4 đề xuất phát triển văn hóa đọc cho TP.HCM trong năm 2019


Đưa tiết thư viện thành môn văn hoá đọc, lập danh mục sách, đầu tư thư viện, tặng sách cho học sinh khó khăn là 4 đề xuất của ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.

Những con số chạnh lòng

"Văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước", đây là lời khẳng định trong "Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng 2030" được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/03/2017.

Điều đó cho thấy vị trí và tầm quan trọng của văn hóa đọc trong việc nâng cao trình độ dân trí, xây dựng xã hội học tập, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam để tham gia phát triển bền vững đất nước.

Thế nhưng, những con số thống kê sau đây của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á vào năm 2015 cũng làm nhiều người chạnh lòng: 26% người Việt không bao giờ đọc sách, 44% thi thoảng mới đọc, 30% có đọc thường xuyên, và so với các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines thì sức đọc của người Việt quá thấp.

Trên truyền thông, ta cũng bắt gặp các số liệu như: sản lượng năm toàn ngành xuất bản là 4 cuốn sách/người/năm (trong đó có 2,8 sách giáo khoa và 1,2 sách khác), hoặc 0,8 cuốn sách/người/năm và 0,38 bản sách/người/năm căn cứ tổng lượng sách trong hệ thống thư viện của cả nước. Số liệu công bố của Cục xuất bản trong báo tổng kết năm 2017 là 3,3 bản sách/người/năm…

Số liệu nào cũng chứng minh sức đọc của người Việt hiện nay rất thấp. Như vậy, việc cụ thể hóa đề án nói trên của Thủ tướng chính phủ là nhiệm vụ cấp thiết của các cấp bộ ngành, tỉnh, thành phố.

4 đề xuất cho TP.HCM thể nghiệm và nhân rộng

Nguyên nhân cốt tử của sức đọc yếu chính là người Việt Nam không được hình thành thói quen đọc sách từ thuở nhỏ. Điều này đã có từ rất lâu ở trẻ em tại các nước có nền văn hoá đọc phát triển.

Với Nghị quyết 54 của Quốc Hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố, TP.HCM có những lợi thế địa chính trị để lãnh ấn tiên phong trong đề xuất ý tưởng, đề án, mô hình đột phá về văn hóa đọc.

Trong vai trò của người phụ trách hoạt động của Hội Xuất Bản Việt Nam - Văn phòng đại diện Phía Nam tại TP.HCM, tôi đề xuất những ý tưởng sau đây để cải thiện thói quen đọc của người Việt mà TP.HCM có trách nhiệm thể nghiệm và nhân rộng.

1. Đọc sách trong nhà trường: Cần đưa tiết thư viện thành môn văn hoá đọc chính khóa

Trên báo chí thời gian qua, có những bài viết phản ánh các hoạt động tích cực để đẩy mạnh văn hóa đọc trong nhà trường. Cụ thể, tại trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa (Hà Nội), từ niên học 2016-2017, trường xếp thời khóa biểu cho môn văn hóa đọc thay vì tiết thư viện như trong 5 năm trước đó.

Môn văn hóa đọc của Trường Phan Huy Chú có ở cả 3 khối lớp, mỗi lớp có 1 tiết/tuần, trừ lớp 12 không có tiết ở học kỳ 2. Một tổ chuyên môn được thành lập bao gồm giáo viên dạy lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Giáo viên dạy văn tư vấn cho học sinh việc chọn sách, đọc sách.

Mỗi tháng sẽ có một chủ đề được đưa ra. Mỗi tiết, có hơn 100 cuốn sách được giáo viên cung cấp để học sinh chọn đọc. Sau khi đọc cuốn sách mình thích, học sinh kể tóm tắt và cùng bạn bè bày tỏ những điều mình suy nghĩ. Học sinh có chia sẻ tốt sẽ được giáo viên cho điểm.

Ngoài ra, điểm còn được đánh giá từ thái độ thực hiện nhiệm vụ, nhật ký đọc của học sinh. Điểm môn văn hóa đọc được lấy cho các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân... tùy theo chủ đề từng tháng.

