TP.HCM sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỉ mỗi năm nhờ xử lí rác 'kiểu' Nhật


Công nghệ 6R của Nhật Bản cho phép xử lí rác thải tại chỗ với một chu trình khép kín, vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển, vừa tạo ra điện và phân hữu cơ mà không gây ô nhiễm môi trường.

Công đoạn carbon hóa của quy trình xử lý rác 6R-MOT được Nhật Bản chuyển giao và thực hiện thí điểm tại TP.HCM. Ảnh: SIHUB.

Công đoạn carbon hóa của quy trình xử lý rác 6R-MOT được Nhật Bản chuyển giao và thực hiện thí điểm tại TP.HCM. Ảnh: SIHUB.

Rác tạo ra điện và phân hữu cơ

Saigon Innovation Hub (SIHUB), thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa cho ra mắt một công nghệ xử lý rác hoàn toàn mới của Nhật Bản đã được chuyển giao công nghệ. Đó là công nghệ 6R-MOT xử lý rác theo một chu trình carbon hóa và khí hóa tạo ra năng lượng điện và phân hữu cơ.

Nhóm chuyên gia Nhật Bản và SIHUB đã trực tiếp thu thập rác thải hữu cơ tại 2 chợ đầu mối nông sản lớn nhất TP.HCM là chợ Thủ Đức và chợ Bình Điền (Q.8). Kết quả thí điểm công nghệ này cho thấy, hệ thống 6R-MOT có thể xử lý 50kg rác hữu cơ thành 3KWh điện và hơn 3kg phân hữu cơ sau khoảng hơn 6 giờ.

Nếu tiếp tục phát triển thương mại hóa công nghệ này có thể xử lý 100kg đến 25 tấn rác/ngày.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, CEO SIHUB, việc xử lý rác tại chỗ sẽ giảm thiểu được chi phí vận chuyển rác thải của thành phố.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện nay thành phố có 26 trạm trung chuyển rác. Theo quy trình, rác được thu gom từ các hộ dân, điểm tập kết đưa về các điểm sơ bộ trước khi chuyển về các khu xử lý. Khâu vận chuyển, xử lý rác hiện “ngốn” khoản tiền ngân sách khoảng 2.000 tỉ đồng mỗi năm. Rác thải hữu cơ (từ thực phẩm) chiếm khoảng 83 - 89% thành phần chất thải rắn.

Chuẩn bị thực hiện công đoạn khí hóa biến rác thải thành năng lượng điện. Ảnh: SIHUB.

Chuẩn bị thực hiện công đoạn khí hóa biến rác thải thành năng lượng điện. Ảnh: SIHUB.

Ngoài tiết kiệm chi phí vận chuyển, theo ông Tước, việc tạo ra điện và phân hữu cơ từ quy trình xử lý rác này cũng có thể tạo ra những giá trị kinh tế cho nhà đầu tư.

“Khi công nghệ này được thương mại hóa, chúng tôi mong muốn các tổ chức tài chính, nhà đầu tư có thể tham gia thuê, mua công nghệ để sử dụng”- ông Tước nói.

Theo ông Ichiro Hatayama, Chủ tịch tập đoàn Milai, việc phân tán hóa rác và chu trình xử lý rác tuần hoàn hướng đến cách tư duy về xử lý chất thải mới tại Việt Nam. Rác hoàn toàn có thể được khai thác và tạo ra giá trị kinh tế cho con người nếu ứng dụng công nghệ.

“Mô hình 6R-MOT hoàn toàn phù hợp với tính chất và thành phần rác thải tại Việt Nam. Điều đó đã được kiểm chứng bằng quá trình thực nghiệm 5 tháng qua với SIHUB. Chúng tôi mong muốn, mô hình này sẽ sớm được ứng dụng rộng rãi”- ông Ichiro Hatayama nói.

Sẵn sàng đầu tư nếu chứng minh được giá trị kinh tế

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng dự án 6R-MOT, kế hoạch thương mại hóa đã được tính đến và sẽ triển khai tại các địa phương của TP.HCM. Trong thời gian tới, đại diện của dự án sẽ có các cuộc làm việc với quận huyện và nguồn rác tại thành phố.

Tại các quận huyện - đơn vị trực tiếp quản lý các điểm tập kết rác, bãi rác. Ngoài ra, các nguồn thải rác hữu cơ như các chợ, siêu thị, nhà hàng… cũng sẽ được kết nối và mời gọi đầu tư.

Quy trình công nghệ của mô hình 6R-MOT mà Nhật Bản chuyển giao cho Việt Nam. Ảnh: Hà Thế An.

Quy trình công nghệ của mô hình 6R-MOT mà Nhật Bản chuyển giao cho Việt Nam. Ảnh: Hà Thế An.

Ông Phú chưa tiết lộ mức chi phí đầu tư cho công nghệ 6R-MOT vì sản phẩm đang trong quá trình thương mại hóa. Hiện tại, công nghệ này đã được chuyển giao cho một doanh nghiệp cơ khí tại TP.HCM tiến hành thiết kế bản thương mại hóa.

“Tuy nhiên, chúng tôi có thể tính toán được nhà đầu tư khi mua công nghệ này có thể hoàn vốn sau 6 đến 7 năm sử dụng nhờ việc bán điện và phân hữu cơ từ rác”- ông Phú chia sẻ.

Một đại diện của Tổ môi trường, Công ty môi trường và đô thị TP.HCM cho biết, đây là giải pháp rất hay và hoàn toàn ủng hộ mô hình này của SIHUB.

“Tuy nhiên, để đánh giá tính hiệu quả mô hình cần phải tính đến bài toán kinh tế và các con số cụ thể. Nếu SIHUB chứng minh được tính khả thi của công nghệ này bằng những con số cụ thể, đầu tư sinh lời sau bao nhiêu năm thì chúng tôi sẽ làm”- vị đại diện này nói.

Đứng ở góc độ địa phương, ông Ngô Trung Kiên, Giám đốc công ty công trình đô thị Bến Tre, chia sẻ toàn tỉnh này có 150 tấn rác thải rắn/ngày với 5 trạm trung chuyển rác.

“Tuy nhiên, rác tải tại địa phương chúng tôi vẫn chưa được phân loại và vẫn phải thu gom chung. Nếu sử dụng công nghệ này sẽ rất khó khăn. Vì thế chúng tôi cũng sẽ phải cân nhắc đến việc kêu gọi và yêu cầu người dân phân loại rác thải như TP.HCM đang làm”- ông Kiên nói.

Hà Thế An - Khampha.vn

Bài gốc

Xem thêm