Đưa trí tuệ nhân tạo vào điều trị


 Với sự phát triển của khoa học - công nghệ, nhiều bệnh viện và cơ sở y tế trong nước đang đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giúp các bác sĩ tối ưu hóa công việc khám chữa bệnh với độ chính xác cao, đưa ra phác đồ điều trị, hỗ trợ phẫu thuật, kê đơn thuốc chính xác và hiệu quả.

Trong khi đó, đối với người bệnh, AI giảm thời gian chờ đợi đăng ký khám bệnh, cũng như nhiều thủ tục hành chính phức tạp.

Nhiều ứng dụng hiệu quả

Bệnh viện K Trung ương hàng ngày luôn có hàng ngàn người bệnh từ nhiều tỉnh, thành tới khám và điều trị, khiến viện bệnh nhiều lúc trở nên quá tải.

Với đặc thù là cơ sở y tế chuyên khoa cao nhất điều trị ung bướu nên bệnh nhân tới Bệnh viện K điều trị rất đa dạng, nhiều thể ung thư khác nhau, do đó để nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị cho người bệnh, bệnh viện đã đưa vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo IBM WFO được xây dựng dựa trên việc tổng hợp hàng triệu hồ sơ bệnh án ung thư, hơn 300 tạp chí y khoa, 200 sách giáo khoa và hơn 15 triệu trang tài liệu y văn trên thế giới liên quan tới điều trị ung thư.

PGS-TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương, cho biết việc ứng dụng hệ thống AI  này đã trợ giúp đắc lực cho các bác sĩ trong việc chẩn đoán, điều trị ung thư vú, phổi ở giai đoạn sớm.

Với nền tảng điện toán đám mây cùng các thuật toán tối ưu, hệ thống AI giúp bác sĩ dễ dàng tìm kiếm trên 200 triệu trang tài liệu y khoa trong vòng 3 giây; đồng thời đưa ra các gợi ý phác đồ điều trị, lịch trình thời gian trong kế hoạch điều trị; đưa ra so sánh giữa các phác đồ điều trị; đưa ra các bằng chứng cho mỗi lựa chọn và cung cấp các bằng chứng thử nghiệm lâm sàng.

PGS-TS Lê Văn Quảng chia sẻ thêm, hệ thống này không chỉ giúp bác sĩ và người bệnh mà còn rất hữu ích với các bác sĩ trẻ, những người chưa có cơ hội được đi học tập nước ngoài vẫn được cọ xát với thực tiễn điều trị.

Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả hệ thống này, đòi hỏi các bác sĩ cần phải có một trình độ ngoại ngữ tốt để khi nhập thông tin về tình trạng bệnh nhân không được sai sót. Đồng thời, để có được thông tin chính xác còn phụ thuộc vào cách đánh giá thể trạng bệnh nhân.

Mặc dù chỉ là một cơ sở y tế tuyến huyện nhưng Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Đồn cũng đã mạnh dạn triển khai thí phần mềm bệnh án điện tử. Tất cả các khoa phòng của bệnh viện hiện không còn cảnh người bệnh chen nhau xếp hàng đặt sổ khám bệnh; sổ sách, giấy tờ của bác sĩ cũng gọn gàng, đơn giản hơn.

Lãnh đạo bệnh viện cho biết, trước đây, y bác sĩ phải mất rất nhiều thời gian để ghi chép bệnh án hoặc chờ đợi các khâu trung gian để có kết quả xét nghiệm của bệnh nhân.

Với phần mềm bệnh án điện tử, bác sĩ hoàn thành việc kê thuốc cho bệnh nhân trên máy tính, giúp khoa Dược cập nhật và cấp thuốc ngay mà không cần chờ điều dưỡng ghi ra sổ và chuyển đến khoa.

