Thanh toán không dùng tiền mặt: Đâu dễ!
Nhiều người lo ngại chủ trương 100% trường học, bệnh viện... trên địa bàn TP HCM phải ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ khó đạt mục tiêu đề ra.
UBND TP HCM vừa ban hành Quyết định về kế hoạch triển khai Nghị quyết số 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Trong đó, yêu cầu đến tháng 12-2019, 100% trường học, bệnh viện (BV), các công ty điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn phối hợp với các ngân hàng (NH), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên di động, máy POS.
Triển khai sớm nhưng ít người xài
Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, các ngành điện, nước, viễn thông triển khai khá tốt chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt đến các khách hàng. Trong khi đó, các BV, cơ sở giáo dục dù có thực hiện nhưng kết quả không như mong muốn, thậm chí có nơi chỉ làm cho có.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn, đồng tình với chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của TP. Bác sĩ Vui nhìn nhận việc dùng thẻ để thanh toán sẽ nhanh, gọn và an toàn.
Người bệnh có lỡ bị mất bóp cũng không lo ngại mất tiền, chỉ cần gọi điện đến NH báo mất và đề nghị khóa tài khoản. Thực tế, BV đã triển khai việc thanh toán viện phí bằng thẻ NH từ năm 2017 để đáp ứng nhu cầu khám, cấp cứu của bệnh nhân là người nước ngoài và được phản hồi tích cực. Trong khi đó, người Việt đến khám chữa bệnh vẫn trả tiền mặt là chính.
Tại BV Đại học Y Dược TP HCM, từ cuối năm 2018 cũng đã triển khai việc đăng ký khám bệnh trực tuyến trên website và ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Đặc biệt, người bệnh có thể thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tuyến bằng các loại thẻ ATM, thẻ tín dụng... trên phần mềm và nhận phiếu khám bệnh qua email hoặc tin nhắn điện thoại.
Các hình thức trả viện phí khác như thanh toán bằng thẻ khám bệnh có chức năng thanh toán viện phí do BV phát hành và thanh toán tại hệ thống cửa hàng tiện lợi khác... cũng được BV này triển khai.
Dù vậy, theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại đây đều dùng tiền mặt. Thay vì dùng thẻ để "quẹt" hay trả tiền qua app, họ sẵn sàng xếp hàng chờ ở cây ATM để rút tiền rồi mang đến quầy chờ đến lượt để thanh toán chi phí khám chữa bệnh.
Hay tại BV Chợ Rẫy, từ cuối năm 2013 đã triển khai chương trình dịch vụ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Chợ Rẫy, cho biết việc triển khai thanh toán viện phí qua thẻ NH nằm trong chương trình cải tiến thủ tục khám chữa bệnh nhanh chóng hơn mà Bộ Y tế đã chỉ đạo.
Thẻ còn hoạt động như thẻ ATM, giúp người sở hữu thực hiện các giao dịch thông thường khác. Dù vậy đến nay, việc thanh toán bằng thẻ này tại BV chỉ mới triển khai tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu và Khoa Khám thai, chưa biết đến khi nào BV mới triển khai đại trà vì mỗi ngày tiếp nhận khám và điều trị cho gần 10.000 lượt bệnh nhân từ khắp nơi đổ về nên không phải ai cũng hiểu và nắm được quy trình thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1, BV đã triển khai việc thanh toán viện phí qua thẻ từ lâu nhưng nhìn chung vẫn ít người lựa chọn. Theo ông, việc thanh toán viện phí qua thẻ có nhiều cái lợi và sẽ là xu hướng chung nhưng để tiến tới thanh toán viện phí 100% qua thẻ thì cần có lộ trình chứ chưa thể làm ngay được. Một trong những rào cản ở các BV là lượng bệnh nhân từ các tỉnh, thành tới rất nhiều và phần lớn đối tượng này không dùng thẻ.
