Nhật ký innovation: Phật đản, Ironman và khởi nghiệp
Ngày cuối tuần, có lẽ một nửa giang hồ khởi nghiệp đang ở Đà Nẵng “cày” cuộc thi Ironman – thử thách sức bền cơ thể và tâm trí. Một nửa còn lại, thì báo đang đi dự cuộc nói chuyện của Nhiếp chính vương Bhutan, người đang có mặt ở Sài Gòn chuẩn bị cho đại lễ Phật Đản…
Bung ngồi, nhận được tấm hình cùng với Trung, giám đốc vườn ươm Đà Nẵng DNES và Phong, giám đốc sự kiện khởi nghiệp FuckUp Night đang tập yoga dây, tự dưng nhớ lại ngày này năm trước, cũng định đi Ironman.
Lý do đơn giản lắm: ít dân thành phố có kỹ năng bơi biển như… dân biển, nên nếu chỉ tham gia một trong ba môn phối hợp này với nhóm khác thì lúc nào cũng có giá.
Nhiều người đã giải thích vì sao Ironman – bơi 2 cây số, chạy 21 cây số và đạp xe 80 cây số, chính là thứ thuốc thử và đồng thời là thuốc gây nghiện cho những người thích thử thách bản thân mình trên con đường khởi nghiệp. Bung thì nghĩ đơn giản, làm khởi nghiệp đuối lắm, không bền thì không có đủ… lì lợm để theo tới cùng.
Nhưng lúc đó, lại muốn làm một chuyện khó hơn: mời thiền sư Minh Niệm về nói chuyện ở… hội nghị khởi nghiệp SURF. Lúc đó, nghĩ rằng, mời một thiền sư, nói về chuyện hiểu biết bản thân mình, con người mình, những gắn kết của thân – tâm – trí, có lẽ là một thứ “vốn liếng” quan trọng mà các bạn khởi nghiệp thường bỏ qua.
Xong lại tự hỏi, có gì liên quan giữa thiền định và khởi nghiệp, nên Google thử. Ồ, hoá ra là thằng con trai Đỗ Quốc Phong của mình từng viết về chuyện này, thông qua chuyện Bill Gates ngồi thiền. “Tôi giờ thiền khoảng 2 đến 3 lần một tuần, mỗi lần tầm 10 phút. Melinda cũng thiền đấy.” – Gates viết trên blog của mình. Mặc dù trước đây, Bill Gates không hề tin vào thiền định bởi ông nghĩ, đây là một thứ không hề có cơ sở khoa học và còn liên quan đến những thứ tâm linh như sự tái sinh.
Tất cả đến từ Headspace, một ứng dụng hướng dẫn thiền định, đã thay đổi suy nghĩ của Gates và giúp ông duy trì thói quen này hàng tuần. Ứng dụng được đồng sáng lập bởi Andy Puddicombe, một tu sĩ Phật giáo đã tu hành được 10 năm, cũng chính là người lồng tiếng trong ứng dụng.
“Headspace thực sự giúp cho việc học thiền trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Chỉ 10 phút một ngày lắng nghe giọng nói nhẹ nhàng của Andy và cố gắng giữ tâm trí ở lại với anh ta.” – Gates bảo.
Doanh thu hằng năm của Headspace tại thị trường Bắc Mỹ đạt 50 triệu USD. Công ty cũng được Forbes, công ty xuất bản và truyền thông của Mỹ, định giá 250 triệu USD vào năm 2017.
Giờ không biết lên bao nhiêu tiền, chứ một ứng dụng khác mang tên Calm mà Bung từng xài để… bớt hung dữ, đã được định giá tới 1 tỷ đô la, tức là đạt chuẩn một con Unicorn – kỳ lân của khởi nghiệp.
Và không tin được, khi danh sách các công ty khởi nghiệp liên quan đến chuyện này dài dằng dặc. Vài quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên tâm vô lãnh vực này cũng được lập ra. Và người ta bày tỏ rõ quan điểm: Công nghệ hoá thiền chỉ là một bước đầu tiên trong những kế hoạch dài hơi của chúng tôi. Mục đích là làm sao để chăm sóc sức khoẻ tinh thần, sự cân bằng và hạnh phúc của mọi người từ nhỏ đến già mới là thứ đáng quan tâm nhất…
Ơ, hoá ra ngành khởi nghiệp quanh món “hiểu bản thân” này khấm khá quá đi. Không tin được là cái apps tập yoga tên Lululemon quay qua quay lại đã định giá tới 8 tỷ đô, là 8 tỷ đô la Mỹ đó, đâu có giỡn chơi được. Hay mới mẻ như Peloton cũng đâu đó 1,25 tỷ. Chà… Cái Mindful Ventures có vẻ ăn nên làm ra dữ.
Buổi chiều, ngồi với ông Giản Tư Trung, hiệu trưởng trường doanh nhân PACE, người đã tổ chức dịch sách “Khởi nghiệp tinh gọn” từ những ngày khái niệm này còn rất mơ hồ, hỏi chuyện học viện Mindfulness Leadership của ông.
Ông Trung cười: “Thứ mà tôi luôn theo đuổi, là khoa học. Mindfulness là điều rất gần với Phật giáo, mà tôi thì không muốn điều này, nên tìm một cách tiếp cận khác. Không có từ nào trong tiếng Việt để định nghĩa khái niệm mindfulness – nên chúng tôi dịch rộng ra là “một trạng thái thức tỉnh và tĩnh lặng”.
Buổi tối, ngồi với Khánh, tổng giám đốc một công ty truyền thông lớn hạng nhì Việt Nam, anh đang đau bao tử quằn quại. Khánh bảo, anh sẽ xếp bớt việc lại, để đi học làm huấn luyện viên Mindfulness, vì trong cái cuộc sống náo nhiệt hiện nay, thiệt sự là cần được tỉnh thức và tĩnh tâm quá đi.
Bung nghĩ là mình nên học theo lời cô diễn giả của TEDx Bạch Đằng vừa rồi: “Xăm mình cũng là một hình thức thiền định mới”. Đi xăm thêm cái hình đàn cá nữa đây.
Bung Trần
Từ ngày 24.12, Bung sẽ phụ trách chuyên mục “Nhật ký innovation”, để kể lại chuyện buồn vui trong thế giới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bạn có chuyện gì hay, hãy meo cho Bung một tiếng tại tranbung@khampha.vn nhen.