Ký sự tàu siêu tốc Trung hoa
Cách đây 5 năm, tôi đã một lần đi từ Đôn Hoàng tới Thổ Lỗ Phồn (Turpan). Cung này là một đoạn của con đường tơ lụa vang bóng một thời trên Tân Cương.
Nơi đây đã từng là một trong những thành phố phồn hoa đô hội bậc nhất thời con đường tơ lụa cổ đại, là nơi gắn liền với nhiều tích văn hóa lừng lẫy như Tây Du Ký hay Thiên Long bát bộ của nhà văn Kim Dung.
Phương tiện lúc này chỉ có một là đi xe bus, hai là đi tàu bình thường, mất khoảng 16-30 tiếng tuỳ khoảng cách di chuyển.
Vé xe bus hay vé tàu ngồi cứng, đặc biệt là vé tàu giường nằm có máy lạnh cực kì khó mua. Người nước ngoài không thể mua vé tàu, bus nội địa. Tôi đã phải làm thủ tục chuyển tiền cho một công ty du lịch bên Trung Quốc để nhờ họ mua vé tàu hộ.
Vé tàu hết rất nhanh, chỉ trong một vài phút bán ra đã có thể hết sạch nên nếu đi đoàn đông thì khả năng rất cao là không mua được vé giường nằm cho cả đoàn.
Cuối năm 2018 tôi quay trở lại Tân Cương và chứng kiến một sự đổi thay bất ngờ, khiến tôi phải thốt lên rằng hệ thống đường sắt của Trung Quốc phát triển thật kì diệu.
Điều đầu tiên, tôi đã có thể đặt vé tàu online
Trang web tích hợp những dịch vụ về du lịch như đặt vé tàu, xe bus, khách sạn, thuê xe có tên là Ctrip.com, phiên bản tiếng Anh là Trip.com. Giao diện thân thiện, rõ ràng và khoa học.
Tôi đã có thể tạo tài khoản, đặt vé tàu bất cứ chuyến nào tôi muốn, thanh toán bằng thẻ tín dụng và vé được gửi về email chỉ một phút sau đó. Người dân ở Trung Quốc còn tiện lợi hơn, họ có thể thanh toán bằng wechat, QR code.
Nếu có việc không đi được, hệ thống cho phép hoàn huỷ vé và điều duy nhất cần làm là vào tài khoản, bấm nút “Hoàn vé” ngay bên cạnh vé điện tử. 5-10 ngày làm việc sau, tiền sẽ tự động hoàn trả vào tài khoản của tôi. Đây là điều cách đây 5 năm thôi, hoàn toàn là không thể.
Đặt vé xong, tôi chỉ cần ra ga tàu trước 30 phút để tới quầy bán vé đổi từ vé điện tử sang vé giấy là hoàn tất thủ tục.
Khi lên tàu, sẽ có một nhân viên soát vé đi từng toa, lấy vé tàu và đổi lại cho tôi một chiếc thẻ nhựa. Khi gần tới ga bạn muốn xuống, nhân viên soát vé sẽ thu lại thẻ nhựa đó và hoàn trả cho tôi vé giấy ban đầu.
Lúc này tôi mới vỡ lẽ, làm như vậy chính là để ngăn chặn việc gian lận vé, nửa đường bạn muốn trốn vé nhảy xuống cũng không được vì không có vé giấy thì không thể ra khỏi ga tàu. Đây là một hình thức quản lý khá thông minh và hiệu quả.
Hệ thống tàu cao tốc
Năm 2013 khi đi từ thành phố Turpan tới Đôn Hoàng, tôi mất khoảng 16h nằm trên xe bus hoặc tàu bình thường thì năm 2018, tôi chỉ mất vọn vẹn 3 giờ 26 phút cho quãng đường dài gần 900km này. Thời gian rút ngắn được tới 5 lần.
Trung Quốc bắt đầu đưa ra kế hoạch xây dựng hệ thống tàu cao tốc (High Speed Railway – HSR) từ năm 2004 với việc mua tàu và công nghệ đường sắt từ các công ty nước ngoài của Nhật Bản, Đức, Pháp và Canada.
Dựa trên cơ sở kỹ thuật và kinh nghiệm của các nước này trong lĩnh vực HSR, năm 2007, Trung Quốc tự phát triển công nghệ HSR của chính mình. Ngày 1/8/2008, chuyến tàu cao tốc đầu tiên đi vào hoạt động, chỉ 1 tuần trước lễ khai mạc Olympics Bắc Kinh.
Trải qua 11 năm, Trung Quốc hiện đang có mạng lưới HSR dài nhất thế giới với 25.000 km, chiếm hơn 65% độ dài toàn hệ thống trên thế giới, đã hoàn thành gần 2 tỷ chuyến đi trong năm 2017 (theo số liệu thống kê của Worldatlas). Trung bình mỗi năm hệ thống HSR của Trung Quốc chuyên chở 1,7 tỷ chuyến cho 850 triệu người.
Thành quả này được xem là kì diệu với đất nước đông dân nhất thế giới. Bởi hơn nửa thế kỷ trước Trung Quốc vốn chỉ có 21.000 km đường sắt vào năm 1949 (một nửa số này đang được vận hành) chỉ phục vụ cho một phần nhỏ trong số 400 triệu dân. Đến năm 2006, nước này đã có 76.000 km đường sắt mà vẫn bị quá tải nghiêm trọng.
