KHCN tuần qua: VN sản xuất vệ tinh, Trung Quốc phóng mặt trăng nhân tạo


Ngoài ra, tuần lễ WHISE 2018 - Sự kiện lớn nhất trong năm về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại TP.HCM cũng lọt vào top sự kiện KHCN nổi bật trong tuần.

 
 

1. Sôi động Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM - WHISE 2018

Diễn ra liên tục từ ngày 15 - 19/10, Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2018 (WHISE 2018) đã thu hút hơn 3.500 lượt người tham dự.

Trong thời gian diễn ra Tuần lễ, gần 30 sự kiện đã được tổ chức và thu hút được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng khởi nghiệp. Nhiều cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, hoạt động trưng bày sản phẩm của các startup cũng được tổ chức tại WHISE 2018.

Đặc biệt, Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM năm 2018 (I-Star 2018) lần đầu tiên đã được trao cho 11 tổ chức và cá nhân có thành tựu xuất sắc trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

2. Việt Nam làm chủ tịch Ủy ban vệ tinh quan sát Trái Đất 2019

Ngày 18/10 tại Brussels (Bỉ), PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đại diện cho Việt Nam đón nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Vệ tinh quan sát Trái Đất 2019 - CEOS Chair 2019.

Phó giáo sư Phạm Anh Tuấn thay mặt Việt Nam nhận nhiệm vụ Chủ tịch CEOS. Ảnh: VNSC.

Phó giáo sư Phạm Anh Tuấn thay mặt Việt Nam nhận nhiệm vụ Chủ tịch CEOS. Ảnh: VNSC.

Đây là nhiệm vụ luân phiên mỗi năm một lần đối với các nước là thành viên tham gia Ủy ban. Khi đảm nhận vị trí chủ tịch, Việt Nam sẽ đưa ra hai sáng kiến chính là quan sát carbon (các khu vực rừng, phối hợp với việc quan sát Trái Đất) để hỗ trợ giám sát và quản lý rừng trong khu vực một cách hiệu quả và quan sát phục vụ nông nghiệp (giám sát lúa).

Ủy ban Vệ tinh quan sát Trái đất (CEOS) được thành lập vào năm 1984, là cơ quan đầu mối phối hợp các hoạt động quốc tế liên quan đến không gian và quan trắc Trái Đất.

3. Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ

Là cuộc thi khoa học hướng tới các nhà sáng tạo trẻ trên thế giới, triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ (IEYI) diễn ra tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ từ ngày 17 - 20/10/2018. Cuộc thi thu hút sự tham gia của hơn 350 nhà sáng tạo trẻ đến từ hơn 14 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đáng chú ý, tất cả 7 công trình của đoàn Việt Nam tham dự IEYI 2018 đều đạt giải, trong đó có 1 huy chương vàng dành cho công trình quan trắc và kiểm tra chất lượng nước trong môi trường thủy sản của Đại học Quốc gia Hà Nội, 1 huy chương bạc và 4 huy chương đồng. Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam còn có 2 giải đặc biệt do các thành viên tham gia cuộc thi lựa chọn.

4. Việt Nam sản xuất vệ tinh quan sát Trái Đất dự báo thiên tai

Việt Nam và Nhật Bản đang chuẩn bị để sản xuất vệ tinh radar LOTUSat - 1. Vệ tinh có độ phân giải cao (từ 1 đến 16 m), tức là có thể quan sát hình ảnh của một vật thể chi tiết khoảng 1-16 m.

Lộ trình phát triển vệ tinh của Việt Nam. Ảnh: VNSC.

Lộ trình phát triển vệ tinh của Việt Nam. Ảnh: VNSC.

LOTUSat - 1 là vệ tinh dùng cảm biến chủ động (sóng vô tuyến), không phụ thuộc vào nguồn sáng mặt trời, cho khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm, giúp tăng gấp đôi hiệu suất quan sát Trái Đất so với vệ tinh dùng cảm biến quang học. Nó còn có khả năng đâm xuyên, phân biệt tính chất vật liệu bề mặt và phản xạ tín hiệu vô tuyến.

Hình ảnh mô phỏng vệ tinh LOTUSat-1 mà Dự án “Phòng chống thiên tai và  biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất” sẽ chế tạo.  Ảnh: JICA Việt Nam.

Hình ảnh mô phỏng vệ tinh LOTUSat-1 mà Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất” sẽ chế tạo. Ảnh: JICA Việt Nam.

Thời gian thực tế cần để sản xuất vệ tinh LOTUSat - 1 là 36 tháng. Vệ tinh này sẽ được thúc đẩy nhanh để phục vụ việc dự báo thiên tai. Dự kiến khi ứng dụng, vệ tinh sẽ dự báo sớm và giúp giảm 10% thiệt hại do thiên tai đến nền kinh tế Việt Nam.

5. Phóng mặt trăng nhân tạo thay thế đèn đường

Phóng "mặt trăng nhân tạo" lên bầu trời vào năm 2020 là kế hoạch đầy tham vọng của chính quyền thành phố Thành Đô, Trung Quốc.