Trong khi đó, dưới góc độ của cá nhân, PGS-TS Đinh Văn Hân, Viện Bỏng Quốc gia, cho rằng, ứng dụng công nghệ AI sẽ hỗ trợ đắc lực các mảng hoạt động của ngành y như đào tạo y khoa, chẩn đoán và điều trị, giúp tăng năng suất, hiệu quả khám bệnh; đồng thời giảm những sai sót lâm sàng.

Phân tích sâu hơn về nhận định này, PGS-TS Đinh Văn Hân chia sẻ, trong chẩn đoán và điều trị bệnh, ứng dụng AI có thể thay thế được một phần việc khám bệnh.

Khám bệnh tây y có nhìn, sờ, gõ, nghe, còn trong đông y là vọng (nhìn, quan sát), văn (nghe, ngửi), vấn (hỏi), thiết (sờ). Do đó, trong khám bệnh, nhìn là quan trọng nhất và với công nghệ xử lý hình ảnh của AI sẽ hỗ trợ đắc lực được khâu này, giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Thị trường đầy tiềm năng

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia y tế và công nghệ thông tin, AI đang mang đến nhiều tác động diệu kỳ, làm thay đổi ngành y trong tương lai.

Trong đó, ứng dụng sâu rộng nhất là AI trong y tế là các phần mềm như sổ y tế điện tử, bao gồm cả bệnh án điện tử, phòng bệnh và phát hiện bệnh từ sớm; chẩn đoán bệnh dựa trên phân tích hình các ảnh y tế trên các thiết bị 4D; y tá ảo; nghiên cứu thuốc mới... 

Đề cập đến việc ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam, ông Phạm Xuân Viết, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, hiện nay một số bệnh viện ở Việt Nam cũng đã triển khai ứng dụng thí điểm nhiều phần mềm trí tuệ nhân tạo để phục vụ công tác chuyên môn, cũng như giúp người bệnh đơn giản, bớt mệt mỏi khi đi khám bệnh.

Để không lạc hậu thì ngành y tế Việt Nam cần phải đẩy mạnh ứng dụng được AI và Bộ Y tế đang rất quan tâm, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp trong nước tham gia nghiên cứu, phát triển ứng dụng AI trong trong các lĩnh vực y học. Bộ Y tế  kêu gọi các doanh nghiệp thực hiện các nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ AI trong thực tiễn khám chữa bệnh.

Là một chuyên gia hàng đầu về AI trong y học, GS Nguyễn Tiến Dũng (Đại học Toulouse, Pháp) nêu rõ, AI đang làm thay đổi toàn bộ thế giới về mọi mặt.

Theo báo cáo Marketsandmarrkets, thị trường AI tăng trưởng trên 36%/năm, nếu chỉ tính riêng sản phẩm hoàn toàn AI 100% thì đạt khoảng 16 tỷ USD năm 2017 và với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, con số này được dự báo sẽ lên tới gần 200 tỷ USD vào năm 2025.

Trong các lĩnh vực của đời sống, y tế chính là lĩnh vực có nhiều ứng dụng AI nhất và phát triển mạnh nhất, có thể làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành y tế trong những năm tới.

Số liệu chỉ ra rằng, thị trường AI y tế tăng trưởng tới 50%/năm, từ 2,1 tỷ USD năm 2018 dự kiến sẽ đạt trên 36 tỷ USD vào năm 2025, chiếm khoảng 20% toàn bộ thị trường AI.

Hơn nữa, AI được ứng dụng sâu vào lĩnh vực y tế sẽ giúp bệnh nhân được chăm sóc tốt lên với chi phí rẻ đi, thêm nhiều bệnh được chữa, thêm nhiều người được chăm sóc và cả những người nghèo ở vùng xa xôi cũng được chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Tiến Dũng cũng thẳng thắn, dù AI được ứng dụng sâu vào y tế thì nó vẫn không thể thay thế được bác sĩ và các bác sĩ không lo thất nghiệp.

Minh Khang - SGGP

Bài gốc

Xem thêm