Nhật ký Innovation: Cắm mặt mà… cày
“Ác mộng” – đó là từ mà mấy nay Bung nghe các anh chị doanh nhân nói nhiều nhứt. Vì sao? Vì còn mấy tuần nữa là tới Tết Tây, xong tới Tết Ta liền. Nghĩa là lương thưởng nợ nần tất cả ầm ầm kéo tới cùng lúc, đáng sợ lắm. Có ông đại ca kia là bình tĩnh nhứt, không bị ác mộng, vì ổng… hông có dám ngủ luôn, cắm mặt mà cày.
Vậy nên, tự dưng thấy mấy bạn khởi nghiệp xúng xính váy áo xinh đẹp đi hết show cuối năm này tới hội thảo kia, không hiểu sao thấy có chút… xa lạ. Xong thấy mình cũng vô duyên hết sức, ngày xưa toàn kêu gào các bạn phải tham dự các cuộc hội họp để “vua biết mặt chúa biết tên”, để “thực sự là một phần của hệ sinh thái khởi nghiệp”, giờ thấy việc gom tiền nhà mua vé máy bay giá rẻ đi show thì lại khó chịu. Chẳng biết sống sao cho vừa.
Đây là cô giáo Song Đào, dạy sinh học cho học trò lớp 9 của trường Phước Hiệp, xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Cô giáo này, nằm trong danh sách “Những công ty khởi nghiệp cần quan tâm nhất” của cá nhân Bung, đơn giản là vì… cô cày giỏi, và dám theo đuổi tới cùng thứ mình mong muốn.
Mong muốn của cô giáo này là gì? Là tạo ra loại nhang đốt lên không chỉ thơm, không có hoá chất độc hại, mà còn có thể… tốt cho sức khoẻ. Thường thì những thứ “đa công dụng” như thế này không phải là thứ Bung khoái, vì sản phẩm “một công dụng tốt nhất” mới là thứ dễ phát triển. Nhưng chuyện của cô thì hay hơn vậy. Cô đi chùa thấy ghi bảng: Mỗi người chỉ đốt một cây nhang. Cô hiểu là nhang hoá chất nó hại ghê lắm. Xong cô ở nhà quê, thấy người quê mỗi khi đi tát dìa, đều lấy lá cây quao vò nát, bôi lên người để chống con bù mắt.
Cô nghĩ là, nếu mình làm ra được loại nhang bằng cây quao thì sẽ hay lắm. Và cô cứ ban ngày đi dạy học, ban đêm nghiên cứu. Rồi cô được tùm lum giải thưởng, vì vừa giáo viên, vừa ở huyện, vừa làm khoa học, vừa làm khởi nghiệp. Nói chung là… trở thành hot girl. Và nhang cũng bán được một ít. Và người cộng sự của cô nghĩ rằng đã tới lúc phải thương mại hoá kiếm tiền rồi…
Cô không nghĩ vậy. Cô tin là sản phẩm chưa xong. Cãi qua cãi lại sao đó. Cô đi một mình. Và lụi cụi ban ngày đi dạy, ban đêm về nghiên cứu. Xong nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế luôn. Sửa hồ sơ cũng mệt xỉu, mà cô giáo của cái xứ mà đặc tính quan trọng nhất là “không cam chịu” đâu có ngán. Cô làm cho tới cùng. Và mới được cấp bằng sáng chế độc quyền rồi.
Bung đứng bán nhang giùm cô ở một hội nghị. Bán như vầy: “Dạ đây là nhang duy nhất làm từ cây quao của Bến Tre, đã đáp ứng tất cả yêu cầu khó khăn nhất của người Nhật, đã xuất được mấy tấn hàng qua Nhật rồi. Nên không mua là Bung bán hết cho Nhật nhen”. Vậy là bán hết hàng. Cô cười tươi lắm. Khoe sắp xuất thêm được hàng qua Thượng Hải nữa.
Xong có anh Hào, hồi xưa là giám đốc đầu tư của VinaCapital, giờ đại diện cho nhiều quỹ đầu tư lắm, ghé qua. Anh Hào hỏi một đống câu hỏi, mà nghe một hồi là biết ảnh đã tìm tới tận nhà của cô giáo Song Đào, và đã đem nhang này đi khắp thế giới rồi. Ảnh nói: “Thấy hơm, người làm thiệt, sản phẩm thiệt, ai cũng nhào vô phụ hết trơn!”.
Bung nhìn cô giáo Song Đào, thấy cười hiền queo, và hai bàn tay gân không là gân. Chắc cực dữ lắm. Nhưng mà cười tươi lắm, thấy đứa con của mình được người ta khen mà. Bung nói với cô: “Ráng tiếp nhen, đường còn dài, và khó khăn còn nhiều” – “Dạ, em nông dân mà, cày được!”.
Tự dưng gặp chị Châu, là giám đốc Topica ở Philippines và Thái Lan và Singapore. Dĩ nhiên là bắt chị Châu mua nhang rồi. Nhưng mà chuyện chị Châu nói về các bạn khởi nghiệp thì rất liên quan tới cô Song Đào: “Vì sao Topica lập ra học viện nhà sáng lập khắc nghiệt nhất? Là vì chúng tôi đi qua cái đoạn đó rồi, biết là luôn phải cày ải, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt thì mới ra được sản phẩm, chinh phục được khách hàng. Nên có những bài tập theo kiểu nửa đêm gửi cái email, yêu cầu cả team phải hành động ngay để có kết quả vào sáng sớm hôm sau. Ai bận đi nhậu hoặc ngủ sớm thì chưa sẵn sàng cho vị trí nhà sáng lập, thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi thôi”.
Hồi xưa, Bung làm nhiều thứ, nhiều lắm. Nhưng sau 10g tối là tắt điện thoại để theo đuổi cân bằng cuộc sống gì đó. Giờ làm khởi nghiệp, làm gì mà dám tắt máy nữa, vì đâu có ngủ sớm nữa đâu. Lúc nào cũng bò ra mà cày sấp mặt chớ. Cái gì cũng phải nhanh, phải rẻ, phải hiệu quả, phải đổi mới sáng tạo. Mà tiền thì không mọc trên cây, nên làm khởi nghiệp, thì cày như nông dân là đúng òi…
Mùa cuối năm, giáp hạt, lo cắm mặt mà cày đi bà con ơi…
BUNG TRẦN