sao lại như vậy?
Để hiểu rõ hơn về những vấn đề trên và về bức tranh startup ở Việt Nam, hãy thử vẽ phác hoạ chân dung các nhà khởi nghiệp ở Việt Nam.
Phác hoạ chân dung các nhà khởi nghiệp ở Việt Nam
Đối tượng 1: Người Việt từ nước ngoài về khởi nghiệp - nhóm đang dẫn dắt hệ sinh thái startup Việt
Họ là những du học sinh Việt Nam về nước, hay được tiếp xúc với internet và hệ giáo dục tiên tiến từ nhỏ. Họ có nền tảng vững chắc, trong đó có kiến thức và gia đình.
Họ thấy được những lỗ hổng trong thị trường trong nước và những mô hình giải pháp từ nước ngoài. Thiên thời, địa lợi, nhân hoà, họ thành lập nên những công ty startup từ 10 năm, 20 năm về nước, lèo lái, và gặt trái ngọt ở hiện tại.
Khẩu vị của họ là Internet, Thương mại điện tử, Công nghệ thực phẩm - những ngành mà Việt Nam còn rất thô sơ lúc đó. Và kết quả, bây giờ họ là Nutifood, BKAV, VNG, FPT, trẻ hơn 1 chút là thế hệ của Foody, Tiki, Zalo.
Không chỉ trực tiếp nắm giữ những công ty hàng đầu Việt Nam, nhóm đối tượng này còn là những người giữ vai trò trụ cột trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, từ các quỹ mạo hiểm đến những người hướng dẫn cho các startup mới, và đặc biệt là truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhóm đối tượng 2 và 3.
Đối tượng 2: Người Việt trong nước khao khát muốn góp phần thay đổi xã hội xung quanh
Họ là 1 cô gái hay chàng trai 8x, đầu 9x lớn lên trong khó khăn và thấy nhiều vấn đề xung quanh mình. Khi lớn lên với nguồn lực đầy đủ hơn, họ mong muốn khởi nghiệp để giải quyết những vấn đề vướng mắc từ lâu của mình.
Khẩu vị của họ là áp dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề địa phương, mang tính nhân văn. Từ nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất nhỏ lẻ, đến giáo dục, y tế.
Đó là Fruitchain với mong muốn nâng cao uy tín cho nông sản Việt bằng cách áp dụng công nghệ Blockchain để minh bạch hoá nguồn gốc nông sản.
Đó là Henkham.vn (Lucky Tel) với mong muốn giảm bớt sự mệt mỏi của bà con khi chờ đợi khám bệnh bằng cách đưa việc đặt và theo dõi số thứ tự khám bệnh qua điện thoại.
Đó là nhóm Đuốc Mồi với khát khao muốn làm hoạt hình về sử Việt, để chứng minh rằng lịch sử Việt Nam cũng hào hùng và hấp dẫn không thua kém những Hy Lạp hay Trung Hoa.
Rất nhiều startup trong nhóm này không tập trung vào lợi nhuận hay quy mô. Như Lucky Tel khi tham gia chương trình Shark Tank, 2 founder không thể nào trả lời câu hỏi làm cách nào để kiếm tiền, họ chỉ có khát vọng muốn giúp đỡ cộng đồng.
Đối tượng 3: Những bạn trẻ Việt muốn chinh phục Thế Giới
Cũng có cùng 1 xuất phát điểm với đối tượng thứ 2, nhưng nhóm 3 lại ấp ủ 1 khát khao thực hiện “giấc mơ khởi nghiệp”, không chỉ vì để đổi đời, mà còn để chứng minh cho Thế Giới thấy năng lực của họ và năng lực của Việt Nam
Khẩu vị của họ là những mô hình kinh doanh có tiềm năng trở thành unicorn, như ngành logistic, mạng xã hội, và các công nghệ 4.0.
Đó là Umbala, Viral Work với mong muốn khai thác tiềm năng mạnh mẽ của mạng xã hội.
Đó là Abivin với bài toán logistic - một thế mạnh khác của Việt Nam khi nước ta nằm ở ngã 3 đường của Thế Giới.
Đó là những Startup cạnh tranh với Grab, Uber - Fast go và VATO.
Đây là nhóm đối tượng người trẻ có khát khao có máu lửa, nhưng lại có điểm yếu là thiếu nguồn lực. Nguồn lực ở đây là vốn và nền tảng kiến thức, kinh nghiệm. Trong thời đại “kẻ nhiều vốn là kẻ chiến thắng” như hiện nay, những startup thiếu 1 chiến lược bài bản rất khó để gọi vốn và phát triển.
Có lẽ với những lý do như trên, chưa có startup đời 2 nào đạt được quy mô như những startup đời 1. Nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng sẽ có những unicorn thứ 2, 3, 4 của Việt Nam xuất hiện trong thời gian tới, khi hệ sinh thái startup Việt ngày càng phát triển và startup Việt ngày càng được đầu tư bài bản.
Ba nhóm đối tượng khởi nghiệp, ba nét tính cách khác nhau, và ba khẩu vị khác nhau hoà trộn lại, tạo nên một bức tranh khởi nghiệp của Việt Nam - đa dạng và nhiều màu sắc. Nhưng dù đa dạng đến đâu, ẩn sâu trong đó vẫn là những nét tính cách muôn đời của người Việt Nam: tính cộng đồng, sự linh hoạt, sự nhanh nhạy, sự can đảm, và đâu đó là cả chủ nghĩa quân bình - không muốn làm lớn.
Surphi10