AI tại Việt Nam – Những bước đi chập chững đầu tiên


AI, gọi cho dễ hiểu là “trí tuệ nhân tạo”, đang là xu hướng và là công cụ không thể thiếu trong tiến trình chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn kinh tế nhà nước đã bắt đầu nghiên cứu và ứng dụng AI vào các sản phẩm nhưng vẫn còn mang tầm vĩ mô và giàu lý thuyết.

viettel-ung-dung-ai-vao-cac-linh-vuc-y-te-va-nong-nghiep.jpg

Những giải pháp vĩ mô

Ông Lê Đăng Dũng, tổng giám đốc tập đoàn Viettel nói: “Việc ứng dụng công nghệ AI là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược kiến tạo xã hội số của Viettel”.

Để thực hiện mục tiêu trên, Viettel vừa tuyên bố ứng dụng AI phục vụ các lĩnh vực: y tế, nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông… Cụ thể, AI hỗ trợ nông dân đánh giá mức độ phát triển của cây lúa; AI tham gia chẩn đoán qua hình ảnh, trước mắt tập trung phân tích bất thường về đường ruột…

FPT.AI là công nghệ AI của FPT, đã có 4.237 nhà phát triển sử dụng để tạo ra hơn 1.000 ứng dụng. Ông Lê Hồng Việt, giám đốc công nghệ của tập đoàn FPT cho biết, nền tảng FPT.AI hiện được ứng dụng khá nhiều trong các hoạt động nghiên cứu của FPT với các giải pháp: giao thông thông minh (nhận diện biển số, thu phí không dừng, trợ lý chatbot); y tế thông minh (khuyến nghị đơn thuốc, trợ lý ảo…); robot tư vấn bán hàng tự động trên nền tảng Facebook; ứng dụng âm thanh để tài xế và người có thị lực yếu nói chuyện với điện thoại và nghe tin tức; trợ lý ảo...

tương tự, tập đoàn Bưu chính và Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã khai thác các thuật toán AI trên ứng dụng SMCS Mobile trong việc quản lý đăng ký và cập nhật thông tin thuê bao. Nhóm nghiên cứu AI của VNPT cho rằng, SMCS Mobile sẽ hạn chế tối đa hiện tượng SIM rác, rút ngắn thời gian đăng ký thông tin thuê bao chỉ mất tối đa 5 giây so với trước đây. Thuật toán AI tự động tách toàn bộ dữ liệu ảnh, chuyển đổi thành text và đưa thông tin vào các trường dữ liệu tương ứng, cho phép sử dụng chữ ký điện tử và hồ sơ điện tử.

Một ông lớn khác là VinGroup mới đây, tháng 4/2019 đã thành lập viện nghiên cứu AI - VinAI Research (trực thuộc VinTech). Mô hình này sẽ thực hiện các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực AI với các thuật toán về học máy, học sâu để ứng dụng trong các lĩnh vực như: xử lý và hiểu hình ảnh, video, ngôn ngữ, giọng nói, hành vi tương tác người dùng… Ngoài ra, VinAI Research còn là nơi xây dựng chuyên gia về AI, tư vấn và chuyển giao công nghệ cho Vingroup.

Gần đây, lãnh đạo TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng AI tại TP.HCM giai đoạn 2019 - 2025”.

Ông Dương Anh Đức, giám đốc sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết đang xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia và nhân lực công nghệ cao, doanh nghiệp, tổ chức khoa học - công nghệ về AI, thành lập ban điều hành về AI... để đến năm 2025, các ứng dụng AI được áp dụng trong các ngành: xây dựng, ngân hàng, du lịch, vận tải, viễn thông… như đo đếm, phân loại xe, tự động điều khiển đèn tín hiệu...; quan trắc và cảnh báo chất lượng không khí, môi trường, cảnh báo ngập; nhận diện khuôn mặt trên cơ sở dữ liệu có sẵn, cảnh báo hành vi bạo lực, cảnh báo cột khói, tự động đeo bám đối tượng và phương tiện theo yêu cầu...

