Trợ lý AI của bác sĩ


Những tiến bộ của trí thông minh nhân tạo (AI) đang mở ra một tương lai mới cho ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe. AI hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoán bệnh, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân, cũng như làm thay đổi cách chúng ta tương tác với các nhà cung cấp dịch vụ y tế.

AI.jpg

Ứng dụng công nghệ AI trong khám chữa bệnh

Sự phát triển của AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã làm thay đổi mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân. Ví dụ, ngày nay hầu hết các xét nghiệm được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ. Nhưng chẳng bao lâu nữa, công nghệ sẽ giúp chúng ta thực hiện các xét nghiệm tại nhà riêng với sự trợ giúp của AI.

Hầu hết giải pháp máy tính đang nổi lên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chủ yếu dựa vào các thuật toán để phân tích dữ liệu và đề xuất phương pháp điều trị. Cụ thể, máy tính được nạp một lượng lớn dữ liệu đã biết, sau đó sử dụng các quy tắc hoặc thuật toán do những chuyên gia thiết lập để trích xuất thông tin và áp dụng nó cho một vấn đề sức khỏe.

Trong cuộc thi đấu giữa AI với con người được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), hệ thống BioMind đã đánh bại một nhóm gồm 15 bác sĩ hàng đầu trong việc chẩn đoán khối u não và dự đoán sự mở rộng của các khối máu tụ trong não [vết thâm tím].

Sự thành công của hệ thống BioMind chủ yếu là do khả năng nhận dạng các mẫu hình ảnh và xử lý thông tin nhanh chóng mà không bị mệt mỏi.

BioMind là sản phẩm hợp tác phát triển của Bệnh viện Tiantan Bắc Kinh (Trung Quốc) và công ty khởi nghiệp Hanalytics tại Singapore. Nó “học” từ dữ liệu chụp cắt lớp vi tính (CT), hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) và các chẩn đoán được lưu trữ tại bệnh viện trong hơn 20 năm.

Khi hệ thống thực hiện một chẩn đoán sai, một bác sĩ cao cấp sẽ sửa lỗi và bài học này được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu để lần sau không tái diễn.

Tương tự, CekMata là một ứng dụng chạy trên nền tảng web sử dụng AI tại Indonesia. CekMata giúp phát hiện sớm bệnh đục thủy tinh thể bằng cách phân tích hình ảnh chụp cận cảnh mắt người dùng và so sánh chúng với cơ sở dữ liệu của những chẩn đoán trước đây.

Stethee là một ống nghe khám bệnh được phát triển tại Malaysia với sự hợp tác của công ty Australia M3DICINE. Nó có thể ghi lại âm thanh của tim và phổi, sau đó truyền tín hiệu âm thanh đến một thiết bị thông minh. Hệ thống AI sau đó sẽ phân tích dữ liệu để phát hiện các bệnh liên quan đến tim hoặc phổi. Ngoài ra, thiết bị cũng dễ dàng mang theo nên khá hữu ích ở khu vực xa xôi hẻo lánh hoặc nông thôn.

Hệ thống ứng dụng trí thông minh nhân tạo Watson for Oncology của tập đoàn IBM giúp các bác sĩ chuyên khoa ung thư tăng cường hiệu suất làm việc của họ bằng cách cho điểm và xếp hạng tài liệu y khoa, tóm tắt hồ sơ bệnh án, phân tích các tài liệu y tế để đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

Watson for Oncology khai thác thông tin từ hơn 300 tạp chí y khoa, hơn 200 sách giáo khoa và gần 15 triệu trang bài báo nghiên cứu. Với công nghệ học máy (machine learning), hệ thống này liên tục học theo thời gian để trở nên hoàn thiện hơn.

Trong thời gian tới, Singapore dự định triển khai một hệ thống chăm sóc sức khỏe dựa trên AI. Công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ ngay lập tức đăng ký một bệnh nhân vào cơ sở y tế, đồng thời kết nối anh ấy hoặc cô ấy với dữ liệu y tế và cá nhân của họ. Tin nhắn văn bản sẽ hướng dẫn, chỉ đường cho bệnh nhân đến các phòng khám bệnh, và hóa đơn y tế sẽ được gửi trực tiếp về nhà của bệnh nhân hoặc qua email.

Có những vấn đề nảy sinh khi nói đến công nghệ. Không giống như đơn thuốc của bác sĩ ghi trên giấy và thuốc uống để trong tủ, các thiết bị y tế hoạt động với sự hỗ trợ của máy tính có thể bị hack và thao túng.

Bởi vì nhiều cải tiến công nghệ liên quan đến một lượng lớn dữ liệu cá nhân nhạy cảm, nên cũng có những lo ngại về quyền riêng tư. Bệnh nhân có thể gặp phải rủi ro khi thông tin cá nhân của họ bị đem bán hoặc chiếm đoạt bởi tin tặc.

Một vấn đề khác cần lưu ý là việc chi tiền cho công nghệ mới của một số chính phủ hoặc bệnh viện. Bởi vì nhiều quốc gia không đầu tư nhiều GDP cho lĩnh vực y tế, nên điều đáng lo ngại là số tiền nghiên cứu AI sẽ lấy đi nguồn chi tiêu cho những nhu yếu phẩm quan trọng như giường bệnh. Do đó, chi tiêu cho công nghệ mới nên thận trọng và chỉ được thực hiện trên cơ sở cần thiết.

AI không thể thay thế hoàn toàn bác sĩ

Trên thực tế, AI giải quyết mối lo ngại rằng các bác sĩ không dành đủ thời gian cho bệnh nhân do họ bị sa lầy vào các nhiệm vụ quản lý như ghi chép lâm sàng, nhập thông tin vào hồ sơ bệnh án, hoàn thành thủ tục giấy tờ. Những công việc này chiếm rất nhiều thời gian trong ngày của bác sĩ.

“Trong tương lai, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy AI đảm nhiệm một số nhiệm vụ lặp đi lặp lại, tẻ nhạt mà các chuyên gia y tế cần phải làm, giúp họ có thêm thời gian để tương tác và thăm khám trực tiếp cho bệnh nhân”, Tan Chorh Chuan, chuyên gia về chăm sóc sức khỏe tại Bộ Y tế Singapore, cho biết.

Không giống như các bác sĩ, máy móc không bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm khi phân tích tình huống. Tuy nhiên, AI không thể thay thế các yếu tố cảm xúc khi bệnh nhân gặp mặt bác sĩ. Sự tương tác của con người là chìa khóa quan trọng cho những cuộc trò chuyện hiệu quả về sức khỏe của bệnh nhân.

Do đó, các bác sĩ sẽ không bao giờ trở nên lỗi thời, dù công nghệ phát triển tiên tiến thế nào đi nữa. “Công nghệ khiến chúng ta tốt hơn, hiệu quả hơn, chính xác hơn. Nhưng không có một công cụ nào có thể thay thế hoàn toàn các bác sĩ”, theo Ngiam Kee Yuan, chuyên gia công nghệ tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói.

“Đây không phải là cuộc đua giữa AI và con người. AI chỉ là một công cụ giúp con người đưa ra các quyết định hợp lý và đáng tin cậy hơn”, Pinaki Dasgupta, giám đốc điều hành công ty AI Hindsait, cho biết.

Quốc Lê - Khoa học phát triển

Bài gốc

Xem thêm

 
Tin tứcdmsttin tức, ai