Ký sự: Tới vùng núi hẻo lánh Pakistan, nơi ai cũng nói được tiếng Anh nhoay nhoáy


Trước khi đặt chân tới thung lũng Hunza ở miền Bắc Pakistan, tôi đã từng rất ấn tượng khi tìm hiểu thông tin về vùng đất này. Hunza thuộc vùng Gilgit-Baltistan và được mệnh danh là thiên đường hạ giới vào mùa thu và mùa hoa mơ.

Karimabad trong ánh nắng ban mai.jpg
 

Bất ngờ Hunza

Trong suy nghĩ của rất nhiều người, Pakistan là đất nước bất ổn với chiến tranh, khủng bố liên miên nhưng Hunza lại là địa phận cực kỳ an toàn và thuộc sự kiểm soát của chính phủ.

Điều làm tôi ngạc nhiên nhất khi tôi đọc được rằng tuy là khu vực miền núi hoang sơ, nhiều điều kiện thiếu thốn, nhưng tỉ lệ biết đọc biết viết của Hunza là 77%. Báo cáo năm 2014 của Ngân hàng Thế giới kết luận tỷ lệ biết chữ của nữ giới ở Hunza đã đạt 90%, một con số ‘khủng khiếp’ so với 5% ở một huyện miền núi Diamer cách đó khoảng năm giờ đi đường.

Hunza Valley nằm ở độ cao 2.500 mét so với mực nước biển, con đường từ thủ đô Islamabad tới vùng đất này chưa được đầu tư nhiều, rất nhiều đoạn sạt lở, đường xấu và xóc nảy.

Tuy quãng đường chỉ hơn 200km nhưng tôi đã mất 14 tiếng ngồi trên xe mới tới được Karimabad – trái tim của Hunza. Những khu vực khác xa xôi, nằm sâu trong Hunza hơn đường xá đi lại cũng khó khăn.

Tôi đến Karimabad khi trời đã xế chiều. Trên con đường từ khách sạn lên tới pháo đài Baltis Fort tôi đã gặp rất nhiều em bé xinh như thiên thần đang cắp sách đi học về. Trái với những em bé dè dặt tôi đã gặp ở Việt Nam trong những chuyến đi về miền núi, trẻ em ở Hunza luôn chủ động cười rất tươi và bắt chuyện với những người khách xa lạ như tôi.

Tôi đã rất ngạc nhiên khi những em bé mới 5 tuổi thôi cũng có thể nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh một cách trôi chảy, những em bé lớn hơn thậm chí nói tiếng Anh tốt hơn cả tôi.

Sau những ngày ở Hunza, tôi phát hiện ra rằng kể cả những cụ già cũng có thể chỉ đường, trò chuyện tiếng Anh đơn giản với tôi. Còn những người trẻ từ 20 đến 40 tuổi thì không có gì phải bàn cãi, họ có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào của tôi. Thậm chí còn kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện, khai sáng cho tôi rất nhiều thông tin về văn hoá, lịch sử về vùng đất này. Tất cả bằng tiếng Anh.

Tôi đã hỏi Sadfar – bạn guide của tôi trong suốt chuyến đi về điều kỳ diệu của giáo dục ở Hunza mà tôi đã được chứng kiến suốt những ngày qua. Và tôi đã phải hét lên ngạc nhiên khi Sadfar nói với tôi rằng tỉ lệ dân số biết đọc biết viết ở Hunza là 77%, trong khi tỉ lệ này ở toàn bộ Pakistan chỉ là 58%. Thật là con số đáng mơ ước.

Các em học sinh ở Karimabad đi học về gặp chúng tôi ngang đường. Các em thân thiện và nói tiếng Anh khá tốt

Các em học sinh ở Karimabad đi học về gặp chúng tôi ngang đường. Các em thân thiện và nói tiếng Anh khá tốt

Một số thị trấn nằm trong thung lũng Hunza như Karimabad, Passu… thì hầu hết những người trẻ dưới 30 tuổi đều biết đọc biết viết và có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Ngôi trường tiểu học đầu tiên ở Hunza được thành lập vào năm 1913 bởi những người Anh ở Ấn Độ, cho tới nay giáo dục ở Hunza có thể nói là ước mơ của rất nhiều địa phương.

