Ứng xử với mô hình kinh doanh mới: Dân tộc nào chịu đau sẽ phát triển


Trước sự xuất hiện của những mô hình kinh doanh mới, ông Võ Trí Hảo nhận định rằng: “Dân tộc nào chịu đau, dân tộc đó sẽ phát triển. Đó là câu chuyện của mỗi quốc gia”. 

Ứng xử với các mô hình kinh doanh mới

Sự xuất hiện và phát triển của “hiện tượng” Uber, Grab - đại diện cho những mô hình nền tảng đã mang đến những thách thức xã hội theo những cách chưa từng thấy, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính những năm 2008-2009.

Những người làm luật trên khắp thế giới phải vật lộn với bài toán các mô hình kinh tế mới đặt ra trong thời đại 4.0: an toàn công cộng, công bằng về kinh tế, bảo mật dữ liệu, quyền lao động… và nhiều thứ khác.

Nói về câu chuyện ứng xử của Nhà nước Việt Nam đối với sự gia nhập và phát triển “đầu tranh cãi” của một ví dụ điển hình - Grab, Phó Giáo sư.TS. Võ Trí Hảo, Khoa Luật, Đại học Kinh tế TP HCM nhận định rằng: “Dân tộc nào chịu đau, dân tộc đó sẽ phát triển. Đó là câu chuyện của mỗi quốc gia”.

Ông cho rằng, từ câu chuyện và bài học lịch sử khi ông Nguyễn Trường Tộ muốn cải cách đất nước nhưng không được ủng hộ, Việt Nam có lẽ đã rút ra điều bổ ích. Việc chính phủ không ban hành luật ngay lập tức mà cho phép thí điểm dịch vụ gọi xe đã cho thấy sự ủng hộ và tâm thế đón nhận cuộc cách mạng 4.0.

Với những mô hình kinh doanh mới như Grab, ông cũng như nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng đừng nên cố gắng “gán mác” nó vào những định nghĩa có sẵn: Công ty công nghệ hay là doanh nghiệp vận tải truyền thống.

Về cơ bản, đó là một ứng dụng cung cấp nhiều chức năng, và muốn quản lý thì chính sách hay điều kiện kinh doanh cần phải được áp dụng cho từng chức năng cụ thể, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp truyền thống như Vinasun hay Mai Linh … đang phải chịu điều kiện kinh doanh khắt khe hơn và thiếu công bằng, nên phải gỡ bỏ “ách chính sách” cho họ.

Thị trường tự giải quyết câu chuyện về cạnh tranh

Bên cạnh câu chuyện về việc quản lý loại hình kinh doanh, nhiều người bày tỏ lo ngại về vị thế “độc tôn” thị trường của Grab, gây ra những bất lợi về cạnh tranh đối với các doanh nghiệp, tài xế và cả người dùng . Ông Hảo dẫn lại những “case study” tiền lệ.

Câu chuyện hãng sản xuất máy bay Boeing đã từng bị tách ra, hẳn chưa nhiều người biết đến. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, sự phát triển quá thành công của Boeing đã tạo nên hiện tượng độc quyền tự nhiên, dẫn đến không còn hãng nào có cơ hội tham gia thị trường, tổn hại đến môi trường kinh doanh. Trước tình huống này, Cơ quan quản lý Cạnh tranh của Hoa Kỳ buộc hãng Boeing phải tách làm hai. Sau đó, một nhánh tách ra đã không thể tồn tại, một nhánh Boeing lại tiếp tục phát triển thành công.

Khi Microsoft phát triển đến quy mô quá lớn, người ta cũng từng phải tính đến phương án chia đôi công ty để duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, may mắn ở thời điểm đó, sự xuất hiện của Google đã tạo ra sự cạnh tranh và đối trọng, cân bằng lại thị trường.

Ví dụ về Microsoft và Google dẫn đến một quan điểm: Liệu bàn tay can thiệp của chính phủ là cần thiết để “ngăn chặn” vị thế chiếm lĩnh thị trường của những mô hình kinh doanh mới có nguy cơ “nuốt chửng” những doanh nghiệp truyền thống?