Thêm một ví dụ, tại trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) hoạt động đọc sách có hai dạng: bắt buộc và khuyến khích. Ngoài tiết thư viện, đọc sách nằm trong chuyên đề của tổ ngữ văn xuyên suốt năm học. Giáo viên ngữ văn định hướng, kết hợp với giáo viên bộ môn khác để tư vấn và trao đổi với học sinh.

"Hoạt động đọc sách bám sát yêu cầu của chương trình môn ngữ văn. Ngoài việc đọc tác phẩm trong chương trình, học sinh được tư vấn hoặc chủ động lựa chọn sách. Sách về giới tính, kỹ năng ứng xử được nhiều học sinh chọn", cô Doãn Tuyết Mai (trường THPT Nguyễn Siêu) cho biết.

Năm học 2016-2017, môn văn hóa đọc mới triển khai được 1 tháng, nhưng đã có những thay đổi tích cực từ học sinh. Các em đọc hết sách và chủ động tiếp cận nhiều đầu sách khác nhau. Trung bình mỗi tháng, một em đọc 5 cuốn sách ngoài sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, cả hai ngôi trường còn khuyến khích học sinh thực hiện "Nhật ký đọc". Có thể chỉ là những câu nhận xét ngắn, hoặc hình vẽ, ký hiệu, bài viết dài đầy cảm xúc. "Nhật ký đọc" được thầy cô kiểm tra, chấm điểm nhưng nhiều học sinh vẫn rất thoải mái trong việc ghi lại suy nghĩ của mình sau khi đọc một cuốn sách nào đó.

Không chỉ viết nhật ký, học sinh còn lên ý tưởng dựng lại câu chuyện mà các em tâm đắc sau khi đọc các cuốn sách theo chuyên đề của tháng. Các vở kịch dàn dựng sẽ được thi loại trực tiếp giữa các lớp và các khối, tạo sự thích thú cho học sinh.

Không gì lý tưởng hơn khi văn hóa đọc được hình thành từ học sinh các cấp: mầm non, tiểu học, phổ thông trung học, đại học, sau đại học. Hơn 25 triệu người đi học là con số độc giả vượt mọi ước mơ của nền xuất bản. Do vậy, cần có chủ trương, chỉ đạo từ lãnh đạo UBND TP.HCM, Sở Giáo dục TP.HCM về việc có tiết văn hoá đọc bắt buộc, chính thức trong nhà trường phổ thông.

Năm 2018, Đường sách TP.HCM đã kết nối tổ chức hoạt động khuyến đọc cho các trường tiểu học và THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, trường THCS Phước Bình, trường Tiểu học Quốc tế Việt - Úc, trường THCS Hồng Bàng. Lãnh đạo thành phố nên chỉ đạo thí điểm các trường này để sau một năm có thể tổng kết và nhân rộng cho các trường khác.

2. Lập danh mục sách khuyến đọc cho từng cấp học

Một danh mục sách khuyến đọc được giới thiệu học sinh từng cấp lớp sẽ được lập bởi ngành giáo dục thông qua việc đề cử của các chuyên gia, tuyển chọn từ các tác phẩm được trao giải thưởng sách thiếu nhi, do các tổ chức nghề nghiệp, hội đoàn trung ương và địa phương tổ chức.

Hội Xuất Bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam sẵn sàng phối hợp cùng với các NXB chuyên về sách cho thanh thiếu nhi, mời các chuyên gia có uy tín để bình chọn và thiết lập một danh mục sách đáng đọc cho học sinh các cấp. Danh sách này sẽ được đề cử cho lãnh đạo thành phố và Sở Giáo dục TP.HCM xem xét phổ biến trong niên khoá 2019-2020.

3. Đầu tư cho thư viện trường học

Nếu xem thư viện là “trái tim của nhà trường“ , cần thay đổi nhận thức từ lãnh đạo các cấp, lãnh đạo ngành giáo dục, ban giám hiệu, giáo viên và học sinh về vai trò của thư viện trong trường học. Cần coi sách là người thầy, những người thầy vô hình nhưng tận tụy với người học ở mọi lúc mọi nơi. Đọc sách chính là học ngoài giảng đường, học suốt đời.

