Nhật ký innovation: Tỷ phú kim chi, ông vua bưởi và bà củ đậu


Ông Kim Tae Kon – cựu chủ tịch Hội doanh nhân Hải ngoại Hàn Quốc, đứng đó, kể một câu chuyện lạ lùng: tôi 50 tuổi, sang Việt Nam, khởi nghiệp từ đầu với việc làm món kim chi, và chỉ bán cho người Việt. Ông Nguyễn Văn Bảy – đương kim chủ nhiệm hợp tác xã bưởi da xanh Giồng Trôm, vất vả cả đời với cây bưởi, giờ bán khắp các siêu thị từ Bắc tới Nam. Hai ông già, hơn lục tuần, ngồi nói chuyện đời, chuyện làm ăn, chuyện… khởi nghiệp.

Ông Kim Tae Kon và ông Huỳnh Kim Tước

Ông Kim Tae Kon và ông Huỳnh Kim Tước

Ông Kim Tea Kon, người đã nhận huy chương tổng thống Hàn Quốc vì đã là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đứng đó, kể câu chuyện đời mình: tôi làm quảng cáo, làm thương mại điện tử… đều không thành công.

Tôi nghĩ, nếu mình chỉ còn một cơ hội, cơ hội duy nhất, thì đó là cái gì? Tôi tin rằng tài nguyên lớn nhất đính với người Hàn Quốc là kim chi. Nếu tôi có thể làm kim chi, thay cho các loại dưa đang bán ngoài chợ của Việt Nam thì sao? Đó có phải là cơ hội duy nhất của tôi không? Câu trả lời là có.

Và sau mẻ hàng đầu tiên tiếp cận các chợ, chúng tôi đau lòng xót dạ đem đi đổ luôn 5 tấn kim chi không thuyết phục được khách hàng. Đó là một tài sản thực sự… Và ông mất 3 năm để có thể tìm ra công thức kim chi vừa với khẩu vị Việt Nam.

“An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang… không có chỗ nào thiếu dấu chân của tôi. Mỗi vùng ăn khác nhau một chút, mỗi người khen chê một chút. Và chúng tôi tìm ra công thức chung của các vùng miền, đặc biệt tìm ra được một nguyên liệu mới của kim chi: củ su hào”.

12 năm sau, ông bán công ty “Kim chi Ông Kim” cho tập đoàn CJ với giá nhiều triệu đô la Mỹ, và lụi cụi tiếp tục khởi nghiệp, với một con đường khác: mang cà phê Việt Nam bán ra thế giới. Ông cũng là cầu nối của cộng đồng khởi nghiệp hai nước, và thường xuyên dẫn startup qua lại.

Ông Nguyễn Văn Bảy

Ông Nguyễn Văn Bảy

Ông Nguyễn Văn Bảy, chạy xe máy từ Giồng Trôm tới dự cuộc gặp. Nói với ông Kim: “Tui ưng cái bụng khi nghe ông nói lắm. Tui già rồi, thấy bưởi của mình mới bán được có 20 tỉnh thành của Việt Nam thôi, ráng thêm chút nữa là đủ sáu mấy tỉnh, coi như bà con người Việt mình được ăn bưởi ngon là tui xong trách nhiệm với đời”.

Ông Kim, mặc bộ vest sang trọng và đắt tiền. Ông Bảy, mặc đồ tềnh toàng đúng chất nông dân, đứng nói chuyện với nhau, về một niềm tin vào sức mạnh của tài nguyên bản địa, của sức cày bừa và niềm tin vào sản phẩm của mình…

Ông Bảy rủ: “Xuống Giồng Trôm chơi với cộng đồng du lịch sinh thái vườn do chính những hộ dân là xã viên của hợp tác xã chơi đi!”. Ông Kim nói, bằng tiếng Việt bập bẹ của mình: “Giồng Trôm hả, đi chớ!”.

Rồi một người phụ nữ - tự nhận mình là nông dân quê mùa – khẽ khàng đứng dậy, hỏi: “Quê tui trồng củ sắn – ngoài Bắc gọi là củ đậu – ngon dữ lắm, mà sao giá cứ bèo bọt, sống không nổi… Củ sắn vừa ngon vừa ngọt vừa giải rượu tốt lắm mà, giờ nên làm gì? Hông thôi nghiên cứu coi thử củ sắn có làm được kim chi đi…”.

Ồ, đó là chị Nguyễn Thị Kim Phương, chủ nhiệm hợp tác xã đàng hoàng, sinh năm 1976 mà đã có con gái lớn xách xe máy chở đi tham gia cuộc nói chuyện. Chị cười tỏn tẻn, nói lâu rồi mới được đi học một bữa đáng công dữ vầy. Ông Kim cùng người phiên dịch ngồi tra tới tra lui trong điện thoại về cái củ sắn này, hỏi: “Vụ giải rượu là có thiệt hông? Có nghiên cứu khoa học nào không?

Đây chính là thứ mà tôi nghĩ có thể làm được thức uống giải rượu, một ngành kinh doanh to lớn của Hàn Quốc và có thể của Việt Nam nữa”. Xong ông Kim đi lấy số điện thoại của chị, hẹn sẽ hỏi các người bạn làm nghiên cứu về công nghệ sinh học xem sao. Chị Phương lại cười bẽn lẽn ngồi xuống.

Trên xe đi về, ông Kim hỏi: “Sông Sài Gòn có thông với sông Bến Tre không?”, chắc là có. Vậy chắc nếu mở nhà máy ở Bến Tre thì đi thẳng ra cảng Sài Gòn xuất hàng đi khắp thế giới được mà, đúng hông?

Bung đâu có biết, chỉ biết có lần, qua đại học Seoul của Hàn Quốc, gặp một ông giáo sư, cả đời nghiên cứu có một món là hạt đậu nành. Xong mở cái công ty, làm sữa đậu nành, xong làm mỹ phẩm đậu nành, xong lên sàn chứng khoán Hàn Quốc luôn rồi.

Ừ thì, lâu lâu nói chuyện khởi nghiệp, có thể đừng nhắc tới trí tuệ nhân tạo, tới apps, tới công nghệ cao được không? Mình nói chuyện về tài nguyên bản địa đi nhen.

Nhưng mà mỗi ngày cũng phải lết lên Indegogo với Amazon coi thiên hạ đang bán sản phẩm mới gì làm từ đặc sản quê mình trồng ra mới theo kịp thế giới đó nhen.

Bung Trần

Trần Bung - với chữ Bung trong món Bắp Bung của Đà Lạt, nơi anh sinh ra - hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Saigon Innovation Hub và phó chủ tịch Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Flying Fish Investment. Bung là tác giả của bộ sách bán chạy “Những người làm thuê số 1 Việt Nam” và nhiều tựa sách khác nhau về khởi nghiệp, lập nghiệp. Anh là một gã lang thang khắp mọi miền của thế giới, gặp gỡ từ nữ hoàng Đan Mạch, thủ tướng Pháp, các tỷ phú ở Silicon Valley để kể chuyện. Bung hiểu biết nhiều về các loại bia, nghệ thuật thủ công và nghiên cứu về thiền chánh niệm.

Từ ngày 24.12, Bung sẽ phụ trách chuyên mục “Nhật ký innovation”, để kể lại chuyện buồn vui trong thế giới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bạn có chuyện gì hay, hãy meo cho Bung một tiếng tại tranbung@khampha.vn nhen.

Xem thêm