Chỉ mất 5-10 giây để đón tiếp bệnh nhân nhờ hồ sơ bệnh án điện tử


Theo Thông tư 46 của Bộ Y tế, hiện một số BV đã triển khai thí điểm hồ sơ bệnh án điện tử, tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh và y, bác sĩ.

Chỉ mất 5-10 giây để đón tiếp bệnh nhân nhờ hồ sơ bệnh án điện tử  

Theo Thông tư 46 của Bộ Y tế, hiện một số bệnh viện đã bước đầu triển khai thí điểm hồ sơ bệnh án điện tử, tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh và của y, bác sĩ.

Bà Nguyễn Thị Trình (70 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) bị bệnh tiểu đường và tim mạch khoảng 5 năm nay. Bà thường xuyên phải vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang để khám và điều trị. Không như những lần trước, bà Trình phải chờ lấy số, làm thủ tục mất rất nhiều thời gian. Lần này, khi đến khám, bà Trình được nhân viên y tế hướng dẫn lấy dấu vân tay và lập hồ sơ sức khỏe điện tử.

Bà Trình chia sẻ, việc khai báo thông tin làm hồ sơ bệnh án điện tử không mất nhiều thời gian như sổ khám bệnh bằng giấy. “Lần này đi khám, tôi không phải lấy số, chờ khám cũng nhanh. Thay đổi sang hình thức khám như này giúp người bệnh đỡ vất vả hơn, tôi rất hài lòng”- bà Trình chia sẻ.

Thời gian tiếp đón bệnh nhân rút ngắn xuống từ 5-10 giây/1 bệnh nhân

Từ tháng 8/2018, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) bắt đầu thí điểm triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại khu Khám bệnh theo yêu cầu và 1 khoa cận lâm sàng. Ths.BS Nguyễn Khuyến, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp- Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, bệnh viện là một trong những bệnh viện triển khai đợt đầu trong giai đoạn 2019-2023 triển khai khám chữa bệnh bằng hồ sơ bệnh án điện tử.

Để thực hiện lộ trình này, ngay từ tháng 12/2018, bệnh viện đã thực hiện nâng cấp phần mềm, đầu tư trang thiết bị, đồng thời tập huấn cho đội ngũ cán bộ y, bác sĩ. Hiện, bệnh viện đã triển khai được 10.000 bệnh án bằng hồ sơ vân tay, đem lại nhiều tiện ích cho người bệnh cũng như các y, bác sĩ.

Được biết, khi áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử, các bác sĩ khám và điều trị cho bệnh nhân, sẽ dùng máy tính bảng (Ipad) để cập nhật tình trạng bệnh nhân và chỉ định thay vì dùng bút ghi giấy như trước.

Ông Khuyến cho biết, sau khi triển khai thí điểm, hệ thống vận hành tốt, bệnh viện sẽ triển khai chính thức trên toàn bệnh viện. Hiện nay, để tiến tới không dùng sổ khám bệnh bằng giấy, bệnh viện đang tích cực khai báo thông tin bệnh nhân bằng vân tay như tên tuổi, địa chỉ, số chứng minh thư, số thẻ bảo hiểm y tế...

“Hồ sơ bệnh án điện tử được triển khai sẽ mạng lại nhiều lợi ích như bệnh nhân không còn phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh; việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế minh bạch, không còn tình trạng trục lợi thẻ bảo hiểm y tế.

Việc tiếp đón bệnh nhân sẽ được rút ngắn từ khoảng 3 phút/1 bệnh nhân xuống còn từ 5-10 giây/1 bệnh nhân. Người bệnh không cần mang bất kể một loại giấy tờ gì vẫn có thể tiếp đón đúng đối tượng, việc khám bệnh sẽ vô cùng thuận lợi”- ThS.BS Nguyễn  Khuyến cho biết.

Tiết kiệm chi phí cho người bệnh khi chuyển tuyến

Thường xuyên phục vụ bệnh nhân tại các buồng bệnh, điều dưỡng Bùi Thị Tuyết Nhung, Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ chia sẻ, từ khi triển khai thực hiện lộ trình bệnh án điện tử, việc khám, chăm sóc cho bệnh nhân thuận tiện, đơn giản hơn rất nhiều.

“Chúng tôi phải làm việc trong buồng bệnh nên khi có máy tính di động, chúng tôi sẽ không phải chạy sang phòng hành chính như lần trước mà sẽ triển khai trực tiếp luôn ở trên buồng bệnh. Bác sĩ có thể cho y lệnh hoặc bổ sung thêm thuốc men hay y lệnh của bác sĩ là mình sẽ trực tiếp làm trên máy luôn, rất tiện ích”- Điều dưỡng Nhung chia sẻ.

Được biết, mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ lưu trữ gần 80.000 hồ sơ bệnh án giấy. Khi triển khai bệnh án điện tử, những hồ sơ bệnh án này sẽ được giảm tối đa. Đặc biệt, sẽ giúp truy cập nhanh thông tin, hỗ trợ chẩn đoán, nghiên cứu khoa học của các chuyên khoa, hỗ trợ bác sĩ trong quá trình điều trị.

Ths.Bs Hoàng Công Lâm, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, khi áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử, bác sĩ có thể khai thác được tiền sử của bệnh nhân, xem được hồ sơ bệnh án của bệnh nhân ở tất cả mọi nơi trong bệnh viện chỉ sau vài phút thao tác trên máy vi tính, không cần phải đến trực tiếp buồng bệnh.

“Đối với bệnh nhân khi phải chuyển tuyến, toàn bộ những dữ liệu của người bệnh sẽ được chuyển thành file dữ liệu. Khi đó, những tuyến cơ sở, nơi tiếp nhận bệnh nhân chuyển đến có thể sử dụng những dữ liệu đó. Vì vậy, một số dịch vụ cận lâm sàng, xét nghiệm ở tuyến trước đã làm thì có thể sẽ không phải thực hiện lại, giúp tiết kiệm chi phí đáng kể cho người bệnh”- BS Hoàng Công Lâm cho biết.

Việc lập hồ sơ bệnh án điện tử sẽ giúp mỗi cá nhân tự nắm bắt tình trạng sức khỏe của mình suốt đời và cán bộ y tế cũng sẽ chủ động cập nhật thông tin dữ liệu của người bệnh, biết được lịch sử bệnh tật của bệnh nhân để kê đơn, phác đồ điều trị hợp lý nhất.

Tuy nhiên, để có thể hoàn thiện được hồ sơ này, cần phải có một phần mềm kết nối đồng bộ, thống nhất trên cả nước. Bên cạnh đó, cũng rất cần sự hợp tác từ phía người dân.

Minh Khánh - VOV

Bài gốc

Xem thêm