Tuyến tàu cao tốc ở Lan Châu - Tân Cương bắt đầu đưa vào sử dụng từ tháng 11 năm 2014, tôi quyết định phải đi bằng được ít nhất một lần trong đời. Tuyến đường mà tôi chọn là từ thành phố Thổ Lỗ Phồn (Turpan) tới thành phố Đôn Hoàng.
Các ga tàu cao tốc thường đặt ở xa trung tâm thành phố nhưng đều rất hiện đại, tuy nhiên di chuyển đều rất thuận tiện bằng các phương tiện công cộng như xe bus, taxi…
Điều tôi ấn tượng đầu tiên là ga tàu to như một sân vận động với các biển chỉ dẫn khoa học, tàu nào đỗ ở đường ray nào, bao nhiêu phút nữa thì tới.
Tàu cao tốc ở Trung Quốc có một sự chính xác tuyệt đối về thời gian. Chuyến tàu của tôi xuất phát lúc 9:39 phút thì đúng 9:36 phút tàu vào ga và xuất phát ngay 3 phút sau đó.
Lên tàu, tôi đã bị choáng ngợp lần thứ 2 khi thấy nội thất trên tàu xịn hơn cả trên máy bay. Tất cả đều còn mới, thơm tho và sạch sẽ, ghế ngồi rộng rãi thoải mái có thể ngả ra được.
Màn hình led thể hiện thông tin của chuyến tàu ở khắp mọi nơi, tiếp viên mặc đồng phục riêng, có cabin phục vụ ăn uống với những món ăn nóng hổi và ngon miệng.
Tàu chạy êm ru, tôi đã thử đặt một quả táo trên cửa sổ, khi tàu di chuyển với tốc độ 303km/giờ mà quả táo không hề bị rung lắc hay rơi xuống.
Sở dĩ tôi chọn tuyến đường Thổ Lỗ Phồn – Đôn Hoàng vì tôi muốn nhìn thấy sự cố gắng và nỗ lực phi thường của Trung Quốc khi xây dựng tuyến đường này. Tuyến đường đi qua hoang mạc khô cằn, cát bụi mịt mù, nhiều chặng đi cả trăm km tôi không hề thấy có làng mạc hay nhà dân, chỉ thỉnh thoảng thấy một vài nhà máy, xưởng sản xuất.
Để hoàn thành những tuyến đường như thế này dọc theo Tân Cương, biết bao nhiêu con người đã phải lao động dưới thời tiết khắc nghiệt, mùa hè cái nóng lên tới 45 độ, ban đêm thì hạ xuống dưới 10 độ. Khai hoang những vùng đất hoang vu, đầy rẫy những nguy hiểm khó khăn, thậm chí phải trả giá bằng xương máu.
Tôi đã nói với những bạn đồng hành rằng, thời gian cho một người Trung Quốc sống ở Urumqi, đi làm cách đó 300km, sáng đi chiều về đúng bằng thời gian tôi đi làm ở Bình Thạnh và nhà ở quận 7, đều mất 1 giờ đồng hồ.
Có đi mới có thể thấy, mới có thể mở rộng tầm mắt để chiêm ngưỡng những thành tựu đáng nể của Trung Quốc trong việc xây dựng hệ thống đường sắt.
Điều khiến tôi ngạc nhiên nữa là hầu hết các chuyến HSR có thể chạy với tốc độ 200-300km/giờ, tuyến cao tốc Tây An – Hoa Sơn lên tới 303km/giờ. Trong khi các nước phương Tây đã cần đến 40 năm để cải tiến tốc độ của tàu cao tốc từ 200 km/h lên 300 km/h trong khi con số đó của Trung Quốc chỉ là 5 năm.
Quãng đường từ Tây An đến Hoa Sơn là 120km, bạn đồng hành cũ của tôi năm 2014 mất 3,5 giờ để đi xe bus tới Hoa Sơn nhưng bây giờ tôi chỉ mất vỏn vẹn 38 phút. Thậm chí tôi chưa kịp định thần đang ngồi trên tàu, chưa kịp uống xong cốc café thì tàu đã đến ga.
Ga tàu sạch sẽ và hiện đại
Các ga tàu ở Trung Quốc, đặc biệt là ở Tân Cương trong chuyến đi này của tôi, đều được xây dựng rất rộng rãi, sạch sẽ và khoa học.
Các bảng chỉ dẫn rõ ràng, đường ra tàu kẻ vạch rõ toa nào sẽ ở vị trí nào để nhìn trên vé tôi có thể xác định mình sẽ đứng ở đoạn nào của sân trước. Không có tình trạng cứ đứng lại một chỗ, khi tàu đến là tá hoả chạy thục mạng đi tìm toa của mình.
Đặc biệt giá vé HSR rất phải chăng, rẻ hơn vé máy bay và lại cực kỳ đúng giờ. Tiện nghi bên trong thậm chí còn sang hơn máy bay khi ghế ngồi rộng rãi, mới, có phục vụ suất ăn tận nơi. Tiếp viên niềm nở, nhiệt tình, đồng phục đẹp. Rất nhiều người đã chọn đi tàu cao tốc thay vì đi máy bay.
Hệ thống đường sắt Trung Quốc, đặc biệt là HSR đã tạo rất nhiều lợi ích khác như thu hẹp khoảng cách, cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Đi tới nơi, chứng kiến được sự đổi thay thần kỳ này, từ việc mua vé, ra tàu, lên tàu và được phục vụ quy củ, đúng giờ, nghiêm túc… tôi mới hiểu vì sao hệ thống có thể phục vụ nhu cầu đi lại của hàng tỉ dân như vậy.
Dương Quán Hạ