Nhật ký innovation: Đừng chết vì thiếu hiểu biết
Thầy dạy: “Khởi nghiệp mà, dễ chết lắm. Nhưng chết vì lý do gì cũng được, tuyệt đối không được chết vì thiếu hiểu biết”. Và cái câu này, hiện ra trong đầu, khi xách giỏ đi học một buổi vỡ lòng “Pháp lý cho khởi nghiệp”. Không tin được, là mình đã xém chết mấy lần vì cái tội thiếu hiểu biết…
Bung không phải là đứa ngây ngô mới ra giang hồ. Rõ ràng là vậy. Nhớ hồi đó học thạc sỹ, có môn “luật thương mại quốc tế”, khi thầy hỏi: “Công ty mình ở Việt Nam, ký hợp đồng với đối tác Úc, phía dưới có ghi tranh chấp thì xử theo luật nước nào. Vậy mình sẽ cố gắng đàm phán để ghi là luật Việt hay luật Úc?”.
Hình như, cả lớp, cũng toàn các doanh nghiệp to đùng, mỉm cười nghĩ là phải theo luật xứ mình chớ. Sân nhà mình dại gì không đá, sang sân khách làm chi. Bung thì nghi ông thầy người Đức này đố mẹo, nên chọn đại là theo luật Úc đi…
Đâu có dè, ổng nói phải ghi theo luật của nước nào có hiệp định tương trợ tư pháp của cả Việt Nam với Úc chớ, chẳng hạn Singapore. Chớ hông xử ở Việt Nam mà thắng kiện, người ta ở Úc thì đâu có làm được gì người ta đâu…
Xong thầy nói tới chỗ này, thì có một chị tổng giám đốc bật khóc, vì mới tháng trước, vừa bị mất quá chừng tiền vì một cái hợp đồng “tưởng xử ở sân nhà mình là ngon ăn rồi chớ”.
Vậy đó, đi gọi vốn chỗ này chỗ kia, tư vấn đủ cấp bậc, nhưng đụng vô pháp lý là vẫn cứ ngu ngu ngơ ngơ, vì pháp lý thay đổi, cập nhật nhanh quá, không biết tức là không biết, không có “tưởng là mình biết” được.
Cô giáo, là một nữ luật sư rất được cộng đồng khởi nghiệp mến mộ, nhiều startup ở tỉnh, sau mấy năm học vẫn tiếp tục gửi…. nước mắm nhà làm lên cho cô nữa mà.
Luật sư Quỳnh Như nói như vầy: “Có nhiều điểm mờ pháp lý trong khởi nghiệp lắm, đặc biệt là cái đoạn trước khi thành lập doanh nghiệp của mấy ông đồng sáng lập với nhau, và có khi chết đứng vì cái hợp đồng đầu tư của những người được gọi là… thiên thần. Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát đi nhen”.
Cô giáo bảo: “Có khá nhiều “điểm mờ”. Nếu bạn tra cứu, trong pháp luật hiện nay không có nhiều quy định cụ thể về khởi nghiệp. Ví dụ như chưa có quy định về những giá trị mà người khởi nghiệp cùng đóng góp trong thời điểm trước khi thành lập doanh nghiệp, trong khi đó là giai đoạn phải dồn công sức rất nhiều. Và khi có tranh chấp xảy ra, không có một giải pháp nào có thể xử lý được những vấn đề về phân chia quyền lợi”.
Về hành lang pháp lý, luật sư Quỳnh Như cũng đã từng gặp tình huống người khởi nghiệp trong nước đưa ra những ý tưởng, dịch vụ mới, nhưng cơ sở pháp lý chưa có. Đến một ngày, báo chí đăng tải lên và cho rằng đó là hoạt động chui, bởi vì không phù hợp với quy định pháp luật ở thời điểm đó.
Ví dụ như dịch vụ “bác sĩ gia đình” đã từng vướng vào các vấn đề như vậy. Một thời gian sau, hoạt động này mới bắt đầu phù hợp với quy định của pháp luật. Nói như vậy không phải để các bạn hoang mang, mà trong bất kỳ nơi đâu, sẽ có những phần pháp lý chưa kịp điều chỉnh.
Do đó mình cần tìm những quy định phù hợp nhất trong từng trường hợp cụ thể nhằm hạn chế rủi ro cho mình, chứ không phải chờ đợi mọi thứ đều rõ ràng thì mình mới… khởi nghiệp. Không bao giờ có!
Tự nhiên muốn khóc. Nhớ lại cái cảnh ngày xưa, bỏ hết công ăn chuyện làm, dồn hết tâm trí và quan hệ lẫn của nã dành dụm được để làm một công ty khởi nghiệp với người quen. Quen mà, lúc bắt đầu thì thiệt vui, thiệt hào hứng.
Nên tự dưng nói là làm thoả thuận hợp tác thấy nó thiếu tin tưởng nhau quá đi, nên thôi. Hai năm sau, rã bầy, Bung rách như một cái xơ mướp, và trắng tay. Vậy mà học mãi cũng chưa xong cái lớp vỡ lòng về pháp lý…
Cô giáo Như nói: “Làm ăn lớn, muốn thay đổi thế giới, mà khóc cái gì trời ơi…”. Nỡ lòng nào nói Bung như vậy. Không lẽ mới hôm qua, mình là thầy giáo đứng lớp, bữa nay bị cô giáo la cái là khóc sao ta…
Ngồi học có một tiếng đồng hồ, liệt kê ra thì thấy mình – và mấy anh em quanh mình, vẫn đang phạm một mớ sai lầm “dễ chết lắm” liên quan tới pháp lý, vì chủ quan, vì tưởng hông sao, và vì… làm biếng: không hiểu cho xong việc đối nhân với đối vốn nó khác nhau như thế nào trong mô hình doanh nghiệp, không biết cách định giá tài sản sở hữu trí tuệ để góp vốn, không biết rằng kiểu gì cũng dễ bị phạt nếu đăng ký vốn khống hoặc bán hàng không đóng thuế… Và “lỗ nhỏ thì đắm thuyền” thôi.
Thôi, ai giỏi cái gì thì làm cái đó. Khởi nghiệp, như mình hay dặn các bạn, tuyệt đối cấm làm một mình. Học thêm 4 năm nữa chắc cũng không thể rành mấy thứ pháp lý này bằng cô giáo đã dành trọn đời mình cho nó được…
Đi khóc nhờ cô giáo giảm giá thôi chớ sao giờ.
Bung Trần
Từ ngày 24.12, Bung sẽ phụ trách chuyên mục “Nhật ký innovation”, để kể lại chuyện buồn vui trong thế giới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bạn có chuyện gì hay, hãy meo cho Bung một tiếng tại tranbung@khampha.vn nhen.