Ảnh: Alamy.

Ảnh: Alamy.

Thực tế, đây là một vệ tinh chiếu sáng, có độ sáng gấp 8 lần ánh sáng tự nhiên của mặt trăng và sẽ đủ sáng để thay thế hệ thống đèn đường. Vệ tinh này có khả năng thắp sáng một khu vực đường kính từ 10-80 km, trong khi phạm vi chiếu sáng chính xác có thể kiểm soát được trong vài chục mét. Cuộc thử nghiệm vệ tinh chiếu sáng đã bắt đầu từ vài năm trước, hiện công nghệ và thiết kế đã được hoàn tất.

Chính quyền thành phố hy vọng, sự xuất hiện của mặt trăng nhân sẽ giúp thu hút thêm nhiều khách du lịch.

6. Ra mắt máy ảnh có tốc độ chụp nhanh nhất thế giới

Với tốc độ lên đến mức không tưởng, "siêu" máy ảnh T - cup đã xô đổ nhiều kỷ lục và hiện là máy ảnh nhanh nhất thế giới. T - cup được tạo ra bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Quebec và Viện Công nghệ California (Mỹ).

Máy ảnh có tốc độ chụp nhanh nhất thế giới.

Máy ảnh có tốc độ chụp nhanh nhất thế giới.

Tốc độ chụp của máy ảnh này nhanh đến nỗi nó có thể ghi lại chuyển động của ánh sáng. Sự ra đời của máy ảnh T - cup là cơ sở cho một công nghệ mới phục vụ trong nghiên cứu y học hoặc xét nghiệm máu tại các bệnh viện trong tương lai.

7. Google AI có thể phát hiện ung thư vú chính xác 99%

Google tiếp tục chứng minh rằng trí tuệ nhân tạo AI có thể thay con người làm nhiều việc hiệu quả trong tương lai.

Các kỹ sư của công ty đã đào tạo thuật toán LYNA để máy tính nhận biết các đặc tính của khối u, thậm chí có thể thể phân biệt khối u lành tính hay ác tính với độ chính xác 99%, ngay cả với những di căn cực kỳ nhỏ mà mắt người bị bỏ qua.

Các nhà khoa học đánh giá: giải pháp của Google giúp ích rất nhiều cho bác sĩ trong việc chẩn đoán, không chỉ làm giảm tỷ lệ bỏ sót các khối u mà còn giúp rút ngắn thời gian cho bác sĩ.

8. Ra mắt cuốn sách cuối cùng của “ông hoàng vật lý” Stephen Hawking

Ngày 15/10, tại Bảo tàng Khoa học ở thủ đô London (Anh) đã diễn ra buổi phát hành toàn cầu đối với cuốn sách cuối cùng của Stephen Hawking.

Cuốn sách “Brief answers to big questions” (tạm dịch: “Những câu trả lời tóm lược cho những câu hỏi tóm lược).

Cuốn sách “Brief answers to big questions” (tạm dịch: “Những câu trả lời tóm lược cho những câu hỏi tóm lược).

Cũng trong buổi lễ ra mắt cuốn sách, các cộng sự của ông cũng cho công bố công trình nghiên cứu cuối cùng của nhà vật lý lý thuyết vĩ đại, với những phát hiện mới về hố đen và nghịch lý thông tin. Stephen Hawking qua đời ngày 14/3 vừa qua ở tuổi 76.

9. Nhật Bản tạo ra kẹo cao su điện tử có hương vị vĩnh cửu

Thực tế, loại kẹo này gắn một thiết bị nhỏ được bọc trong lớp màng kín không thấm nước bọt, và nó sẽ tạo ra dòng điện ổn định khi chúng ta nhai. Khi dòng điện chạy trên lưỡi của người sử dụng, nó không tạo cảm giác đau mà làm xuất hiện cảm nhận về vị cay hoặc mặn. Đến khi ngừng nhai, lưỡi vẫn tiếp tục cảm nhận được vị trước đó.

Có thể phát minh này không bao giờ nằm trên các kệ trong các siêu thị, tuy nhiên trong tương lai nó có thể rất hữu ích khi ứng dụng trong công nghệ thực tế ảo.

10. Lười tập thể dục gây hại sức khỏe hơn hút thuốc

Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố một nghiên cứu cho thấy việc không tập thể dục hoặc ít tập thể dục có tác hại đến sức khỏe hơn cả hút thuốc, bệnh tiểu đường và tim mạch.

Đây là kết quả nghiên cứu trên 122.000 bệnh nhân từ năm 1991 đến 2014 của các nhà khoa học ở Trung tâm nghiên cứu Cleveland, bang Ohio.

Các nhà khoa học đã cho các bệnh nhân này sử dụng máy tập chạy, và thấy rằng, những người không tập chạy hoặc ít tập chạy có tỷ lệ tử vong cao gấp đôi so với người tập chạy hàng ngày

P.V - khampha.vn

Bài gốc

Xem thêm