Nhật ký innovation: Những doanh nghiệp lười biếng


Giá điện tăng-như-bị-điên, ai cũng vừa khóc vừa… chửi. Nhưng mà, ngày nào Bung cũng lụi cụi nhắn tin, gửi email, gọi điện thoại cho các doanh nghiệp về dự án tiết kiệm năng lượng của sở Khoa học Công nghệ, thì hơn phân nửa là… bỏ trốn, vì lý do gì chính thì không biết, nhưng có một thứ có thể đọc ra được: lười thay đổi. Vậy thôi, càm ràm cái gì…

“Không biết gì về điện” – đó là thứ mà dân gian hay dùng để nói về những người… lơ tơ mơ. Và nó rất đúng, khi nói về Bung, bỗng một ngày về làm việc ở Saigon Innovation Hub, mà tiền thân là Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng thành phố.

Không biết thì học, và may mắn tới mức, mới ngày đầu đi làm, thì bị phân công tiếp đoàn Hiệp hội Năng lượng Hiệu quả của chính phủ Nhật Bản. Họ đến, để trình bày đề nghị hợp tác như vầy:

“Doanh nghiệp Việt Nam xài năng lượng hoang phí quá. Có khi hiệu suất từ nhà máy điện tiêu hao năng lượng, tới doanh nghiệp chỉ còn có 40%, xong vô doanh nghiệp thì thiết bị vừa cũ vừa không được quản trị đúng cách nên lại còn lãng phí hơn. Chúng tôi muốn cùng nhau, hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện hệ thống sử dụng năng lượng, vừa tiết kiệm tiền điện vừa giảm thải khí CO2”.

Xong, buổi chiều, lại bị phân công đến gặp bệnh viện 115, nghe câu chuyện của họ: “Bệnh viện xây lâu rồi, tính toán ban đầu là 10 người bệnh mỗi phòng, cộng thêm người nhà và y bác sĩ là tổng cộng 36 người trong cái phòng đó.

Gắn một cái máy lạnh 1,5 ngựa, 4 cái bóng đèn là đủ. Giờ bệnh nhân lúc nào cũng gấp đôi, có khi gấp 3, nên máy lạnh luôn phải mở nhiệt độ thấp nhất, và mở 24/24, bóng đèn cũng vậy. Tiền điện chịu không có thấu. Tính sao?”.

Đâu có tính sao đâu, làm cái kiểm toán năng lượng, tính ra được những phần hoang phí, đề xuất giải pháp chỉnh sửa, thay đổi hoặc có khi đơn giản là trồng thêm một hàng cây xanh bên ngoài…

Vậy đó, bệnh viện hay nhà máy ở xứ mình, cái máy gì mà không cũ, không quản trị lỏng lẻo. Người Nhật mê lắm, vì đụng vô chỗ nào, cũng tiết kiệm được mấy chục phần trăm tiền điện, lời thêm mớ phát thải nhà kín – xin tiền chính phủ Nhật rất dễ.

Vậy đó, 15 năm nay, ngân sách thành phố được dùng để “sửa chữa” những lỗi sai về dùng năng lượng của doanh nghiệp. Giày Á Châu, Saigon Food, khách sạn Legend… ai cũng sẵn lòng đứng ra chứng minh hiệu quả và niềm hãnh diện khi được “sở khoa học công nghệ làm giùm vụ tiết kiệm điện”. Nhưng sở đâu có làm một mình được, cả nguyên cái doanh nghiệp cũng phải cùng làm, cùng triển khai, nên… cũng cực dữ lắm.

Vậy đó, Bung gửi quá chừng thư, nói là thành phố sẽ hỗ trợ tư vấn hỗ trợ giải pháp công nghệ hiệu quả năng lượng; tư vấn hỗ trợ điện mặt trời nối lưới, tư vấn xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO50001, tư vấn luôn các nguồn tài chính hỗ trợ triển khai các giải pháp đổi mới công nghệ. Cái nào cũng miễn phí.

Nhưng mà, cả mớ doanh nghiệp, rất lớn có, lớn vừa vừa cũng có, toàn… bận công tác khác. Xong, cũng chính lãnh đạo doanh nghiệp mới vừa nói bận này, lên Facebook… chửi tiền điện tăng. Bung bực ghê.

ông Huỳnh Kim Tước - CEO Saigon Innovation Hub

ông Huỳnh Kim Tước - CEO Saigon Innovation Hub

Mà chửi tiền điện tăng, nghe là biết… “không biết gì về điện”. Đi hỏi ông Huỳnh Kim Tước, hồi xưa là giám đốc trung tâm tiết kiệm năng lượng, ổng thảy cho nguyên cái báo cáo nghiên cứu mà chính phủ thuê hẳn các thầy của đại học Harvard lừng danh làm.

Giáo sư David Dapice nghiên cứu tình huống “Điện lực Việt Nam” và đưa ra một điều ít người biết: EVN là đơn vị phân phối điện chính, chứ thực sự không phải là nhà sản xuất điện lớn nhất nữa, cũng không còn là ông… độc quyền bán điện nữa.

Ông Tước nói: “Thành ra muốn biết giá điện cao hay thấp, thì đi hỏi mấy ông đang sản xuất ra 70% lượng điện của Việt Nam coi thử bán cho EVN bao nhiêu, rồi EVN bán lại bao nhiêu…”.

Tò mò tìm thêm, thì thấy David Dapice vừa công bố thêm một báo cáo nữa, mới toanh, đưa ra thống kê lạnh lùng: nhu cầu dùng điện của người Việt cao hơn Ấn Độ và Indonesia, gần chạm mức với Thái Lan – toàn những quốc gia giàu hơn họ.

Mỗi năm nhu cầu điện tăng 12%, cao hơn hết những quốc gia so sánh trong vùng châu Á. Quy luật chung của thế giới là nhu cầu điện phải thấp hơn tăng trưởng GDP mới đúng.

Thôi, đọc nữa, lại mất công lên cơn đau tim với mấy ông doanh nghiệp lười biếng, mà toàn là bạn quen không thôi mới chết.

Không lẽ nói thôi cứ để giá điện tăng nữa đi, để dân mình, doanh nghiệp mình còn chịu khó bỏ công ra mà tiết kiệm điện. Chứ cứ lười vầy, xài hoang phí kiểu này, tiền chịu không thấu mà môi trường cũng không thở nổi với khí CO2 nữa đâu.

Bung Trần

Trần Bung - với chữ Bung trong món Bắp Bung của Đà Lạt, nơi anh sinh ra - hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Saigon Innovation Hub và phó chủ tịch Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Flying Fish Investment. Bung là tác giả của bộ sách bán chạy “Những người làm thuê số 1 Việt Nam” và nhiều tựa sách khác nhau về khởi nghiệp, lập nghiệp. Anh là một gã lang thang khắp mọi miền của thế giới, gặp gỡ từ nữ hoàng Đan Mạch, thủ tướng Pháp, các tỷ phú ở Silicon Valley để kể chuyện. Bung hiểu biết nhiều về các loại bia, nghệ thuật thủ công và nghiên cứu về thiền chánh niệm.

Từ ngày 24.12, Bung sẽ phụ trách chuyên mục “Nhật ký innovation”, để kể lại chuyện buồn vui trong thế giới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bạn có chuyện gì hay, hãy meo cho Bung một tiếng tại tranbung@khampha.vn nhen.

Xem thêm