Trong cuốn sách “cuộc cách mạng nền tảng”, ba tác giả Geofrey, Marshall và Sangeet trình bày rất rõ về vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng, sự cách tân đánh đổi cho sự đào thải và một số “mảng tối” mà chúng có thể gây ra. Các doanh nghiệp nền tảng đã có mặt ở đây, và chúng đang mang lại những lợi ích không thể tranh cãi cho hàng triệu người. Tại sao lại cản trở sự đổi mới bằng việc thông qua những quy định nặng tay với chúng?

Ronald Coase và Geogle Stigler, những người đoạt giải Nobel, thành viên của trường Kinh Chicago định hướng theo học thuyết về nền kinh tế sự vận hành nổi tiếng, lập luận rằng phần lớn những thất bại của thị trường được giải quyết tốt nhất bởi chính những cơ chế thị trường.

Theo quan điểm của họ, lịch sử đã chứng minh, những nhà quản lý của chính phủ thường không đủ năng lực hoặc tham nhũng, tức là quy định nói chung tường thất bại trong việc giải quyết những vấn đề cần xử lý. Trong những trường hợp cụ thể nơi mà thị trường tự do không thể giải quyết một vấn đề quan trọng về sự công bằng trong thị trường hay bảo vệ người tiêu dùng, nó có thể được giải quyết bằng tranh tụng cá nhân tại toà án.

Một trong những cơ chế thông dụng nhất chứng minh cho sự thất bại của quy định được Stigler gán cho một cái tên là “lợi dụng quy định”. Tiền đề cơ bản đó là những người tham gia vào thị trường sẽ hành động để tạo ra sự ảnh hưởng đến quy định nhằm phục vụ lợi ích riêng của họ thay vì lợi ích của phần lớn cộng đồng. Và điều này thường làm cho những vấn đề thị trường cơ bản càng xấu hơn thay vì tốt hơn.

Thời đại của quy định 2.0?

Công trình nghiên cứu của nhà kinh tế học Carlota Perez mô tả “những cú sốc lớn” trong công nghệ đã dẫn đến “những thay đổi vũ bão ở con người, các doanh nghiệp và các kỹ năng như thế nào”. Perez cho rằng, những cú sốc lớn này cũng đòi hỏi những thay đổi trong chế độ quản lý.

Nick Grossman, một doanh nhân, một nhà đầu tư và là người sáng lập ra phòng thí nghiệm Media Lab, đã kêu gọi chuyển đổi từ Bộ quy định 1.0 hiện hành (nhấn mạnh đến các quy tắc bắt buộc, các quy trình xác nhận và các rào cản gác cổng) sang một hệ thống mới mà ông gọi là Bộ quy định 2.0, xây dựng trên sự đổi mới cởi mở, được điều chỉnh bởi tính minh bạch và trách nhiệm giải trình theo định hướng dữ liệu.

Sự xuất hiện của thời đại thông tin với một lượng lớn dữ liệu quý giá vốn không thể tiếp cận, nay lại trở nên sẵn có cho việc đánh giá, phân tích và sử dụng trong quá trình ra quyết định.

Ví dụ như Uber, hay Grab được trao quyền tự do hoạt động. Đổi lại, họ phải cho phép việc truy cập vào dữ liệu của công ty. Biết chính xác ai đã làm gì, với ai, và khi nào, người tiêu dùng và nhà quản lý có thể khiến cho con người và nền tảng chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Những khách hàng của Grab có thể tham khảo sự đánh giá về tài xế để quyết định xem có nên chấp nhận hay từ chối một chuyến xe cụ thể nào đó không; và công ty có thể bị xử phạt hay thậm chí bị các nhà quản lý buộc phải đóng cửa nếu hoạt động của chúng vi phạm yêu cầu an toàn và công bằng của công chúng.

Theo Bộ quy định 2.0 của Grossman, cơ quan quản lý nhà nước sẽ hoạt động khá khác biệt so với hiện tại. Thay vì thiết lập các quy tắc tiếp cận thị trường, công việc chính của họ là thiết lập và thực thi những yêu cầu minh bạch của thực tế.

Tuy nhiên, đặc biệt trong ngắn hạn, việc thay thế hàng loạt quy định truyền thống bằng hệ thống thông tin mới sẽ tạo ra kết quả mà mọi người xem nó hầu hết là không khả thi. Một Bộ quy định 2.0 hiệu quả cũng đòi hỏi phải có sự nâng cao đáng kể bộ máy chính phủ cũng như sự sửa đổi phức tạp đối với các luật định hiện hành.

Tuệ An - Vietnambiz

Bài gốc

Xem thêm