Thói quen dùng tiền mặt của người dân cũng khiến việc thanh toán viện phí qua thẻ đã được BV Từ Dũ triển khai từ lâu nhưng chưa thể đạt 100%. Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, người bệnh đến khám chữa bệnh hiện có thể trả tiền qua thẻ NH riêng của họ hoặc những khách hàng thường xuyên của BV có thể yêu cầu làm thẻ khám bệnh tích hợp thẻ NH, mà BV đã liên kết với VietinBank, Nam A Bank để phát hành.
Thẻ này vừa lưu mọi thông tin của bệnh nhân vừa để bệnh nhân nạp tiền vào để thanh toán. "Nếu dùng thẻ hoàn toàn thay tiền mặt, về phía BV rất "khỏe" vì sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục khám chữa bệnh và cũng dễ quản lý hơn. Nhưng thói quen dùng tiền mặt của bệnh nhân còn phổ biến, nhất là ở nhóm từ các tỉnh khác tới, vốn chiếm khoảng 60% bệnh nhân ở đây. Việc lựa chọn phương thức thanh toán vẫn là quyền của khách hàng, BV chỉ khuyến khích chứ không thể ép buộc được" - bác sĩ Trần Ngọc Hải nhìn nhận.
Rất ít trường thực hiện
Một số trường học trên địa bàn TP HCM từ năm học 2014-2015 đã thí điểm đề án thanh toán học phí không sử dụng tiền mặt (đề án SSC), còn gọi là thẻ học đường. Đến năm 2017, TP triển khai 100% các trường thu học phí qua thẻ, tương ứng với phát hành 1 triệu thẻ SSC đến cả bậc tiểu học, THCS.
Các NH khi tham gia đề án phải cam kết không thu phí sử dụng thẻ ít nhất trong 6 tháng đầu, sau đó thu theo biểu phí của NH. Nếu phụ huynh không thỏa mãn với dịch vụ thẻ có thể ngưng sử dụng sau 6 tháng. Riêng bậc tiểu học, khi đã có hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xây dựng lộ trình để triển khai nhưng không áp dụng đồng loạt.
Quy định là thế nhưng đến nay, tại TP HCM rất ít trường triển khai được việc thu phí qua thẻ. Nhiều phụ huynh có thói quen trả học phí bằng tiền mặt, dù trường có máy POS hoặc nhận chuyển khoản. Theo lãnh đạo nhiều trường học, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường thực sự khó khăn và khó đạt được kết quả như ý. Tại hầu hết các trường, việc thanh toán học phí và các khoản đóng góp khác lâu nay vẫn thực hiện theo phương pháp truyền thống là phụ huynh đến trường đóng.
Ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình), cho biết việc thu học phí tại trường vẫn chủ yếu là tiền mặt, phụ huynh đến đóng cho con. Dù ngành có chủ trương thanh toán qua thẻ nhưng nhiều phụ huynh không mặn mà. Nhiều gia đình lý giải họ có tiền mặt đóng cho tiện, không muốn dùng thẻ tích hợp với NH, mà nhà trường thì không thể ép buộc được.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Ten-lơ-man (quận 1), xác nhận trường nằm trong số các trường triển khai đề án thẻ học đường ngay từ giai đoạn đầu. Đến nay, dù số phụ huynh sử dụng thẻ để đóng học phí chưa tròn 100% nhưng ở góc độ cá nhân, theo ông Thành, việc thu qua thẻ mang lại nhiều tiện ích như bớt việc cho thủ quỹ, không phải dùng tiền mặt nên độ an toàn cao hơn.
Đôi bên cùng có lợi
Thực tế, chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt đã được nhà nước khuyến khích từ nhiều năm chứ không phải đến nay mới thực hiện. Tuy nhiên, người dân vẫn chuộng thanh toán tiền mặt.