Tôi luôn tự hỏi ở một nơi xa xôi, hiểm trở như Hunza với điều kiện sống khắc nghiệt, 5 tháng mùa đông sẽ chỉ có điện 1-2 tiếng/ngày. Có những nơi thậm chí những người phụ nữ chưa bao giờ nhìn thấy chiếc máy sấy tóc, khó khăn như vậy mà nền giáo dục lại quá hoàn hảo như thế? Điều gì đã khiến cho mảnh đất này có sự đột phát trong thành tích học tập tới như vậy?

Điều này đã được sáng tỏ khi tôi tham gia một giờ học ngoài trời của các em học sinh tiểu học ở trường học trong làng Gulmit. Lặng ngắm các em đang làm bài kiểm tra giữa trời nắng đẹp, tôi bật cười vì đây chính là một hình thức chống quay cóp rất hữu hiệu.

Mỗi em ngồi một góc sân, tự làm bài kiểm tra và cô giáo thì đứng ở giữa để bao quát toàn bộ lớp học. Tôi đã nói chuyện rất nhiều với cô giáo ở làng Gulmit và được biết 3 yếu tố chính khiến cho giáo dục ở Hunza phát triển đáng ngạc nhiên như vậy.

 

Sự đóng góp của gia tộc Aga Khan

Lớp học ở trường học làng Gulmit

Lớp học ở trường học làng Gulmit

Sadfar hay cô giáo ở Gulmit đều nói với tôi rằng gia tộc Aga Khan là lãnh tụ tinh thần của những người dân theo đạo hồi dòng Shia ở Hunza từ đầu thế kỷ 20 cho tới nay. Năm 1946, ngài Sultan Muhammad Shah - Aga Khan III đã bảo trợ và xây dựng16 trường học đã được thành lập có tên là Diamond Jubilee.

Hơn thế, ngài đã đã thuyết phục các Mirs – người đứng đầu của bang Hunza chú trọng hơn vào giáo dục. Năm 1957, cháu nội của ngài là hoàng tử  Karim Agha Khan lên kế vị và thành lập Mạng lưới phát triển Aga Khan (AKDN - The Aga Khan Development Network).

AKDN đã cùng hợp tác với một số các tổ chức từ thiện khác đầu tư hàng trăm triệu đô la để cải thiện cuộc sống, giáo dục, nâng cao nhân quyền ở châu Phi cận Sahara, Trung và Nam Á và Trung Đông.

Tại Pakistan, trong hơn bốn thập kỷ qua, AKDN đã giúp mở đường, thành lập các trạm y tế và trung tâm xử lý nước cho 65.000 cư dân. AKDN đã xây dựng hơn 160 trường học, đầu tư cơ sở vật chất, đưa vào giảng dạy các chương trình giáo dục cải tiến. Bên cạnh đó là chính sách học bổng cho học sinh, lãnh đạo trường học là những người có kiến thức và tâm huyết. Hàng chục ngàn học sinh và giáo viên đã được đến trường.

Nhờ có AKDN, học sinh tiểu học và sinh viên ở Hunza đã được hưởng rất nhiều lợi ích.  Từ trường tiểu học cho tới đại học hay ký túc xá đều có khuôn viên rộng, được bảo bọc với núi tuyết, cây cối xanh mướt.

Cô giáo còn cho tôi biết, trẻ em đến trường sẽ được học bằng tiếng Urdu và tiếng Anh bên cạnh ngôn ngữ chính là tiếng Wakhi. Sau khi xong học cấp hai, các em học sinh nữ có thể đăng ký vào trường trung học dành cho nữ sinh Aga Khan, chỉ dạy môn toán và khoa học.

Những học sinh sinh viên của Hunza sau khi ra trường đang hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực và ngành nghề như y học, kỹ thuật, nông nghiệp, giảng dạy, nghiên cứu, làm công tác xã hội và điều dưỡng.

Khi tôi chia sẻ về việc tôi thấy người dân Hunza khác với những người dân đạo hồi tôi đã gặp ở Dubai, Abu Dhabi, ở Kargil - Ấn Độ… Ở Hunza ai ai cũng đều toát lên vẻ thân thiện, hiền hậu và dễ mến và họ rất coi trọng việc học hành của con mình hay không?

