Nhật ký innovation: Người trong giang hồ


Buổi tối dự cuộc gặp gỡ cuối năm mang cái tên khá lạ: TFI Mafia night của Topica – đơn vị được xướng tên là startup về giáo dục công nghệ cao thành công nhất Đông Nam Á – thấy giống cái thời mê mẩn bộ phim xã hội đen Hongkong “Người trong giang hồ”.

Ừ thì, khởi nghiệp, cũng giống như là dấn thân vào chốn giang hồ vậy…

edited.jpg
 

Khi tôi đến, lầu 13 của một toà nhà ngay trung tâm Sài Gòn đã khá đông khách. Ánh đèn quán bar nhập nhoạng, nhạc nền rầm rĩ và các cô vũ công nhảy rất sung. Mai Duy Quang, giám đốc chương trình tăng tốc khởi nghiệp Topica Founder Institute chạy tới chạy lui tiếp khách, giới thiệu mọi người với nhau.

Lê Hải Bình - Chủ tịch HĐQT công ty CP Mắt Bão

Lê Hải Bình - Chủ tịch HĐQT công ty CP Mắt Bão

Mà thật ra cũng chẳng cần giới thiệu gì, vì toàn anh em đã biết nhau, hoặc nghe tiếng nhau, hoặc theo dõi nhau đã lâu.

Này thì là Bình Mắt Bão, chiếm hơn 30% thị phần tên miền và hosting của Việt Nam, nổi tiếng với tuyên bố “làm thế nào để có một công ty công nghệ nằm trong danh sách những công ty giàu nhất sàn chứng khoán thay vì toàn bất động sản?”.

Kia là Eddie Thái, người đại diện quỹ đầu tư khởi nghiệp 500 startups của Mỹ đang đứng trao đổi về một thương vụ với Vy Lê – cô gái vàng từng ngồi nói chuyện tay đôi với tổng thống Obama, giờ cũng đang nắm một quỹ đầu tư khởi nghiệp.

Ngô Thùy Ngọc Tú - Đồng sáng lập Công ty Cổ phần Giáo dục YOLA

Ngô Thùy Ngọc Tú - Đồng sáng lập Công ty Cổ phần Giáo dục YOLA

Nọ là Tú Ngô, một trong những người trẻ tuổi được xướng tên ở hầu hết các diễn đàn giáo dục khi hai mươi tuổi đã ngồi viết kế hoạch thành lập tập đoàn giáo dục Yola, giờ đã có 14 trung tâm đào tạo với gần 200.000 học viên thường kỳ…

Nó giống như phim “Người trong giang hồ”, tựa tiếng Anh là Young And Dangerous – Trẻ trung và nguy hiểm, những người có mặt ở đây cũng trẻ, cùng dùng hết tinh lực của mình cho câu chuyện khởi nghiệp, chuyện đổi mới, và cả những chuyện có phần ảo tưởng sức mạnh nữa. Nhưng dù cho đó là chuyện gì, thì có cũng là những niềm đam mê, bất tận và sẵn sàng đổi cả tuổi trẻ của mình vì nó.

Năm 1996, tôi không hiểu vì sao mọi người mê mẩn những băng đảng xã hội đen. Nhưng đến năm 2018, dư âm của bộ phim này vẫn còn lớn đến mức nhà sản xuất phải làm phần tiếp theo với cùng dàn sao cũ.

Và nó rất liên quan tới khái niệm “mafia” mà Topica chọn cho mình: sự tự do, phóng khoáng và nổi loạn, những liên kết nghĩa khí, không chính thức nhưng tạo ra sức mạnh chung, một tinh thần chung – thượng võ, tôn trọng quy tắc hành xử và tìm kiếm thành công chung.

CEO Topica Phạm Minh Tuấn

CEO Topica Phạm Minh Tuấn

Hôm sau, ngồi ăn trưa với Phạm Minh Tuấn, thấy anh hiền lành hơn là hình ảnh ông chủ của Topica hay “bang chủ” của TFI-Mafia. Hỏi:

- “Cuối cùng thì anh bán hết bao nhiêu cái nhà để khởi nghiệp rồi?”

- “Lần trước mẹ tôi cũng hỏi vậy, tôi chỉ cười thôi”

- “Vậy sao nghe đâu anh em nào đi cùng Topica từ ngày đầu thì sẽ có nhà?”

- “Cái đó còn tuỳ chứ, nhưng nguyên tắc chung của tôi là anh em sướng khổ có nhau. Ngày tôi mới ra giang hồ, cũng định theo vài đại ca, nhưng các anh ấy muốn hưởng trọn thành quả, không chia phần cho anh em đi theo mình, vậy đâu có vui, nên thôi…”.

