Khi đưa y tế thông minh vào bệnh viện


Để bệnh nhân không phải xếp hàng, mất thời gian chờ đợi đóng tiền viện phí, Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện ứng dụng công nghệ 4.0. Hiện một số cơ sở y tế đã áp dụng, cải tiến giảm tải bệnh viện, gia tăng tiện ích cho bệnh nhân, nhân viên y tế.

Hôm qua 19/9, tại triển lãm y tế quốc tế Việt Nam lần thứ 13, kỹ sư Trần Văn Đức, Trưởng phòng công nghệ thông tin, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã có bài báo cáo được nhiều người quan tâm. Ông cho biết, một năm trước, bệnh viện này đã dùng bệnh án điện tử, hệ thống lưu trữ thông tin điện tử, hóa đơn điện tử toàn viện, kios điện tử… để gia tăng các tiện ích cho người bệnh, nhân viên y tế.

Với bệnh án điện tử, người bệnh tiết kiệm thời gian tra cứu thông tin liên quan như cảnh báo các trường hợp dị ứng thuốc, tương tác thuốc, phụ nữ có thai, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, triển khai kháng sinh dự phòng, cho phép dược lâm sàng tham gia trong chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ điều trị...

Hệ thống này sẽ giúp lãnh đạo khoa kiểm soát mã hóa chẩn đoán, theo dõi sát việc thực hiện các chỉ định chăm sóc, chỉ định cận lâm sàng. Khi bệnh nhân xuất viện có thể dễ dàng xem lại các kết quả xét nghiệm, toa thuốc theo các phác đồ điều trị, danh mục chỉ định cận lâm sàng mẫu nhằm rút ngắn thời gian thao tác…

Thông qua các tiện ích của bệnh án điện tử, việc điều trị cho người bệnh luôn được công khai, minh bạch, rõ ràng, tránh những sai sót đáng tiếc xảy ra. Trong tương lai, bệnh viện sẽ tiếp tục phát triển bệnh án điện tử trong quản lý thuốc, chỉ định cận lâm sàng, quản lý vật tư y tế,…hỗ trợ tích cực trong việc thực hiện thuốc, tổng hợp các y lệnh trong ngày, theo dõi thời gian thực hiện các cận lâm sàng.

Với hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh trong y khoa (PACs), giúp truy xuất nhanh chóng và lưu trữ hình ảnh dữ liệu một cách kinh tế nhất. Các chuyên gia sẽ xem được hình ảnh y khoa bất kì nơi nào, tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, giúp cho việc nghiên cứu khoa học, hội chẩn, đào tạo từ xa trong và ngoài nước được phát triển.

Không chỉ mang lại tiện ích cho bác sĩ, người bệnh có thể trực tiếp xem phim chụp của mình trên hệ thống mạng, tiết kiệm chi phí in ấn cũng như mang đến sự hài lòng cho người bệnh.

Với kios điện tử, khách hàng không cần phải mất thời gian xếp hàng, chờ đợi. Người bệnh có thể biết được số thứ tự đang khám tại phòng khám, từ đó linh động sắp xếp thời gian, không phải ngồi đợi số thứ tự trước phòng khám như lúc trước.

Ngoài ra, để tiết kiệm nhân sự, thời gian và chi phí in ấn, bệnh viện đã phát hành hóa đơn điện tử toàn viện, người bệnh có thể tra cứu và nhận hóa đơn giá trị gia tăng thông qua Website bệnh viện.

TS Trần Tùng, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế đưa ra nhiều tiêu chí để bộ phận công nghệ thông tin ở các bệnh viện hướng tới như hệ tiếp nhận, phản hồi xử lý sự cố dưới 24 giờ, thời gian xử lý lỗi hệ thống phải dưới 48-72 giờ, hệ thống đảm bảo phục vụ 100%, cán bộ trực công nghệ thông tin phải online 24/7, kết nối dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT để tăng sự tin cậy, giải quyết nhanh các vướng mắc của bệnh nhân...

Nguyễn Oanh - Thế giới tiếp thị

Bài gốc

Xem thêm

 
Tin tứcdmsttin tức, y học, y tế