Cần “bình dân hóa”!

Ông Phạm Thế Trường, tổng giám đốc Microsoft Việt Nam nhận định: “Trong xu hướng chung của toàn cầu, AI cũng như nhiều xu hướng công nghệ khác đang là giải pháp bắt buộc nếu như không muốn tụt lại phía sau”.

Đầu năm 2019, Microsoft và IDC đã công bố kết quả khảo sát với hơn 1.600 nhà lãnh đạo doanh nghiệp và hơn 1.580 người lao động tại 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương về tầm ảnh hưởng của AI trên 3 giá trị: xã hội, thương mại và kinh tế. Kết quả khảo sát này cho thấy cộng đồng quan tâm đến AI với 80% lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng “AI là chìa khóa mang lại ưu thế cạnh tranh”, 41% các tổ chức bắt đầu hành trình ứng dụng AI và lộ trình là vào năm 2021 tất cả đều ứng dụng AI.

Dù chưa thành một “phong trào” như nhiều phong trào xã hội khác, nhưng bước đầu đã có dăm ba doanh nghiệp biết khai thác thế mạnh của công nghệ AI.

Cụ thể hơn, trong phần mềm diệt virus Bkav 2019, Bkav tiếp tục ứng dụng AI để tự động phân tích, phát hiện sớm và ngăn chặn các hình thức tấn công theo kịch bản, có chủ đích như tấn công gián điệp nằm vùng APT, tấn công mã hóa dữ liệu, tấn công đào tiền ảo…

Ông Vũ Ngọc Sơn, phó chủ tịch phụ trách mảng chống mã độc (Anti Malware) của Bkav giải thích: “Bkav tạo ra công nghệ SAP nhằm giám sát mọi hành vi bất thường trên máy tính dù là nhỏ nhất, từ đó sử dụng AI để tự động chỉ ra các kịch bản nguy hiểm sắp xảy ra với người dùng, sau đó là phát lệnh ngăn chặn và tiêu diệt mối nguy kịp thời”.

Ngoài ra, VHT khai thác ứng dụng chuyển văn bản thành giọng nói của FPT để chăm sóc khách hàng; Five9 đã triển khai công nghệ IBM Watson for Oncology tại Việt Nam hỗ trợ các chuyên gia ung bướu đưa ra các lựa chọn phác đồ điều trị ung thư dựa trên bằng chứng tại bệnh viện đa khoa Phú Thọ.

Trong thỏa thuận hợp tác chiến lược về nghiên cứu và ứng dụng AI giữa FPT và Grab vừa được ký kết gần đây, mỗi bên sẽ khai thác thế mạnh riêng để xây dựng giải pháp giao thông thông minh cho mô hình đô thị thông minh trong tương lai. Phần của Grab sẽ tổng hợp và đóng góp nguồn dữ liệu ẩn danh từ thiết bị định vị GPS của 3 tỷ chuyến xe đã được thực hiện trên nền tảng Grab từ năm 2012 tới nay. Phần FPT phát triển cổng thông tin giám sát giao thông theo thời gian thực tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...

Giới am hiểu về AI cho rằng, dù đã có những giải pháp về AI nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chú ý đến những giải pháp tầm vĩ mô nên mức độ tùy biến các giải pháp AI còn chậm chạp và không hiệu quả.

Ông Nguyễn Trương, một người có hiểu biết về AI chia sẻ: “Công nghệ AI không có gì là quá cao siêu như nhiều người đã nghĩ. Muốn khai thác thế mạnh của AI, buộc doanh nghiệp phải có dữ liệu đủ lớn, sau đó mới nghĩ tới các thuật toán AI. Dữ liệu càng nhiều, AI càng hấp dẫn. Còn không có dữ liệu, xin đừng nói gì đến AI cho tốn thời gian và tốn tiền của”.

Theo Quang Nghiễm, Điện Bàn - Thegioitiepthi

Bài gốc

Xem thêm

 
Bài viếtdmstai