Theo báo cáo "Số hóa tiền mặt tại ASEAN - Ý nghĩa đối với các nhà quản lý nguồn vốn doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tương lai" do NH Standard Chartered công bố, tỉ lệ người dân (từ 15 tuổi trở lên) ở Việt Nam có tài khoản NH, thẻ tín dụng, thẻ ATM khá thấp so với các nước trong khu vực. Tỉ lệ người dân có tài khoản NH ở Việt Nam chỉ 30,8%, trong khi tỉ lệ khách hàng chọn trả tiền mặt khi mua hàng trực tuyến lên tới 90,17%...
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NH Nhà nước, thừa nhận rào cản lớn nhất về việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng. Nhiều người vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt, dù áp dụng công nghệ, những ứng dụng thanh toán mang lại sự tiện lợi hơn rất nhiều.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, nhận định nếu các dịch vụ công như điện, nước, học phí, viện phí... 100% thanh toán qua kênh điện tử ở các đô thị sẽ tạo ra nguồn vốn rất lớn cho NH. Đây là cơ hội vàng cho các NH và nền kinh tế, là xu hướng tất yếu góp phần vào sự phát triển của cả nước trong hội nhập.
Dù vậy, để thành công đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của các bộ, ngành, doanh nghiệp. Lộ trình bắt buộc 100% dịch vụ công trên địa bàn TP phải thanh toán điện tử là rất khó. Điện lực, hải quan đã làm rất tốt việc này trong thời gian qua nhưng rất nhiều lĩnh vực công khác lại không dễ dàng.
Theo các chuyên gia, lãnh đạo NH, để thúc đẩy các kênh thanh toán không dùng tiền mặt cần sự quán triệt mạnh mẽ từ trên xuống, bởi thời gian qua, nhiều đơn vị đôi khi chỉ làm cho có. Chưa kể cơ sở hạ tầng về quản trị, công nghệ của một số doanh nghiệp dịch vụ công, BV, trường học rất kém vì không được đầu tư mới trong thời gian dài.
Bởi thanh toán không tiền mặt không chỉ là quẹt thẻ, trả tiền qua thẻ mà còn cả hệ sinh thái của doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ công về quản trị hệ thống, kết nối dữ liệu đồng bộ, tích hợp thêm nhiều tính năng như đặt lịch hẹn, chăm sóc khách hàng qua mạng…
"Cuối năm rồi có đợt đánh giá chất lượng BV, trong đó có tiêu chí thanh toán không dùng tiền mặt. Một BV liền liên hệ với NH thương mại xin triển khai kênh thanh toán không tiền mặt trong… 2 tháng nhưng NH nói không thể vì thời gian quá ngắn" - phó tổng giám đốc một NH cổ phần lớn dẫn chứng một trường hợp và cho rằng lần này, các BV, trường học, dịch vụ công… đừng làm cho có mà cần đặt lợi ích phục vụ bệnh nhân, khách hàng lên hàng đầu. Cũng theo vị này, sau nhiều năm khuyến khích nhưng kết quả chưa như mong muốn, đến lúc nhà nước phải bắt buộc để giảm tiền mặt trong thanh toán dịch vụ công.
Chuyên gia tài chính - TS Huỳnh Trung Minh cũng cho rằng việc bắt buộc thanh toán điện tử để giảm tỉ lệ tiền mặt trong tổng thanh toán là cần thiết sau một thời gian dài tự nguyện.
Trên thực tế, đã có những tín hiệu tích cực gần đây, khi các BV, trường học bắt tay với tổ chức tín dụng phát triển khách hàng theo vòng đời, làm thẻ học đường, thẻ khám chữa bệnh tích hợp từ khi còn đi học đến lớn vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ của NH.
Trong khi NH có lượng khách hàng mới, tiềm năng thì BV, trường học cũng không tốn quá nhiều chi phí quản lý, tiết kiệm nguồn nhân lực. Nhưng quan trọng là quyết tâm của lãnh đạo các đơn vị nhằm tạo lợi ích cho học sinh, phụ huynh, bệnh nhân thấy để sử dụng. Tránh tình trạng BV, trường học năm nay yêu cầu bệnh nhân, học sinh mở thẻ với NH này, năm sau chuyển sang NH khác…
Theo P.V - Người lao động