Cần nâng cấp và tổ chức lại hoạt động của thư viện trường học. Cùng với cơ ngơi khang trang của nhà trường, phải dành ưu tiên vị trí đắc địa, đẹp nhất, phù hợp chuẩn cho thư viện trường học. Biên chế cán bộ thư viện phải được đào tạo chuyên môn. Nguồn kinh phí bổ sung cơ số sách mới có chất lượng tốt và cho hoạt động phải được đầu tư tương thích.

Thư viện nhà trường không phải là kho chứa sách, lưu trữ sách mà phải là nơi thu hút thầy trò tìm đến để đọc sách, để tra cứu, tham khảo, học hỏi từ sách. Thư viện ngoài mở cửa phục vụ người đọc còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá đọc như đọc sách dưới cờ, trong giờ học, giờ nghỉ. Thư viện phải là nơi tổ chức các hoạt động chuyên đề giao lưu giới thiệu tác giả tác phẩm, các hoạt động trao đổi sách, các buổi tọa đàm, diễn đàn, các cuộc thi tìm hiểu về sách.

Thư viện phải là trung tâm văn hóa, là sức sống, là bộ phận trọng yếu của nhà trường. Nhà trường thiếu thư viện hoặc thư viện hoạt động không hiệu quả thì như một cơ thể người không có trái tim hoặc trái tim ấy đang bệnh hoạn.

Nhà trường cần học tập khai mô hình thư viện thân thiện được triển khai bởi Room To Read, tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ phát triển giáo dục các quốc gia đang phát triển. Thư viện phải tạo dựng một môi trường đọc thuận lợi, có nhiều hoạt động giúp phát triển thói quen đọc sách, tăng thời gian học sinh được đọc sách và được nghe đọc sách. Thư viện có lịch hoạt động để học sinh được đến thư viện đọc trước, sau giờ học và trong giờ ra chơi tất cả các ngày trong tuần.Học sinh cũng được mượn, trả sách theo lịch qui định cho từng lớp.

Tiết đọc thư viện, một hoạt động được đưa vào thời khóa biểu, do giáo viên hoặc nhân viên thư viện thực hiện, được tiến hành thường xuyên một lần/tuần. Sở giáo dục thành phố cần rà soát lại hệ thống các thư viện 24 quận huyện, chú ý và đầu tư cho các thư viện các trường thuộc huyện ngoại thành, các khu dân cư mới.

4. Các dự án tặng sách cho học sinh các vùng khó khăn

hen_nie.jpg

Có thể nhận thấy rõ tình trạng “khát“ sách của học sinh tiểu học các tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa khi theo chân các dự án tặng sách cho các thư viện ở các trường học thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ chịu ảnh hưởng cơn bão số 10 năm 2017 và các huyện giáp biên giới Campuchia thuộc tỉnh Long An, Tây Ninh và Bến Tre trong năm 2018.

Đó là giá trị của việc đưa sách hay, phù hợp đến đúng đối tượng người đọc. Đó mới chính là động lực khơi gợi, thúc đẩy niềm yêu thích tự nguyện đọc sách nơi các em học sinh mà không phải bằng sự ép buộc.

Thành công của dự án "Sách hay dành cho học sinh tiểu học" chính là sự kết nối của bộ tứ: đơn vị làm sách uy tín (ở đây là NXB Kim Đồng), các giáo viên khởi xướng, các mạnh thường quân và thư viện trường học, đơn vị tiếp nhận sách. Kinh nghiệm rút ra cho các dự án tặng sách cho cộng đồng là: sách tặng phải phù hợp, thật sự cần và đủ sức hấp dẫn với đối tượng người đọc thiếu nhi.

TP.HCM là địa phương chủ quản của 3 NXB có thương hiệu, có uy tín và được bạn đọc yêu thích, đó là NXB Trẻ, NXB Tổng Hợp TP.HCM và NXB Văn hóa Văn nghệ.

Với sản phẩm chất lượng, đề tài phong phú, chính sách đặt hàng xuất bản của thành phố và gắn kết với các mạnh thường quân dự án cộng đồng, 3 NXB này có cơ hội góp sức lan tỏa thói quen đọc sách trong cộng đồng, đồng thời thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bền vững cho 3 NXB.

Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam (Zing)

Bài gốc

Xem thêm