Làm khoa học là không chờ đợi


Đừng chờ đợi một chính sách hay chương trình hỗ trợ nào đó của nhà nước, mà hãy tự chủ động đi theo đam mê nghiên cứu của mình và tin rằng sẽ thành công.

TS Nguyễn Chí Ngọc (phải) chụp hình lưu niệm với TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tại Techmart năm 2015 diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: NVCC.

TS Nguyễn Chí Ngọc (phải) chụp hình lưu niệm với TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tại Techmart năm 2015 diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: NVCC.

TS Nguyễn Chí Ngọc, giảng viên bộ môn Viễn thông, Khoa Điện - Điện tử, ĐH Bách khoa TP.HCM đã chia sẻ như vậy với Tạp chí Khám phá về hoạt động nghiên cứu khoa học và thương mại hóa sản phẩm từ trường ĐH.

Nghiên cứu từ những điều mắt thấy, tai nghe

TS Ngọc công tác tại ĐH Bách khoa TP.HCM từ năm 2001. Thời kỳ đó, anh tập trung phát triển các nền tảng viễn thông như hệ thống tổng đài IP (mạng điện thoại nội bộ dùng giao thức Internet), hay hệ thống video conference (sử dụng cho việc họp trực tuyến)…

Bước ngoặt trong hoạt động nghiên cứu khi anh vào thăm người nhà đang điều trị tại bệnh viện. 4h sáng, những bệnh nhân từ các tỉnh ngoại thành đến TP.HCM khám bệnh. Họ phải chờ từ sáng sớm để lấy số thứ tự và dường như “túc trực” tại bệnh viện rất lâu để được khám.

“Tại sao không thực hiện việc chẩn đoán và điều trị y tế từ xa giúp tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân và bác sỹ”- anh nhớ lại.

Bắt tay vào nghiên cứu với vốn kiến thức chuyên môn có được trong quá trình học tập 2 năm tại ĐH Kyung Hee (Hàn Quốc), anh đã xây dựng thành công hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa bằng công nghệ.

Với hệ thống này, các hình ảnh chụp CT, MRI, X – quang, siêu âm,…sẽ được hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh (PACS) hoặc hình ảnh trực tiếp từ phòng mổ được tích hợp vào công cụ hội chẩn trực tuyến.

Điều này sẽ giúp bác sỹ hội chẩn trực tuyến giúp chẩn đoán và điều trị từ xa, tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân ở các vùng quê.

Hệ thống cũng sẽ giúp liên kết các bác sỹ của bệnh viện tham gia cùng chẩn đoán ca bệnh, liên kết các bác sỹ của nhiều bệnh viện, linh hoạt sử dụng nguồn nhân lực khi số lượng chuyên gia còn ít.

Hệ thống này được TS Ngọc nghiên cứu phát triển từ năm 2009. Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2013, anh bắt đầu thử nghiệm sản phẩm tại bệnh viện Hồng Đức. Năm 2015, sau quá trình thử nghiệm, sản phẩm của anh đã thương mại hóa và cung cấp cho hàng chục bệnh viện khắp cả nước.

Bác sỹ tại bệnh viện nhân dân Gia Định sử dụng hệ thống chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa do TS Ngọc nghiên cứu. Ảnh: NVCC.

Bác sỹ tại bệnh viện nhân dân Gia Định sử dụng hệ thống chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa do TS Ngọc nghiên cứu. Ảnh: NVCC.

Riêng tại TP.HCM hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa đã được ứng dụng tại các bệnh viện lớn như: Bệnh viện nhân dân Gia Định, bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện Răng - Hàm - Mặt, bệnh viện Huyết học và Truyền máu, bệnh viện quận Thủ Đức…

Cứng cáp ở trong nước mới đủ tự tin ra biển lớn

“Để có được thành công như hôm nay, quả thật tôi đã không trải qua con đường rải đầy hoa hồng”- TS Ngọc chia sẻ.

Sản phẩm y tế kỹ thuật cao của anh ra đời trong bối cảnh các thiết bị y tế tại Việt Nam đang bị lấn át bởi nhiều sản phẩm ngoại nhập. Khó khăn hơn nữa, nhiều lãnh đạo các bệnh viện tỏ ra khá e dè với những sản phẩm mới toanh, nghiên cứu trong nước làm ra.

“Tâm lý là họ vẫn thích đồ ngoại với những chương trình hỗ trợ khá hấp dẫn. Có doanh nghiệp tại Mỹ hỗ trợ các bệnh viện dùng thử sản phẩm lên đến 3 năm và sau đó mới đàm phán chuyện mua bán. Sản phẩm trong nước phải chịu sự cạnh tranh rất lớn như vậy”- TS Ngọc tâm sự.

Với lối suy nghĩ riêng, anh không hề bỏ cuộc mà vẫn tìm ra hướng đi cho những sản phẩm nghiên cứu của mình.

Anh tìm đến những bệnh viện quy mô nhỏ, bệnh viện tư nhân để tiếp cận và giới thiệu sản phẩm. Sản phẩm được kiểm nghiệm và đánh giá bởi Hội đồng khoa học để được đưa vào sử dụng.

Bằng chính uy tín và sự cam kết, sản phẩm của anh đã có mặt tại nhiều bệnh viện lớn nhỏ tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác ở Tây Nam Bộ và miền Trung. Đó là thành quả của quãng thời gian hơn 9 năm anh kiên định với con đường mình đã chọn.

Điều đặc biệt, đây cũng là kết quả nghiên cứu từ trường ĐH. Gặp nhiều khó khăn nhưng anh luôn tâm niệm nhiệm vụ của nhà khoa học là nghiên cứu, nhưng kết quả của những nghiên cứu đó phải giúp ích cho  cộng đồng.

TS Ngọc nói rằng, nhà khoa học đừng chờ đợi một chính sách hay chương trình hỗ trợ nào đó của nhà nước, mà hãy tự chủ động đi theo đam mê nghiên cứu của mình và tin rằng sẽ thành công. 

Anh cũng cho rằng, nhà khoa học cần tập trung giải quyết các vấn đề trong nước bằng khoa học rồi hãy mở rộng ra thị trường nước ngoài bằng nhiều cách khác nhau. “Cứng cáp ở trong nước rồi khi đó mình mới đủ tự tin ra biển lớn được”- TS Ngọc bày tỏ.

Hà Thế An - Khampha.vn

Bài gốc

Xem thêm