Nhật ký innovation: Digital Detox – Tết rồi mà!


Ngày giáp Tết, ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch công ty Vinamit, nhắn: “Về gặp nhau chút nhen!”. Ơ, sếp cũ nhắn, bao nhiêu ký ức xưa ùa về. Những chuyện lần đầu đi thu mua khoai lang, chuyện không tin được trời mưa xuống là mít không ngọt nữa, chuyện ở Campuchia ăn tráng miệng trong đám cưới bằng những gói Vinamit nho nhỏ có kẹp tiền lì xì…

 

Ừ, bao lâu rồi mình không về lại cái chốn mỗi ngày đều coi là ngôi nhà thứ hai? Bận rộn luôn là lý do dễ chịu nhất, nhưng có ai trên đời không có thời giờ cho điều mình cho là quan trọng? Cứ là chuyện quan trọng, sẽ tìm được thời giờ cho nó thôi. Sếp cũ vẫn đứng đó, cười hiền lành: “Coi facebook nhau đâu có vui bằng gặp nói chuyện, đúng hông?”. Dạ, đúng!

Nguyễn Lâm Viên - chủ tịch công ty Vinamit

Nguyễn Lâm Viên - chủ tịch công ty Vinamit

Vậy đó, hai người ngồi, úp hai cái điện thoại xuống - như cắt đứt với thế giới bên ngoài, uống thử các sản phẩm mới, ăn mấy mớ trái cây trong vườn nhà, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất mà không biết là thời giờ trôi qua nhanh quá. Ông kể về chuyện làm nước mía khô, chuyện nghiên cứu về nấm chống côn trùng, chuyện làm trang trại thuận tự nhiên…

“Sao không làm nông nghiệp công nghệ cao?” – “Thế nào là công nghệ cao? Mấy bạn khởi nghiệp thích làm những thứ mà thị trường chưa theo kịp lắm, chân phải chạm đất, phải trải lòng ra để có thể hiểu thị trường, cuộc sống, đâu thể cứ sống trên mạng, phụ thuộc vô những thước đo không thuộc về mình…”.

Chà, nhớ lại, ngày xưa, làm nông đúng là phải biết “trông trời trông đất trông mây / trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm” để mà biết đường canh tác, giờ cứ đuổi theo dữ liệu lớn, có khi đúng là bị ngộ độc kỹ thuật số mất tiêu.

À, nhưng mà cái trang trại làm theo tự nhiên này, có dùng máy bay không người lái để phun các loại vi nấm cho cây đó chứ, có luôn hệ thống tưới nhỏ giọt và đủ thứ khác, nhưng bắt buộc là người trồng phải bước chân trần ra vườn, để chân chạm đất và biết trò chuyện cùng cây cối…

Hai cái điện thoại úp xuống, là một quy ước từ lâu lắm, khi hai anh em còn làm việc với nhau. Là bắt chước cách mà trà đạo của người Nhật để hai que tre giới hạn không gian của khu trà đạo, khi bước ngang làn ranh vật lý mong manh đó, nghĩa là bỏ lại cả thế giới bên ngoài, dành trọn con người, trái tim và suy nghĩ cho trà…

Bước ra về, vươn vai một cái, thấy đầy năng lượng, còn kịp nghe thoảng qua một thứ mùi rất Tết, rất Sài Gòn: mùi bông vạn thọ…

Bên ngoài, Sài Gòn có vẻ không còn hối hả như thường ngày. Mấy cô gái áo hoa đang chụp ảnh với bồ câu, cười giòn giã. Một ông cụ, có vẻ như là Việt kiều, đang đứng lặng ngắm bức tượng trước nhà thờ Đức Bà, ánh mắt có vẻ đang nhìn về một câu chuyện quá khứ.

Dăm ba đứa trẻ thổi bong bóng xà phòng, để gió thổi lơ đãng, ánh những sắc màu tươi sáng lên trong nắng cuối năm vàng ruộm. Đâu phải chỉ hôm nay, mà cảnh đó, người đó, vẫn cứ Sài Gòn như vậy, chỉ có mình chẳng kịp nhìn thấy đấy thôi.

Phải chăng mình mê cuộc sống ảo trên internet với những gạch nối vô tận 1-0-0-1? Phải chăng mình thích những cuộc trò chuyện trên facebook hơn những giao tiếp trực tiếp? Phải chăng mình cứ chiều lòng những bạn mới quen đang comment trên mạng mà quên mất những người quen cũ, những đẹp đẽ bên ngoài? Chắc là phải, hoặc không, nhưng đã đến lúc cần giải digital detox – giải độc công nghệ thật rồi.

Bước về đường sách, tranh thủ làm một thao tác rất xưa: coi cọp, thật ra là để tra cứu ké trong mấy cuốn tự điển ở đây. Ồ, cũng không còn mấy nơi có bán tự điển nữa, vì chắc ai cũng như mình, tra tự điển bằng cái apps trên điện thoại nhanh hơn (và tất nhiên sẽ dễ quên hơn nhiều so với cách lật theo thứ tự trong từ điển, sẽ thuộc lòng nhanh lắm).

À, digital detox được định nghĩa là “một khoảng thời gian mà không sử dụng điện thoại di động, máy tính… vì chúng ta đã sử dụng những thiết bị công nghệ này quá nhiều”. Một phiên bản mới hơn còn đưa ra một câu ví dụ rất hay: Giải độc kỹ thuật số - tắt các kết nối với không gian mạng để kết nối lại với bản thân và cuộc sống”.

Nhớ hôm trước, anh Huỳnh Lê Khánh, giám đốc một công ty truyền thông lớn, thông báo: “Tui về quê rồi, làm nông dân lại đây, tắt điện thoại và không có wifi nhen. Ăn Tết đây!”.

À, thì ra anh cũng đang giải độc công nghệ, đi tìm các kết nối với gia đình, chòm xòm, rơm rạ để tưới tắm lại cho tâm hồn mình, trí tưởng tượng của mình và làm tươi mới lại trái tim của mình.

Ừ, hay là dịch “digital detox” là “Tết rồi mà” đi nhen. Tết rồi mà, tắt điện thoại đi, xuống bếp nấu bữa cơm cúng chiều 30 Tết phụ mẹ, xắn tay áo lên chùi rửa mấy cái xe máy phụ cha, và không cần nhìn điện thoại nữa, mới nghe ra mùi thơm của Tết, của yêu thương đang ướp trong làn gió vừa thổi qua.

Tết rồi mà, đọc báo mạng chi nữa!

Bung Trần

Trần Bung - với chữ Bung trong món Bắp Bung của Đà Lạt, nơi anh sinh ra - hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Saigon Innovation Hub và phó chủ tịch Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Flying Fish Investment. Bung là tác giả của bộ sách bán chạy “Những người làm thuê số 1 Việt Nam” và nhiều tựa sách khác nhau về khởi nghiệp, lập nghiệp. Anh là một gã lang thang khắp mọi miền của thế giới, gặp gỡ từ nữ hoàng Đan Mạch, thủ tướng Pháp, các tỷ phú ở Silicon Valley để kể chuyện. Bung hiểu biết nhiều về các loại bia, nghệ thuật thủ công và nghiên cứu về thiền chánh niệm.

Từ ngày 24.12, Bung sẽ phụ trách chuyên mục “Nhật ký innovation”, để kể lại chuyện buồn vui trong thế giới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bạn có chuyện gì hay, hãy meo cho Bung một tiếng tại tranbung@khampha.vn nhen.

Xem thêm