Ứng dụng rô-bốt, trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống
Trong xu thế bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang diễn ra mạnh mẽ, TP Hồ Chí Minh cũng đang nỗ lực triển khai nhiều kế hoạch, chương trình, kêu gọi đầu tư xây dựng một thành phố thông minh, hiện đại.
Trong đó, ứng dụng rô-bốt và trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực để phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những nhóm giải pháp thực hiện được thành phố hướng đến.
Nhiều ứng dụng thiết thực
Mới đây, các giảng viên và sinh viên Trường đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh đã chế tạo thành công rô-bốt có thể tự điều chỉnh và cắt tỉa viền cây công viên với tốc độ một giờ có thể cắt tỉa được chiều dài 2 km. Nếu ý tưởng này được thương mại hóa sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho công nhân môi trường đô thị.
Trong lĩnh vực y tế, việc ứng dụng rô-bốt vào phẫu thuật cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người dân thành phố. Tại Bệnh viện Bình Dân (TP Hồ Chí Minh), các bác sĩ đã ứng dụng công nghệ rô-bốt trong phẫu thuật nội soi một số bệnh, trong đó có ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng,...
Giám đốc Bệnh viện Bình Dân Trần Vĩnh Hưng khẳng định, phẫu thuật bằng rô-bốt giúp điều trị triệt để, giảm tới mức thấp nhất nguy cơ tai biến và biến chứng thường gặp sau phẫu thuật; bảo tồn tốt nhất chức năng các cơ quan còn lại của người bệnh.
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, một nhóm nghiên cứu trẻ thuộc Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh) cũng đang thực hiện dự án thiết lập hệ thống theo dõi và dự đoán sức khỏe thông minh bằng ứng dụng học máy.
Cụ thể, trên cơ sở nắm bắt có hệ thống các tác động của ô nhiễm đối với sức khỏe của từng cá nhân nói riêng và cả cộng đồng nói chung, nghiên cứu này sẽ đưa ra cảnh báo và đề xuất về sức khỏe, bệnh lý chủ động cho các cá nhân và cộng đồng trong chăm lo sức khỏe.
Có thể nói, việc ứng dụng rô-bốt và trí tuệ nhân tạo khá phổ biến, nhất là ở các lĩnh vực chuyên sâu đang hiện hữu ngày một nhiều trong các lĩnh vực tại TP Hồ Chí Minh. Trong một triển lãm về rô-bốt và trí tuệ nhân tạo mới đây tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, hơn 20 doanh nghiệp trong nước tại TP Hồ Chí Minh đã "trình diễn" nhiều nghiên cứu về công nghệ rô-bốt và tự động hóa là một minh chứng sinh động về sự "bùng nổ" của lĩnh vực này trong đời sống.
Ðơn cử như: Hệ thống Machine vision của Công ty New Ocean (phường 4, quận Tân Bình) với giải pháp điều khiển tự động và machine vision (kiểm tra lỗi ngoại quan tự động) cho các nhà máy quốc tế tại Việt Nam thông qua xử lý ảnh công nghiệp thu được từ các ca-mê-ra gắn trên dây chuyền.
Tại hội nghị mời gọi đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh và Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội cho TP Hồ Chí Minh mới đây, lãnh đạo thành phố một lần nữa nhấn mạnh: Ðể xây dựng được các trung tâm này cần thực hiện được các giải pháp lớn.
Ngoài việc xây dựng chính quyền trách nhiệm, chính quyền thông minh; xây dựng môi trường thì giải pháp về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ dữ liệu lớn, cũng sẽ góp phần làm cho quá trình tiếp nhận, lưu trữ và xử lý thông tin ngày càng hiệu quả.
Nhiều hợp tác được kỳ vọng
Nắm bắt được xu thế phát triển đó, Hội nghị quốc tế thường niên Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh lần thứ năm với chủ đề "Rô-bốt và trí tuệ nhân tạo", đã thu hút được sự quan tâm của các diễn giả trong nước và nước ngoài chia sẻ những chủ đề, kinh nghiệm trong lĩnh vực này. PGS, TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) cho biết:
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu triển khai của đơn vị để triển khai các dự án về tự động hóa quá trình sản xuất, trong đó có ứng dụng rô-bốt. Hiện SHTP đang chú trọng đưa trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng sâu hơn trong các lĩnh vực của mình.
Ðây cũng là tiền đề để TP Hồ Chí Minh ứng dụng công nghệ, từng bước hỗ trợ thành phố phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên số, nhất là định hướng xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn 2030.
Một trong những điểm nhấn của hội nghị quốc tế thường niên lần này chính là việc SHTP đã ký kết, ghi nhớ để phát triển công nghệ rô-bốt và trí tuệ nhân tạo trong sản xuất công nghiệp với các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc. Về đào tạo nhân lực phục vụ cho lĩnh vực này, Trung tâm đào tạo công nghệ Việt - Nhật của SHTP cũng hướng đến mục tiêu đạt trình độ chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Hiện SHTP đang biên soạn các chương trình theo chuẩn của Nhật Bản về trí tuệ nhân tạo để phục vụ cho công tác đào tạo lao động chất lượng cao trong lĩnh vực này. Ngoài ra, công tác đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai cũng sẽ gắn kết, kết nối giữa trường đại học và doanh nghiệp có mối liên kết về lĩnh vực này.
Phát biểu trước các diễn giả trong nước và quốc tế, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cũng nhấn mạnh: Xu hướng công nghệ rô-bốt và trí tuệ nhân tạo đang dần thay đổi thế giới.
Những kiến thức, kinh nghiệm của các đại biểu sẽ tạo được mối quan hệ hợp tác giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài trong việc nghiên cứu, ứng dụng và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này nhằm mục đích ứng dụng vào đời sống, phục vụ nhu cầu phát triển trong các lĩnh vực.
Xuân Phú - Báo Nhân dân