Sẽ ra sao nếu AI được sử dụng một cách thiếu đạo đức?
AI chỉ là một công cụ thôi và chúng ta toàn quyền sử dụng và kiểm soát nó. Hãy lựa chọn để trở thành là một phần của việc phát triển nó và tạo dấu ấn đạo đức của mình trong nó.
Những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã có những bước tiến rất dài. Những lợi ích mà AI đem lại là điều không thể phủ nhận nhưng chính sự phát triển của AI cũng đặt ra câu hỏi “Sẽ ra sao nếu AI được sử dụng một cách thiếu đạo đức?”
Đó là vấn đề Tiến sĩ (TS) Christopher Cường Nguyễn, Chủ tịch và CEO của Công ty Arimo từ Thung lũng Silicon đặt ra tại buổi nói chuyện ở Đại học Fulbright Việt Nam ngày 18.3.
TS Christopher nhận định AI là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. AI trong tương lai có thể dùng để xử lý rất nhiều vấn đề, từ an ninh mạng bảo mật, năng lượng, tài chính cá nhân, giáo dục toàn cầu, bệnh tật.
“10 năm nữa tôi sẽ không phải cần đứng ở đây để nói về AI nữa vì nó đã ở mọi nơi. Nó đã được tích hợp sâu sắc vào trong công nghệ của chúng ta rồi. Cách đây khoảng 10 năm hay 15 năm về trước khi chúng tôi nói về database, những nền tảng về thông số dữ liệu thì đấy là một điều hết sức lạ lẫm nhưng mà ngày hôm nay chúng ta đến một công ty nào đó, chúng ta nói rằng không có database thì sẽ không hợp lý chút nào bởi vì nó đã ở khắp nơi”, TS Christopher nói.
Tuy nhiên, một sự thật rõ ràng là AI đang đặt con người trước những thách thức chưa từng có. Tin giả (fake news) vốn đã là vấn đề hết sức đau đầu với xã hội hiện nay.
Với sự giúp sức của AI, vấn nạn tin giả sẽ còn trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều. Các sản phẩm của AI đã phát triển đến mức con người không thể phân biệt đâu được là ảnh người thật, người giả do AI tạo ra. Bởi vậy, sẽ rất nguy hiểm nếu AI được sử dụng bởi những kẻ xấu với mục đích thao túng quan điểm của công chúng.
Dự báo năm 2030, AI ước tính sẽ tạo ra 15 nghìn tỷ đô la mỹ trong GDP toàn cầu. Điều này có nghĩa là AI có thể giúp chúng ta tăng trưởng 15%, vượt xa mức tăng trưởng của các quốc gia đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất hiện nay.
Nhưng đồng thời, trong 20-30 năm nữa 50% khối lượng công việc đang tồn tại ngày nay sẽ biến mất. Những công việc của bác sĩ, luật sư nhiều khả năng có thể bị thay thế 100% bởi AI.
Một vấn đề khác đáng lo ngại là sử dụng AI trong việc ra quyết định. Một ví dụ điển hình được TS Christopher dẫn chứng là trường hợp khi 1 đoàn tàu mất phanh và sẽ đâm vào 5 người, nhưng nếu bẻ lái sẽ giết 1 người khác và cứu được 5 người đó.
Đó vẫn là ví dụ tranh cãi với con người. Vậy sẽ ra sao khi AI ra quyết định? Hoặc ví dụ khi xe tự lái gây tai nạn, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm? Không quan tâm một cách sâu sắc đến đạo đức đằng sau công nghệ rõ ràng sẽ luôn dẫn đến điều đáng tiếc.
Xoay quanh vấn đề kiểm soát AI cũng đang có những ý kiến trái chiều. TS Christopher cho biết trên 40% người ở Mỹ đòi chính phủ nên kiểm soát trí tuệ nhân tạo, trong khi đó khảo sát tại Trung Quốc lại không quan tâm lắm.
Theo TS Christopher, chúng ta vẫn phải sống chung với AI vì dù muốn hay không thì nó vốn đã tồn tại. Đối với các bạn trẻ trong giai đoạn AI đang phát triển nhanh như hiện nay, công việc của các bạn sẽ phát triển được rất nhiều nếu theo đuổi các ngành ứng dụng AI.
Thay vì quá lo lắng và sợ hãi một cách ảo tưởng, chúng ta nên tìm hiểu cách ứng dụng AI, đưa AI làm đòn bẩy để phát triển. “AI chỉ là một công cụ thôi và chúng ta toàn quyền sử dụng và kiểm soát nó. Chúng ta hãy lựa chọn để trở thành là một phần của việc phát triển, và tạo dấu ấn đạo đức của mình trong AI”, TS Christopher nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về hướng đào tạo AI, ông Trần Lê Nam, đại diên trường ĐH Fulbright Việt Nam cho biết: hiện nay Fulbright đang tập trung đào tạo về khoa học máy tính, trong đó ưu tiên trọng điểm về AI và Máy học bởi đây là 2 lĩnh vực sẽ có nhiều đột phá trong thời gian tới.
Trường có nhiều chương trình định hướng cho 2 lĩnh vực này. Sinh viên sẽ được học một cách tổng quan, bao gồm cả đạo đức để các em biết được trong xã hội tương lai không chỉ cần những chương trình hiệu quả cao mà còn phải có ích cho xã hội.
Phạm Sơn - Khampha.vn