Công nghệ Deepfake và những tiềm năng nguy hiểm
Công nghệ Deepfake (tạm dịch: Siêu làm giả) đã và đang gây ra rất nhiều sự xáo trộn với người nổi tiếng bởi khả năng ghép mặt y như thật (nhưng tất nhiên hoàn toàn là giả!). Nạn nhân của công nghệ trên có thể kể đến Scarlett Johansson (bị ghép mặt vào phim người lớn) hoặc cựu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Hiện tại, hàng loạt website ứng dụng công nghệ gây tranh cãi này nổi lên ngày càng nhiều, nhấn mạnh sự lan tỏa và những hậu quả mà công nghệ deepfake có thể đem đến.
Chẳng hạn, website ThisPersonDoesNotExist.com cung cấp một thư viện xoay vòng hình ảnh những khuôn mặt khác nhau. Dĩ nhiên, những khuôn mặt này là giả hoàn toàn và được tạo ra bởi máy tính.
Để tạo ra những khuôn mặt giả, website này sử dụng công nghệ Generative Adversarial Network (GAN - tạm dịch: mạng đối sinh). Theo những thông tin từ The Next Web, GAN sẽ sinh ra hai thuật toán chống đối lẫn nhau - một thuật toán sinh và một thuật toán đánh giá.
Thuật toán sinh tạo ra các nội dung giả (chẳng hạn khuôn mặt giả) và cố gắng đánh lừa thuật toán đánh giá rằng nội dung đó là thật. Mỗi một sản phẩm mà GAN tạo ra chính là một lần thuật toán sinh ‘lừa phỉnh’ thành công thuật toán đánh giá.
ThisPersonDoesNotExist.com sử dụng một thuật toán chi tiết hơn với tên gọi StyleGAN được phát triển bởi công ty đồ họa Nvidia. Mã nguồn thuật toán này lần đầu tiên được công bố trong một bài nghiên cứu khoa học, và tung lên GitHub.
Còn về việc vì sao cuối cùng code này lại được website trên sử dụng, Nvidia từ chối đưa ra bình luận với lý do bài báo cáo này đang trong giai đoạn kiểm duyệt, vậy nên họ không thể chia sẻ thêm điều gì với truyền thông.
Tương tự vậy, rất nhiều website khác cũng sử dụng StyleGAN để tạo ra hình mèo giả, các nhân vật hoạt hình giả, thậm chí cả danh sách Airbnb giả (Airbnb là ứng dụng kết nối người cho thuê nhà với người cần thuê, được sử dụng nhiều trong ngành du lịch lữ hành).
Một lập trình viên đứng đằng sau một trong những website này giải thích rằng mình thực hiện dự án nhằm mục đích minh họa một điểm quan trọng giữa trí tuệ nhân tạo và mạng thần kinh nhân tạo, đó là công nghệ này có thể dễ dàng lừa gạt con người tin vào những bức hình giả/đã qua chỉnh sửa.
Các chuyên gia cũng lo ngại rằng công cụ tinh vi này có thể trở thành vũ khí để phát tán tin giả/tin xuyên tạc.
Dưới đây là những cách khác nhau mà công nghệ deepfake được dùng để tạo ra những bức ảnh giả, làm dấy lên lo ngại về việc tiếp nhận thực tế của chúng ta
ThisPersonDoesNotExist.com
Cách thức hoạt động: Mỗi khi bạn tải lại trang, StyleGAN sẽ lập tức tạo ra một khuôn mặt giả mới dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo. Thuật toán sinh sử dụng dữ liệu khuôn mặt từ Flickr.
Người sáng lập: Phillip Wang, cựu kỹ sư phần mềm của Uber. Anh ấy đã chia sẻ website này trên một nhóm Facebook về trí tuệ nhân tạo và deep learning.
Trong một bài post trên nhóm Facebook này, Wang viết: “Tôi đã quyết định bỏ tiền túi của mình ra để mọi người có thể nâng cao nhận thức về công nghệ này.”
