Tái chế vỏ chai nhựa ở Na Uy có thể áp dụng tại Việt Nam?


97% số chai nhựa ở Na Uy được tái chế, 92% đạt tiêu chuẩn sử dụng lại làm chai đựng nước, có những nguyên liệu được tái chế hơn 50 lần, và số lượng chai nhựa thải ra môi trường dưới mức 1%.

Theo Vietnamplus, hiện nay, Na Uy đang tái chế 97% lượng vỏ chai nhựa đựng đồ uống, và mỗi vỏ chai có thể được tái chế rất nhiều lần. Câu hỏi đặt ra là việc thu gom vỏ chai được thực hiện như thế nào và làm sao để khuyến khích người dân có thói quen đó.

Na Uy đang thực hiện rất hiệu quả chương trình đổi vỏ chai lấy tiền. Một số nước đã bắt đầu quan tâm tới mô hình này.

Chương trình đổi vỏ chai lấy tiền là một đề án của Chính phủ Na Uy do một quỹ môi trường thực hiện. Nó hướng tới cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Chính phủ đánh thuế môi trường đối với tất cả các doanh nghiệp sản xuất chai nhựa.

Nếu các doanh nghiệp tái chế càng nhiều, số thuế phải nộp càng thấp. Khi tổng số chai nhựa được tái chế chiếm 95% trở lên, họ sẽ không phải đóng thuế môi trường nữa. Thực tế, từ năm 2011 tới nay, các doanh nghiệp sản xuất chai nhựa ở Na Uy đã không phải đóng thuế môi trường nữa.

Còn đối với người tiêu dùng, cơ chế cũng rất rõ ràng. Khi mua một đồ uống đựng trong chai nhựa, người tiêu dùng phải trả thêm một khoản tiền từ 10 đến 25 xu phụ thuộc vào kích thước của chai. Sau khi dùng xong, họ có thể trả lại chai đó vào một chiếc máy hoặc ở chính tại nơi họ đã mua trước đó. Sau khi đọc mã vạch, họ sẽ được trả lại tiền mặt hoặc được nhận một coupon.

Mọi cửa hàng bán chai nhựa đều có nghĩa vụ phải thu gom vỏ chai. Các cửa hàng lớn còn lắp đặt hệ thống máy quét mã chai, nghiền nát và đóng gói để vận chuyển tới xưởng tái chế. Những cửa hàng nhỏ hơn thì thu gom vỏ chai trực tiếp. Các cửa hàng được hưởng một khoản phí tính theo đầu vỏ chai thu gom được. Theo đánh giá của các cửa hàng bán lẻ, nhờ có chương trình này lượng khách tới cửa hàng của họ mua hàng đã tăng đáng kể.

Việc thu gom vỏ chai nhựa ở Na Uy đã trở nên phổ biến tới mức, cứ mỗi thứ Hai hàng tuần khách hàng lại xếp hàng dài ở các cửa hàng để trả vỏ chai trước khi mua sắm. Thậm chí, nhiều người còn gom vỏ chai nhựa ở cơ quan mang đến cửa hàng đổi trả, số tiền nhận về sẽ được bỏ vào một quỹ chung dùng để liên hoan cả cơ quan nhân dịp Giáng Sinh hay năm mới.

Một vài con số minh chứng cho thành công của chương trình này: 97% số chai nhựa ở Na Uy được tái chế, 92% trong số đó đạt tiêu chuẩn sử dụng lại làm chai đựng nước, có những nguyên liệu được tái chế hơn 50 lần, và số lượng chai nhựa thải ra môi trường dưới mức 1%.

Mặc dù có những thành công nhất định, song không phải không có khó khăn. Nguyên liệu tái chế chỉ đáp ứng được 10% lượng nhựa được sử dụng để sản xuất chai nhựa trong nước. Hệ thống hiện nay chỉ có thể sản xuất đủ lượng nguyên liệu cao cấp để đáp ứng 80% nhu cầu –trong số đó phần lớn được xuất khẩu.

Các tổ chức môi trường trong nước cũng đang hối thúc chính phủ áp dụng thêm một loại thuế mới là “thuế nguyên liệu.” Nguyên lý áp dụng loại thế này cũng tương tự với thuế môi trường, nhà sản xuất sử dụng càng nhiều nguyên liệu nhựa tái chế, số thuế họ đóng càng ít.

Chai nhựa là nguồn ô nhiễm chính. Mỗi năm trên 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương, tương đương với một xe tải rác đổ vào đại dương mỗi phút. Cách làm này của Na Uy vừa hiệu quả vừa thân thiện với môi trường.

Nhiều quốc gia hiện đang tìm hiểu áp dụng mô hình này trong đó có Trung Quốc, Anh và Australia. Liệu bài học thành công này có thể được áp dụng ở Việt Nam?

Theo Môi trường và Đô thị

Bài gốc