Chuyên gia nói gì về phương pháp điều trị ung thư mới vừa đạt Nobel Y học


Khoảng 20 bệnh nhân tại BV K đang áp dụng liệu pháp điều trị ung thư mới – tiêm thuốc miễn dịch.

PGS.TS Lê Văn Quảng 

PGS.TS Lê Văn Quảng 

Giá đắt, chỉ áp dụng giai đoạn di căn

Giải Nobel Y học 2018 vừa qua được trao cho 2 nhà khoa học danh tiếng là GS Tasuku Honjo (76 tuổi, ĐH Kyoto, Nhật Bản) và GS James P. Allison (70 tuổi, ĐH Texas, Mỹ). Cả 2 cùng nghiên cứu ra một liệu pháp điều trị ung thư mới.

Thực tế, 2 nhà khoa học trên đã tìm ra liệu pháp miễn dịch từ những năm 90 thế kỷ trước, sau đó các công ty dược đã nghiên cứu, sản xuất ra nhiều loại thuốc là các kháng thể đơn dòng giúp tế bào miễn dịch nhận ra tế bào ung thư và tiêu diệt.

ThS. Phạm Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, BV K cho biết, cách đây 4-5 năm, thời điểm các thuốc nghiên cứu giai đoạn 3, Việt Nam cũng cùng tham gia thử nghiệm. 

Sau khi đã có những bằng chứng rõ ràng về hiệu quả và có hướng dẫn quốc tế, từ cuối 2017, Bộ Y tế chính thức cấp phép sử dụng thuốc miễn dịch Pembrolizumab trong thực hành lâm sàng điều trị ung thư tại Việt Nam.

Hiện tại, thuốc này đã được áp dụng tại nhiều bệnh viện trên cả nước: BV K, Chợ Rẫy, Ung Bướu TP.HCM, Bình Dân TP.HCM... Tại BV K, hiện có khoảng 20 bệnh nhân đang điều trị theo phương pháp này. 

PGS.TS Lê Văn Quảng, PGĐ BV K cho biết thêm, dù là thuốc mới nhưng không phải bệnh nhân nào cũng có chỉ định dùng, phụ thuộc vào bệnh cảnh, giai đoạn, đặc điểm sinh học của từng người.

Hiện tại, các hướng dẫn đều chỉ áp dụng cho trường hợp ung thư di căn, khi các phương thức khác không còn hiệu quả. Các giai đoạn sớm hơn chưa có chỉ định lâm sàng.

Tuy nhiên giá thành của thuốc miễn dịch này khá đắt, chi phí từ 60-120 triệu đồng/chu kỳ, mỗi chu kỳ gồm 3 lọ, mỗi lọ cách nhau 3 tuần, cứ thế lặp lại và hiện bảo hiểm vẫn chưa chi trả.

Mới gây, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng đã làm việc được với đơn vị cung cấp thuốc đề nghị hỗ trợ chi phí. Theo đó người bệnh tự chi trả 4 chu kỳ sẽ được hỗ trợ thêm 2 chu kỳ trong suốt quá trình sử dụng thuốc nhưng đây vẫn là chi phí khổng lồ, không phải bệnh nhân nào cũng tiếp cận được.

Ngăn khối u nhưng không triệt để

TS.BS Đào Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, BV K cho biết, đến nay Việt Nam chưa có nghiên cứu độc lập nào về tính hiệu quả của thuốc Pembrolizumab, tất cả đều dựa trên thành quả của các nghiên cứu trên thế giới.

TS Đào Văn Tú nhấn mạnh, thuốc miễn dịch không thể điều trị triệt để được khối u 

TS Đào Văn Tú nhấn mạnh, thuốc miễn dịch không thể điều trị triệt để được khối u 

“Theo các nghiên cứu, các thuốc điều trị miễn dịch có tác dụng giảm khối u, kéo dài thời gian sống thêm, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân”, TS Tú thông tin.

Thuốc được chỉ định nhiều nhất cho ung thư thư hắc tố, ung thư phổi, tiếp đến là ung thư đường tiết niệu như thận, bàng quan, ung thư đầu cổ, ung thư gan, gần đây có thêm ung thư đường tiêu hoá, ung thư buồng trứng.

Đánh giá trên từng bệnh nhân cho thấy, thuốc có hiệu quả với một số loại ung thư, tình trạng được cải thiện, khối u không còn bị di căn.

Đơn cử như trường hợp nữ bệnh nhân 60 tuổi mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, di căn nhiều bộ phận, tiên lượng sống chỉ 4-5 tháng nhưng sau 3 đợt điều trị bằng phương pháp miễn dịch, đến nay đã sống được hơn 1 năm.

Trường hợp khác là bệnh nhân ung thư u hắc tố đã di căn xương và phần mềm dưới da, vào viện không đi lại được. Sau 7 tháng áp dụng liệu pháp miễn dịch, các khối u “tan” nhanh, khối u dưới da và xương biến mất, bệnh nhân đã đi lại được. Tuy nhiên sau 8 tháng, các tế bào ác tính lại xuất hiện ở vị trí khác.

Một bệnh nhân bị ung thư vòm họng bị tái phát, di căn, đã điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích nhưng thất bại, sau 3 chu kỳ điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh nhân đáp ứng tốt, khối u ở cổ giảm dần.

“Tuy nhiên đây không phải loại thuốc có thể chữa khỏi được ung thư, chỉ dùng điều trị ở giai đoạn di căn, chủ yếu để ngăn chặn sự phát triển của khối u chứ không điều trị triệt để được. Để tăng cường hiệu quả, cần kết hợp với các phương pháp truyền thống khác”, TS Tú nhấn mạnh.

Thêm nữa, liệu pháp này ở Việt Nam còn rất mới, số lượng bệnh nhân ít nên chưa có đủ số liệu để khẳng định tính hiệu quả.

PGS Quảng chia sẻ thêm, ung thư luôn đa hình thái tế bào, có rất nhiều gene tham gia vào quá trình sinh tế bào ung thư nên bất kỳ thuốc nào cũng chỉ đánh vào được một vài gene, một vài điểm nên một loại thuốc không thể có hiệu quả cho tất cả.

Như thuốc Pembrolizumab (kháng thể đơn dòng ức chế thụ thể PD-1) chỉ áp dụng cho các trường hợp di căn có mức độ biểu hiện thụ thể PD-1 trên khối u lớn, mức độ càng cao, khả năng đáp ứng điều trị càng tốt.

“Với điều trị miễn dịch là dùng kết hợp với các phương pháp truyền thống trước đó. Nếu dùng đơn liệu pháp miễn dịch phải có tiêu chuẩn riêng. Với ung thư phổi, PD-1 phải đạt trên 50% nhưng với các phương pháp truyền thống chỉ cần 30% đã điều trị rồi”, PGS Quảng nói.

Theo PGS Quảng, trước đây, ung thư là án tử nhưng giờ tuổi thọ bệnh nhân đã được cải thiện rất nhiều, tỉ lệ sống thêm nhiều hơn.

Trong 5-10 năm nữa, bệnh nhân ung thư có thể có thêm nhiều lựa chọn khi các nghiên cứu lâm sàng với các thuốc ức chế miễn dịch ở giai đoạn sớm có kết quả. Còn hiện tại, quan trọng nhất vẫn là phòng ung thư và không phủ nhận các phương pháp truyền thống như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, thuốc nhắm trúng đích.

Thúy Hạnh - Vietnamnet

Bài gốc

Xem thêm