Nhật ký innovation: Phía Tây mặt trời
Ông Phan Văn Mãi, phó bí thư thường trực tỉnh uỷ Bến Tre nhìn ra dòng sông quê nước chảy dập dềnh, nói về ba năm thực hiện chiến dịch “Đồng Khởi khởi nghiệp” của mình: “Cũng tốt, xây được một đội ngũ đủ khát khao, và sẵn sàng để lớn lên…”.
Rồi ông lại kể, miên man về những bài học mà mình thu nhận được trong hành trình tầm sư học đạo: “Nước Mỹ đó, ngày xưa, tiếp sau tuyên ngôn lập quốc của họ, chính là bộ luật sở hữu trí tuệ. Họ chọn tôn trọng hết cỡ trí tuệ để phát triển mà…”.
Người lãnh đạo, từng là thầy giáo tiếng Anh, thủ lĩnh thanh niên, và là người đã tận tụy đi khắp nơi để học hỏi và hết sức nhiệt tâm mời những người mới về để hỗ trợ cho chuyện khởi nghiệp của tỉnh mình, ngồi trải lòng về những giấc mơ dài mà ông lúc nào cũng canh cánh trong lòng.
Ông nói về chuyện những thương hiệu lớn của Việt Nam đang bị mất dần trong làn sóng mua bán sáp nhập doanh nghiệp bởi các tập đoàn quốc tế, ông nói về “nỗi đau” mà ông cảm nhận được của bà Vũ Kim Hạnh trước sự mệt mỏi của ngành sản xuất trong nước, về chuyện hội nhập và ông nói về bao nhiêu là việc mà ông vẫn còn nợ cây dừa quê mình…
Tự dưng nhớ cái buổi chiều, trước khi quyết định rất đột xuất là sẽ chạy về miền Tây ngày đầu năm, ngồi nói chuyện với bà Kim Hạnh. Nói đủ chuyện trên trời dưới đất, xong nhắc tới ông Hồ Quang Cua, người tạo ra giống lúa ST vừa nằm trong danh sách những loại gạo ngon nhất thế giới trong cuộc đấu xảo quốc tế.
Vào danh sách thôi, chứ chưa được công nhận là “ngon nhất thế giới” đâu, vì ông đi có một mình, không hiệp hội, không quốc gia, không kèn không trống, lấy gì để hậu thuẫn trong hành trình tìm kiếm một vị trí khác của gạo Việt Nam trên thị trường xuất khẩu thế giới, để tránh việc cứ xuất thô, giá trị gia tăng chẳng là bao…
Nói chuyện ông Cua, lại nhớ một ông già khác ở Bến Tre, là người mấy mươi năm nay cung cấp đệm xơ dừa cho các công ty xây dựng lớn nhất Hàn Quốc. Chính là cái xơ dừa Bến Tre ấy, là thành tố không thể thiếu cho tất cả con đường cao tốc của xứ sở phát triển này, nhưng ông cứ lặng lẽ làm, không có tên, không có chiến công, không có chuyển giao công nghệ.
Bật ra trong đầu một câu hỏi: “Nếu hai ông già này thay đổi công thức làm ăn, đi theo con đường gọi vốn, tăng trưởng nhanh, làm thị trường lớn, có hỗ trợ về chính sách nhà nước, thì có thể trở thành những con kỳ lân trong khởi nghiệp không?
Câu trả lời, là biết đâu được, khi mà xuất khẩu gạo chính là một lợi thế đặc biệt của Việt Nam, khi mà dừa cũng là một lợi thế bản địa mà không phải nơi nào cũng có được. Nhưng hai cái món “trí tuệ Việt” này, hình như, chưa được nhận diện và chăm sóc cho đầy đủ.
Nước ngoài sông vẫn chảy, bên kia bờ là mớ cây bần, từng được gọi là cây “Thuỷ liễu” khi dân nghèo xứ này đem dâng vua Gia Long thưở xưa, ì oạp theo từng gợn sóng. Ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Saigon Innovation hub, tự dưng kể chuyện đi Hàn Quốc.
“Là lúc đến trụ sở của tập đoàn Posco – từng là tập đoàn sắt thép lớn nhất thế giới. Ở đó, người ta chiếu bộ phim lịch sử của hãng, từ cái ngày mà tổng thống kiến tạo Park Chung Hee của Hàn Quốc dẫn chàng trai trẻ vào, chỉ một ngôi nhà ọp ẹp và bảo: Hãy làm ra sắt thép thật tốt để xây dựng Hàn Quốc.
39 con người đầu tiên lúc đó, cặm cụi làm… Ông Tước vẫn sởn da gà khi tả lại ánh mắt của những con người Hàn Quốc lúc đó, dù là trên thước phim tư liệu đã cũ, là sự bừng sáng trong cái ươn ướt của nước mắt khi nhìn những thanh thép đầu tiên ra lò…
Gió ngoài sông mát rượi
Bên kia sông, là thấp thoáng cái mái màu trắng của nhà máy sản xuất bột dừa để xuất khẩu sang Nhật Bản, một trong những niềm tự hào mới của người Bến Tre.
Ừ, còn bao nhiêu thứ kỳ diệu mà dừa có thể biến thành hàng hoá có hàm lượng chất xám cao hơn để làm, đâu cứ xoay qua xoay lại với những sản phẩm thuần tuý thủ công mỹ nghệ hay bán sản phẩm thô.
Đâu cứ khởi nghiệp là cứ phải trẻ, cứ phải tự tay làm mọi thứ, cần có thêm nhiều hàm lượng “trí tuệ Việt”, ví dụ như từ “hai ông già” lụi cụi làm hoài đã kể ở trên…
Mặt trời xuống, rực rỡ xuyên qua những vườn chôm chôm cũng đang đỏ rực rỡ. Miền Tây sông nước, có tất cả sự màu mỡ và trù phú của tự nhiên, sao cứ chưa giàu? Tự dưng nhớ Murakami với “Phía Nam biên giới – Phía Tây mặt trời”.
Cái tác phẩm hư cấu chứa đựng nhiều nhất con người thật của nhà văn số một Nhật Bản này, chính là một chút lưỡng lự của tuổi trẻ trước những đam mê, khao khát và những ngã rẽ. Đâu có biên giới nào cho những giấc mơ bên những dòng sông này…
Bến Tre, chỉ cách cảng Sài Gòn có một cái chợp mắt ngắn ngủi, rất gần cho những chuyến hàng xuất khẩu đi bốn phương. Nó giống như cách mà một nhà đầu tư Mỹ lấy bản đồ, vẽ một vòng tròn về khoảng cách từ Sài Gòn, để tìm ra vị trí đặt nhà máy của mình, sao cho thuận lợi nhất về mặt logistic. Bến Tre đó, luôn luôn nằm trong cái vòng tròn đặc biệt này.
Nhớ một bài thơ ngắn, rất ngắn của ông Phan Văn Mãi:
“Người trẻ
Thật khoẻ
Dám khát khao
Biết làm giàu
Sống tốt”.
Bung Trần
Từ ngày 24.12, Bung sẽ phụ trách chuyên mục “Nhật ký innovation”, để kể lại chuyện buồn vui trong thế giới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bạn có chuyện gì hay, hãy meo cho Bung một tiếng tại tranbung@khampha.vn nhen.