A, có bao nhiêu “đại ca” biết chơi đúng “luật giang hồ mới” trong khởi nghiệp như vậy nhỉ? Nghe đâu, một chị lao công của Google những ngày đầu giờ cũng rủng rỉnh nhờ một vài cổ phần được trao tặng cho những người thầm lặng nhất làm nên đế chế này…

Bộ phim “Người trong giang hồ” đề cập tới sự thành lập và thanh trừng lẫn nhau tranh giành địa bàn những băng đảng xã hội đen - mafia của Hồng Kông. Còn “mafia khởi nghiệp” có ý nghĩa khác chút: đó thực ra là một liên minh không chính thức quy tụ nhiều tên tuổi trong làng khởi nghiệp với xuất thân từ các cựu sáng lập viên, lãnh đạo, chuyên gia và cố vấn của các doanh nghiệp thành công. 

Hình thức liên minh "Mafia công nghệ" cũng là bí quyết tạo nên thành công của nhiều startup tại Silicon Valley. Sau Paypal Mafia của Elon Musk gây được tiếng vang cùng hiệu ứng “liên minh đầu tư” cho nhiều công ty, đến Google Mafia “vô tình” ở hữu hàng loạt gương mặt cựu thành viên Google đang nắm giữ các vị trí cao nhất nhì tại Facebook, Yahoo!... cùng hàng trăm gương mặt nổi bật là các cựu đồng sáng lập, quản lý, nhân viên của các công ty đã thành công.

Trong nhóm, họ tiếp tục giúp đỡ lẫn nhau âm thầm hoặc công khai, tham gia điều hành hay sáng lập các công ty mới...

Ông Tuấn gắp một miếng cá, bụng hơi to chút so với lần gặp nhau ở giải marathon Đà Nẵng, khi mà toàn bộ dàn quản lý của Topica đều có mặt trên đường chạy. Nguyên tắc của Tuấn, trong công việc cũng như cuộc sống, là “cố gắng phát triển 1% mỗi ngày”.

Ông tiến sĩ ngành quản trị thông tin này tính ra được con số cụ thể: nhích lên 1% mỗi ngày, liên tục 365 ngày nghĩa là sau một năm chúng ta phát triển 38 lần. Nếu bắt đầu chạy bộ 1 km, thì sau một năm đã chạy được 38 km, gần chạm mức “full marathon”. Đúng rồi, làm khởi nghiệp cũng giống chạy marathon, đường dài, cô đơn và thử thách sức bền nhiều hơn…

Tôi nhớ diễn viên Trịnh Y Kiện vào vai đại ca giang hồ rất đạt. Tự hỏi, Tuấn đã làm gì, đã có bao nhiêu vết sẹo chằng chịt trên người để được làm đại ca của một “Topica bang hội”?

À, trước khi sáng lập Topica, ông Tuấn đã từng làm Phó Viện trưởng Viện Tiên tiến Khoa học Công nghệ của Đại học Bách Khoa Hà Nội; Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng của Viện Đại học Mở Hà Nội; Ủy viên Ban chỉ đạo Mạng lưới Ươm tạo Doanh nghiệp Châu Á Thái Bình Dương; Ủy viên Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Học giả thỉnh giảng cao cấp tại Đại học California, San Diego; Nhà tư vấn Quản lý tại McKinsey&Company ở Budapest; Chuyên viên Đầu tư tại Extramedia Ventures ở Singapore và New York; Kiến trúc sư phần mềm tại Integra Software ở Budapest…

Ông cũng làm “bể” ít nhất là 3 công ty khởi nghiệp khác nhau. Nói “ít nhất” là vì chắc còn có những ý tưởng đã được dìm chết trước khi cho ra đời. Ông Tuấn có bằng Tiến sĩ Quản trị thông tin và Thạc sĩ Tin học của Đại học Kỹ thuật Budapest (BUTE) và bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) của Đại học New York Stern School (NYU).

Thấy hông, học hành cũng bạc cả tóc, làm việc cũng gấp nhiều lần con số 8 giờ mỗi ngày mới có thể có nền tảng để bắt đầu một hành trình khởi nghiệp đủ sức làm “đại ca khởi nghiệp” của một băng đảng của riêng mình chứ…

Bung Trần

Trần Bung - với chữ Bung trong món Bắp Bung của Đà Lạt, nơi anh sinh ra - hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Saigon Innovation Hub và phó chủ tịch Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Flying Fish Investment. Bung là tác giả của bộ sách bán chạy “Những người làm thuê số 1 Việt Nam” và nhiều tựa sách khác nhau về khởi nghiệp, lập nghiệp. Anh là một gã lang thang khắp mọi miền của thế giới, gặp gỡ từ nữ hoàng Đan Mạch, thủ tướng Pháp, các tỷ phú ở Silicon Valley để kể chuyện. Bung hiểu biết nhiều về các loại bia, nghệ thuật thủ công và nghiên cứu về thiền chánh niệm.

Từ ngày 24.12, Bung sẽ phụ trách chuyên mục “Nhật ký innovation”, để kể lại chuyện buồn vui trong thế giới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bạn có chuyện gì hay, hãy meo cho Bung một tiếng tại tranbung@khampha.vn nhen.

Xem thêm