Nhật ký innovation: Game sống dai
Bây giờ, thứ quan trọng nhất của khởi nghiệp không phải là tăng trưởng siêu nhanh nữa, mà phải là xem ai… sống dai, đủ sức đi xuyên qua hết mọi khó nhọc của cuộc chơi, và vẫn còn… sống sót cho tới lúc chiếm lĩnh được thị trường và khách hàng.
Đó không phải là nhận định của Bung, mà là của bạn Việt Hồ, một tiến sĩ ngành tối ưu hoá ở Bỉ, về Việt Nam lập nghiệp cùng đồng bọn của mình vài năm nay. Công ty của Việt có khá nhiều khách hàng lớn, doanh thu cũng xịn, nhưng điều đó không có nghĩa là các bạn dám chi xài mạnh tay, mà luôn tuân thủ tôn chỉ “tối ưu hoá hiệu quả, bắt đầu bằng chi tiêu tài chính”. Việt bảo, khởi nghiệp thì phải tốn công, tốn tiền để xây dựng thị trường, tạo thói quen tiêu dùng mới với mục tiêu là tăng trưởng nhanh. Nhưng nếu mình không sống được cho tới lúc có nhà đầu tư, có lãi, thì tất cả chỉ là một cái bong bóng…”.
Bung đồng ý, vì tự dưng ngày cuối năm ngồi đọc một thống kê trên báo, ghi là “2019: một năm thảm hoạ của startup thế giới”. Bài báo dẫn ra hàng loạt biến cố nghiêm trọng, từ việc vỡ vụn của các startup cho thuê xe đạp ở Trung Quốc đến tình trạng “chết não trí tuệ nhân tạo” của robot giúp việc gia đình vì tổng tiền đầu tư 70 triệu đô đã bị nướng sạch và công ty phải dừng hoạt động. Rồi là chuyện các vụ IPO đình đám của các kỳ lân khởi nghiệp như Uber làm định giá của công ty này giảm sâu, hay cú vỡ trận lòi ra mọi thói hư tật xấu của Wework bắt đầu làm nhà đầu tư chùn tay trước giấc mơ “theo kịp những công ty công nghệ sẽ định hình lại thế giới như Google hay Amazon trước kia”.
Và cũng gần như cùng lúc, thông tin về việc CEO của ứng dụng gọi xe made in Vietnam từng rất đình đám là Be cũng từ chức, và email báo dừng hoạt động của nhiều website thương mại điện tử cũng gửi đi vào những ngày cuối năm, càng làm cho bức tranh khởi nghiệp nhuốm màu… bi thương hơn.
Bung tự hỏi, làm sao để chiến thắng trong “game sống dai” này? Nó liên quan tới một triết lý về quản trị doanh nghiệp mà ngày xưa từng học: Nếu bạn muốn trồng một cái cây lâu năm để lại bóng mát cho nhiều thế hệ, phải chờ nó đủ lớn. Điều đó có nghĩa là phải trồng, và phải… chờ nó lớn. Còn nếu muốn trồng nhanh thu hoạch, thì nên chọn cây ngắn ngày, như ớt, hay rau, hay những cây dây leo, để rồi sau mỗi vụ thu hoạch, thì lại… xoá sổ làm lại từ đầu. Nó như chuyện ngày xưa Bung bán mít ở Vinamit, rất không ủng hộ chuyện trồng mít ghép, vì như vậy sẽ sớm có trái nhưng không bao giờ có gỗ mít. Thứ mà Bung hay nói, là thôi ráng kiên nhẫn trồng cây, có thể tranh thủ làm thêm mấy loại ngắn ngày để đỡ đần chi phí, nhưng khi cây mít đủ lớn và ra quả, mình có thể hưởng trái ngọt khá lâu, và sau đó con mình sẽ có gỗ mít để… xây nhà. Muốn vậy, giai đoạn đầu tiên, là phải chịu cực chịu khổ, thắt lưng buộc bụng để mà… đừng có chết.
Đây là Huy, Phan Khắc Huy, một trong những nhà sáng lập… sống dai nhất mà Bung từng biết. Không hề được đào tạo về những ngành liên quan đến lịch sử hay văn hóa, Huy bỏ ngang ngành Y sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM để theo đuổi đam mê lịch sử. Anh làm ra tạp chí “Bất Hối” – một tạp chí điện tử với lượt download hàng chục ngàn bản hoàn toàn miễn phí bằng tất cả tâm huyết của mình. Rồi Huy mở ‘Lớp học một tô’ (là mức phí 20,000 đồng cho mỗi lần tham gia, tương đương một tô hủ tiếu sinh viên lúc bấy giờ), nhằm lan truyền đam mê của mình về lịch sử nước nhà đến với các bạn trẻ. ‘Thư Quán Cội Việt’ được anh sáng lập sau đó, là nơi lưu trữ hơn 3,000 đầu sách phục vụ hoàn toàn miễn phí, vận hành liên tục 6 ngày trong tuần. Ngoài ra, Huy còn tổ chức nhiều buổi nói chuyện, workshop về các chủ đề liên quan đến văn hóa, âm nhạc, lịch sử… Mười mấy năm gặp lại, Huy vẫn sống khoẻ, sống dai bằng lựa chọn văn hoá lịch sử của mình.
Đem chuyện của Huy để so với chuyện khởi nghiệp thì cũng có chút khập khễnh. Nhưng điều quan trọng nhất mà anh đã làm, để chứng minh một điều quan trọng nhất với những người đã tin Huy: chân cứng thì đá cũng sẽ mềm…
Nên giờ gặp nhau, thôi thì vẫn chúc nhau chân cứng đá mềm, bước qua một năm mới mạnh mẽ và… sống dai hơn vậy.
BUNG TRẦN