Nhật ký innovation: Thôi, ráng giàu vậy!
Buổi sáng, ngồi cà phê quán quen, tự dưng thấy một con sâu, to ơi là to, đang lụi cụi xoay sở trong góc quán. Xung quanh, toàn là rừng bê tông và khói bụi, nghĩ chắc nó khó mà sống qua khỏi hôm nay. Lấy cái lá cây, đem con sâu thả vô cái cây, lại không biết mình có đem con sâu đi ăn hết cái cây xanh ít ỏi còn sót lại ở cung đường này không…
Đem theo con sâu theo trong đầu tới chỗ làm, tự dưng thấy màn hình chiếu một rừng cây xanh mướt và dòng chữ “chúng tôi là những người nuôi dưỡng”, nên kệ mớ email, vô ngồi nghe…
Đó là câu chuyện về chàng trai Shuhei Morofuji – người doanh nhân trẻ tuổi nhất và chủ công ty nhỏ tuổi nhất trong lịch sử chứng khoán Nhật Bản.
Shuhei 25 tuổi mở một công ty chăm sóc y tế cho người già – một cộng đồng lớn khủng khiếp ở Nhật, xong 5 năm sau đưa nó lên sàn, và mở rộng hoạt động ra 20 quốc gia khác. 5 năm sau nữa, anh từ chức tổng giám đốc vì thấy mình đã bị cũ trong việc điều hành công ty này, đi tìm một sứ mệnh cuộc đời mới, khi đã… quá chừng giàu có.
Đại khái vậy, Shuhei mở ra Reapra – một dạng chương trình ươm tạo doanh nghiệp kiêm quỹ đầu tư với triết lý nằm trong tên công ty mình: Research and Practice: nghiên cứu và thực hành, vì anh tin rằng những người dẫn đầu các ngành công nghiệp tương lai sẽ cần kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố này.
Anh mở công ty ở Singapore, vừa mở rộng sang Việt Nam và bảo rằng, sự khác biệt lớn nhất của Reapra là “kiên nhẫn”, và cùng xây dựng các công ty khởi nghiệp, chứ không chỉ xây để mua mua bán bán, lời lời lỗ lỗ mệt mỏi lắm.
35 tuổi, chàng trai lịch sử của Nhật Bản này tin vào những “doanh nhân có động lực tự thân và mong muốn phát triển những doanh nghiệp bền vững”, và đang làm chương trình xây dựng 80 doanh nghiệp dẫn đầu Đông Nam Á, bắt đầu bằng ý tưởng thiệt xịn của bạn. Ai cần thì nhắn Bung, anh này giàu nhưng mà cũng nghiên cứu thiền chánh niệm đó nhen.
Nghe xong câu chuyện này, thì lại nhớ con sâu ở quán cà phê. Nên xách ba lô đi qua coi mấy bạn trẻ của nhóm Proud of life – nhóm khiếm thị nhưng tin là mình chỉ có chút bất tiện chớ không bất hạnh.
Mấy bạn đang lụi cụi chuẩn bị cho cuộc trình diễn cuối khoá đào tạo của chương trình Thế hệ không giới hạn của Unicef, nên mượn cái phòng tiếp khách để biến thành “không gian trải nghiệm vườn rau như một người khiếm thị”.
Nghĩ cũng ngộ, các bạn khiếm thị, như anh chàng ca sĩ The Voice Hà Văn Đông, khi được hỏi con gà có mấy chân thì hào hứng bảo có 4 chân, vì cả đời có biết con gà thiệt nó như thế nào.
Nên cho các bạn ôm con gà thiệt, thì hạnh phúc lắm. Còn sáng mắt như mình, bao lâu rồi không dám rờ vô con gà, vì sợ tùm lum thứ. Mà không ôm con gà, có khi mất luôn cái kết nối với tự nhiên, giống như con sâu nằm chỏng chơ trên nền xi măng chờ hoá kiếp…
Xong lại nghĩ, hết dự án, chắc cũng khó mà tổ chức thêm các chuyến đi trải nghiệm ở vườn cho các em khiếm thị, chứ tính làm buffet rau bán kiếm tiền như các bạn, còn xa xôi quá đi. Thí dụ Bung có nhiều tiền chút, Bung tài trợ trọn đời cái dự án này, chắc sẽ vui.
Rồi lại đi gặp một nhóm làm đầu tư tài chính. Toàn tiến sĩ với cựu giám đốc công ty chứng khoán. Ngồi nghe một hồi thì lại nhớ con sâu. Không biết nó có ăn hết cái cây không, hay hít thở khói bụi mệt quá mà chết rồi không kịp biến thành bướm?
Mấy bạn thấy Bung lo ra, kêu: “Vậy giờ chọn chiến lược nào? Xách giỏ qua Singapore gọi thêm vốn hay tìm đối tác cùng ngành trong nước hay là bán nhà chồng tiền theo tiếp để lên sàn chứng khoán?”. Trời ơi khổ quá hà, có ai nói cho Bung biết con sâu nó đang làm sao không?
Tối về, ngồi với một bạn đang lập kế hoạch 3 năm nữa sẽ vô địch rang cà phê ở giải đấu thế giới, tự dưng hỏi nó: “Sao hông làm vừa vừa thôi?”. Nó cười: “Đâu có được đâu anh, làm cho tới đỉnh núi Min của vùng Cầu Đất luôn chứ…”.
Mà cũng đúng, làm nhỏ thì đâu có nhiều tiền, mà không có nhiều tiền thì đâu có tạo ra một cái bài trình bày toàn cây là cây, để nuôi dương những con sâu trót bị bỏ quên nơi phố thị nữa…
Cập nhật: con sâu đã bò đi đâu mất, và cái cây vẫn còn nguyên không bị ăn mất.
Bung Trần
Giải năm nay dành cho 4 đối tượng gồm doanh nghiệp khởi nghiệp, giải pháp đổi mới sáng tạo, tác phẩm truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các tổ chức cá nhân có hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như vườn ươm doanh nghiệp, nhà đầu tư thiên thần, chuyên gia tư vấn...
I-Star năm nay sẽ có tổng cộng 12 giải được trao, với mỗi nhóm đối tượng được chọn trao 3 giải đồng hạng. Ban tổ chức nhận hồ sơ tham dự đến hết tháng 8/2019 và tiến hành công bố công khai trên website để cộng đồng bình chọn, song song với việc xét giải của hội đồng chuyên môn. Giải sẽ được trao vào tháng 10/2019.
Từ ngày 24.12, Bung phụ trách chuyên mục “Nhật ký innovation”, để kể lại chuyện buồn vui trong thế giới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bạn có chuyện gì hay, hãy meo cho Bung một tiếng tại tranbung@khampha.vn nhen.