Bất ngờ thay, đây là nghề nghiệp tiếp theo sẽ sớm bị máy móc và AI thay thế


Những tiên đoán cho tương lai này rất có cơ sở, nhất là khi nhiều thương hiệu đã và đang hoàn thiện hệ thống AI của họ đủ tầm cạnh tranh với con người.

Với tốc độ phát triển công nghệ như vũ bão ngày nay, một tương lai với robot và máy móc dần thay thế con người trong rất nhiều nghề nghiệp là điều đã được tiên đoán trước, gần như không thể tránh khỏi.

Đó vừa là một giấc mơ tốt đẹp, vừa là ác mộng đối với nhiều người trẻ và ngành nghề đang còn được săn tìm hiện nay, lo sợ một ngày mình bỗng trở nên vô dụng và thất nghiệp.

Những công việc thuần lao động chân tay được cho vào danh sách "nguy hiểm" nhất, vì nay đã có rất nhiều dây chuyền tự động làm hết mọi thứ trong các nhà máy hiện đại. Thế nhưng, đừng nghĩ rằng làm trí thức văn phòng thì sẽ an toàn, vì các chuyên gia vừa xác định được một ngành nghề liên quan nữa cũng sắp sửa bị công nghệ cướp ngôi trong tương lai gần: Luật sư và các công việc chứng nhận tư pháp.

Tại sao nghề luật lại dễ bị máy móc thay thế nhanh chóng?

Tưởng chừng luật pháp là thứ máy móc khó có thể hiểu được một cách dễ dàng, thế nhưng đây lại là một trong những ngành nghề được đánh giá là cần nhiều sự cần cù về sức lao động chân tay truyền thống là chính. Một luật sư giỏi là người hiểu và nhớ được nhiều luật để áp dụng cho từng tình huống - cũng là thứ mà máy móc có thể được đào tạo, thậm chí còn ghi nhớ được nhiều và dễ hơn đáng kể so với con người.

Đặc biệt là khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chúng sẽ dần dần học hỏi và nhớ được từng câu chữ của luật, sau đó vận dụng và đào sâu để tìm ra bằng chứng phù hợp cho khách hàng có nhu cầu pháp lý. Muốn bào chữa cho một vụ kiện, AI sẽ giúp bạn tìm ra một bộ luật khoan hồng.

Muốn có thêm lí lẽ để kết tội, AI cũng sẵn sàng đào thêm nhiều khuôn phép khác trong cả quyển luật dày cộp. Thậm chí, nếu được cho "ăn học" tốt, khả năng cao nó còn có thể tự tìm ra các lỗ hổng pháp lý trong các hợp đồng hay giấy tờ có dấu hiệu lừa đảo.

Mục đích chính của công nghệ và máy móc khi ra đời là tối ưu hóa hiệu quả công việc, tối thiểu hóa thời gian và công sức con người cần tiêu tốn. Đồng thời, nó cũng sẽ cắt giảm và thay thế luôn cả vị trí nghề nghiệp của một bộ phận lao động.

"Đó mới chỉ là những viễn cảnh nhỏ bé tí xíu ban đầu mà tiềm năng của AI có thể bộc lộ mà thôi," phát biểu bởi Noory Bechor, CEO của LawGeex - một hãng phát triển nền tảng AI cho các công việc chứng nhận pháp lý.

Kết cục tất yếu

Trước đây, Bechor cũng là một luật sư chính hiệu với bằng cấp đầy đủ. Thế nhưng, giờ ông đang là một trong những tư vấn viên hàng đầu cho công ty hiện tại, vận dụng kinh nghiệm của mình trong ngành luật trước đây để ủng hộ và phát triển AI. Nói cách khác, Bechor thực sự đang giúp đỡ máy móc vùng lên để thay thế chính mình và đồng nghiệp trong tương lai.

"Tôi từng thực hiện rất nhiều các vụ chứng nhận hợp đồng giữa các công ty nhỏ với nhau, chưa kể tới các nhà đầu tư hoặc cả tập đoàn đa quốc gia," Bechor thổ lộ, cho biết mình thường xuyên thấy mệt mỏi và nhàm chán vì tính chất công việc lặp đi lặp lại một cách máy móc, ít sáng tạo.

Mỗi lần nhận một hợp đồng, tôi làm công việc rất quen thuộc và dễ nhưng lần nào cũng phải lặp lại, không thừa không thiếu một bước. Đó là lý do chính khiến tôi bị thúc giục phải làm gì đó để 'tự động hóa' cái quy trình làm nghề này."

Theo Bechor, công nghệ AI của LawGeek có thể tiếp nhận bất kỳ một hợp đồng mới nào, sau đó đối chiếu nó với dữ liệu có sẵn để phân tích và đưa ra giải pháp. Qua từng lần làm việc, nó càng tự học hỏi được nhiều hơn, giống như cách con người chúng ta có thêm kinh nghiệm vậy.

Nhưng vẫn còn một câu hỏi cuối cùng được đặt ra: AI có thể làm được, nhưng liệu chúng có thể làm tốt như con người không? Liệu chúng có mắc phải những lỗi mà con người chưa từng mắc? Bechor và đồng nghiệp hiện tại vẫn rất cứng rắn, luôn ủng hộ mục tiêu của mình.

Đó là một trong những vấn đề đã được tranh cãi rất nhiều. Jay Leib, người cũng đang phát triển một công cụ AI hỗ trợ tự động tìm kiếm dữ liệu văn bản luật pháp, lên tiếng ủng hộ máy móc.

Ông cho rằng con người cũng không hoàn hảo, vả lại, họ còn kém máy móc về độ bền bỉ cũng như khả năng làm việc lâu dài mà vẫn giữ được phong độ.

"Chúng không mệt mỏi, không đói khát hay cần phải ngủ nghỉ thư giãn. Tất cả những khó khăn về cơ thể sinh học mà con người bị ảnh hưởng đều không có nghĩa lý gì với máy móc hay robot," trích lời Leib.

Đó mới chỉ là một số ít đại diện cho rất nhiều các chuyên gia đang ngày đêm tìm cách tối ưu hóa hiệu quả của các cỗ máy, giúp chúng trở nên tiềm năng hơn bao giờ hết trong việc đảm nhận vai trò của con người. Sau tất cả, nếu chúng ta không thể đánh bại máy móc, chúng đành phải chấp nhận để chúng thay thế mà thôi.

Hà Thu - TTVN

Bài gốc

Xem thêm

 
Tin tứcdmsttin tức, ai