Cô giáo đã chia sẻ với tôi thông tin rất đáng quý. Người dân Hunza là người Hồi giáo theo dòng Shia Ismaili - giáo phái ôn hòa nhất của đạo Hồi. Họ không cực đoạn nghiêm khắc, không bắt phụ nữ che kín cơ thể bằng khăn, phụ nữ đàn ông bình đẳng như nhau, các trẻ em gái và phụ nữ được tôn trọng ở Hunza. Họ rất coi trọng giáo dục và có suy nghĩ giáo dục sẽ là nền tảng cho một cuộc sống bền vững và tri thức là khởi nguồn của sự giàu.

Trong giờ kiểm tra ở trường học làng Gulmit.JPG

Cha mẹ ở Hunza tin chắc rằng điều tốt nhất họ có thể làm cho con cái là giúp chúng có được một nền giáo dục tốt. Họ sẵn sàng gửi con gái đến các thành phố xa như Karachi, Lahore, Peshawar…để con cái được học tập ở những trường học có chất lượng cao.

Riêng tôi, tôi cảm thấy Hunza đã được giải thoát khỏi hệ tư tưởng cực đoan đã bén rễ ở các vùng khác của đất nước. Khi bản thân người dân ở đây có tư tưởng coi trọng giáo dục, cộng với việc các trường học với các điều kiện cơ sở vật chất tốt. Giáo viên là những người giỏi, kiến thức rộng thì việc có một nền giáo dục bậc nhất ở Pakistan là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Khi tôi kể chuyện khi tôi đang loay hoay không tìm được đường về khách sạn, một em bé học lớp 1 đã chỉ đường rành mạch cho tôi với bác Javed - quản lý khách sạn mà tôi đang ở rất tự hào: “Hồi tôi còn đi học, rất ít người có thể nói tiếng Anh nhưng bây giờ, tất cả mọi người đều có thể nói thành thạo. Hai trong số ba người con trai của tôi đã tốt nghiệp đại học. Một người làm đầu bếp ở Dubai và người còn lại làm phiên dịch viên tiếng Trung”.

 

Sự đầu tư từ chính phủ Pakistan

Khi lang thang ở làng Gulmit tôi còn được biết chính phủ Pakistan bắt đầu mở các trường công lập và các trường cộng đồng ở khu vực phía Bắc, bao gồm Hunza.

Các em bé ở Hunza Valley đều rất thân thiện

Các em bé ở Hunza Valley đều rất thân thiện

Năm 1991, một trường cộng động kiểu mẫu Al-Amyn Model School đã được thành lập ở Gulmit. Ngôi trường đã mang lại cho người dân địa phương những trải nghiệm mới, giúp họ cảm thấy gần gũi hơn giữa phụ huynh và nhà trường.

Tôi lại một lần nữa ngạc nhiên khi được biết cha mẹ và ông bà được mời đến trường để chia sẻ những kinh nghiệm sống, đưa ra những lời khuyên quý báu cho thế hệ trẻ. Họ đã nhận thấy kiến ​​thức của họ không bị lỗi thời và thế hệ trẻ có thể hưởng lợi từ nó. Từ thành công của Al-Amyn Model School, rất nhiều trường cộng đồng đã được xây dựng tại Hunza trong những năm qua.

Câu chuyện về giáo dục của thung lũng Hunza cho chúng ta thấy, khó khăn và thách thức có thể vượt qua nếu các lãnh đạo, người cầm quyền có tâm huyết và quyết tâm đầu tư cho thế hệ trẻ.

Những thành tựu về cải cách giáo dục ở Pakistan hoàn toàn có thể là bài học cho việc đưa tiếng anh làm ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam như Đề xuất của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018.

Cái khó khăn của Việt Nam hiện này chỉ một số người trẻ tại các đô thị sử dụng tiếng Anh và không phải tất cả giới trẻ sử dụng được. Chính vì vậy, liệu chăng chúng ta có nên học tập Pakistan, dạy song song tiếng Việt và tiếng Anh ngay từ bậc tiểu học, đổi mới giáo trình, yăng cường đào tạo đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh cả về số lượng lẫn chất lượng? Có như vậy lớp trẻ mới có thể thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh mọi lúc mọi nơi và mục tiêu tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 sẽ trở nên khả thi.

Dương Quán Hạ

Xem thêm

 
Bài viếtdmstTet2019