TheseCatsDoNotExist.com (hoặc ThisCatDoesNotExist.com)
Cách thức hoạt động: Dựa trên code của Nvidia, bao gồm pretrained model của StyleGAN, và một bộ dữ liệu, để áp dụng lên hình ảnh những con mèo
Người sáng lập: Phiên bản đầu tiên, ThisCatDoesNotExist.com, được sáng lập bởi Wang (người sáng lập ThisPersonDoesNotExist.com). Giống như người anh em của mình, website này mỗi khi được tải lại cũng sẽ hiển thị một tấm ảnh mèo khác nhau được tạo nên từ công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Phiên bản còn lại, TheseCatsDoNotExist.com, được tạo nên bởi Nathan Glover, một lập trình viên người Úc. Anh này đã chia sẻ link của website trên Twitter, đồng thời cho biết mình đã tạo được hình ảnh của hơn 30,000 con mèo giả. Website này hiển thị nhiều hình ảnh mèo cùng một lúc, nhưng sẽ thay đổi mỗi khi web được tải lại.
ThisAirbnbDoesNotExist.com
Cách thức hoạt động: Mỗi khi được tải lại, website này sẽ hiển thị một danh sách Airbnb giả, với những bức ảnh về phòng trọ, họ tên, hình ảnh của người chủ, và những miêu tả liên quan. Tất nhiên tất cả đều là sản phẩm tạo ra từ công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Người sáng lập: Christopher Schmidt, một kỹ sư code nguồn mở tại Google. Trong phần giới thiệu ở website, Schmidt viết rằng anh ấy có thể tạo ra những nội dung StyleGAN mà không cần mạng thần kinh nhân tạo hoặc tài nguyên điện toán.
Schimidt viết rằng: “Điều này có nghĩa rằng một người chỉ còn sống được hai tiếng đồng hồ cũng có thể tạo ra một thứ tuyệt vời như tôi đã làm. Mặc dù vẫn còn một vài điểm yếu, tuy nhiên nhìn chung với tôi, website này đã thành công. Những danh sách ấy có thể còn một vài chỗ bất hợp lý, tuy nhiên cũng đủ để cho mọi người phải liếc mắt qua.”
ThisWaifuDoesNotExist.net
Cách thức hoạt động: Cứ mỗi 10 giây, một gương mặt anime mới từ công nghệ StyleGAN sẽ xuất hiện. Website này sử dụng cơ sở dữ liệu Danbooru2018 chứa hàng triệu hình ảnh các khuôn mặt từ anime.
Người sáng lập: Gwern Branwen, một tác giả trong lĩnh vực số liệu, darknet và Bitcoin.
Trên thực tế, Danbooru2018 cũng là một sản phẩm của Branwen. Thuật ngữ “waifu” dùng để chỉ những nhân vật nữ trong anime và manga. Website này đã được đề cử trên Reddit, 4chan và mạng xã hội Baidu của Trung Quốc.
WhichFaceIsReal.com
Cách thức hoạt động: Website này hoạt động dưới hình thức game tương tác. Mỗi lần tải lại, bạn sẽ được giới thiệu 2 khuôn mặt: một thật, một được tạo ra từ máy tính. Bạn sẽ chọn xem đâu là gương mặt thật. Sau đó website sẽ công bố kết quả.
Người sáng lập: Jevin West và Carl Bergstrom, hai giáo sư của trường Đại học Washington. Website này là một phần trong dự án Calling Bulls----t. Đây là nền tảng cho khóa học mà hai giáo sư đang dạy về sử dụng dữ liệu và phân tích để xác định đâu là thật, đâu là giả trong thế giới kỹ thuật số.
Trên website của mình, họ viết rằng: “Mục đích của chúng tôi là giúp các bạn biết được những đặc tính nào có thể bị làm giả, đồng thời giúp bạn tìm ra những điều giả ấy chỉ trong một cái liếc mắt.”
Hải Vy (Theo Business Insider)