Startup mang 30 triệu trang kiến thức của loài người lên Mặt trăng
Khi tàu vũ trụ Beresheet của Israel được phóng lên Mặt trăng cuối tháng trước, nó mang theo món hàng bí ẩn. Các nhà hoạch định sứ mệnh gọi nó là "khoang tàu thời gian", song thực tế không đơn giản như thế.
Theo NBC News, món hàng bí ẩn đó là tàu thăm dò mặt trăng nhỏ mang kho lưu trữ 30 triệu trang của kiến thức con người, được khắc vào đĩa kim loại kích thước như đĩa DVD.
Kho lưu trữ này có tên Lunar Library, hay Thư viện Mặt trăng với mục tiêu “sao lưu văn minh”, đảm bảo rằng các thế hệ sau không bao giờ đánh mất trí tuệ tập thể của nhân loại, theo Nova Spivack, nhà đồng sáng lập Arch Mission Foundation, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Mỹ đứng sau dự án.
Tổ chức đang xây dựng kho lưu trữ trên không gian, được thiết kế để tồn tại từ 6 tỉ năm trở lên. Thời gian này dài hơn rất nhiều lần so với bất cứ văn bản lâu đời nào nhất hiện thời. Ông Spivack cho hay:
“Một trong các thách thức tiến hóa cơ bản mà chúng ta đối mặt là chuyện mất trí nhớ về những sai lầm trong quá khứ, và việc thiếu biện pháp đối phó tích cực để tránh lặp lại chúng. Vì sự tồn tại của loài nguời, chúng ta cần tìm cách nâng cao nhận thức về những gì hoạt động và không hoạt động được. Chúng ta cần đảm bảo nó được chia sẻ với mọi người trong tương lai”.
Paul Davies, giám đốc Trung tâm Khái niệm Vật lý Cơ bản tại Đại học Bang Arizona, xem Lunar Library chủ yếu mang tính biểu tượng, song vẫn quan trọng. Thư viện Mặt trăng có thể khuyến khích mọi người suy ngẫm về vị trí của họ trong vũ trụ, về cách chúng ta tìm bằng chứng về các nền văn minh khác. “Có thể những sự sống ngoài hành tinh cũng làm như thế”, ông Davies nhận định.
Việc gửi thông tin vào không gian không phải chuyện mới với Arch Foundation. Trước khi tỉ phú Mỹ Elon Musk đưa chiếc Tesla Roadster lên vũ trụ hồi năm ngoái, Spivack và đội ngũ của ông đã đặt vào một chiếc đĩa toàn bộ ba quyển khoa học viễn tưởng nổi tiếng của Asimov có tên “Foundation”, rồi gửi nó lên không gian. Với Lunar Library, phạm vi dàn trải rộng hơn.
“Chúng tôi đang xây dựng Rosetta Stone cho những sinh vật sống trong hệ mặt trời của chúng ta vào tương lai”, ông Spivack nói.
Một phần nhỏ của kho lưu trữ vừa được gửi lên vũ trụ là bộ sưu tập bài hát, bức vẽ của trẻ em và bài viết về văn hóa, lịch sử Israel. Dù vậy, phần còn lại thì thực sự là bách khoa. Trong số này có hơn 200 gigabyte dữ liệu toàn bộ phiên bản tiếng Anh của Wikipedia, hàng ngàn quyển sách, bộ sưu tập sách giáo khoa, hướng dẫn 5.000 ngôn ngữ và 1,5 tỉ bản dịch mẫu giữa chúng.
Tất cả thông tin được khắc vào 25 đĩa niken xếp chồng lên nhau, mỗi đĩa chỉ dày 40 micron.
Trong trường hợp sự sống ngoài hành tinh hay loài người trong tương lai không có đầu đĩa DVD, họ có thể đọc trên đĩa hình ảnh của nhiều quyền sách và tài liệu giải thích ngôn ngữ loài người, cùng hướng dẫn làm thế nào để đọc được toàn bộ thư viện bên dưới. Lớp giới thiệu này có thể dễ dàng được nhìn qua kính hiển vi đơn giản, phóng đại 100 lần.
Để bảo đảm đĩa tồn tại được lâu, Arch Foundation phát triển công nghệ ghi dữ liệu siêu bền được gọi là Nanofiche. Nó có thể chịu nhiệt gấp 10 lần những gì nó chịu trên Mặt trăng mà không làm hỏng dữ liệu.
Bản thân chiếc đĩa đã được làm từ niken, vật liệu siêu bền với chi phí phải chăng. Ngoài ra, Lunar Library cũng được gói trong lớp bảo vệ và cách nhiệt, hệt như cấu trúc tàu đổ bộ Beresheet.
“Những vật thể này không thể tồn tại hàng tỉ năm mà không suy giảm trạng thái, song chúng có thể nguyên vẹn, không bị đốt cháy sau 10 triệu, thậm chí 50 triệu năm”, ông Davies tuyên bố.
Thu Thảo - Báo Thanh niên