Nhật ký innovation: Người thợ máy bán lẩu bò mắc nhất thế giới
Đây là “ma-ma” Yoshi – có 40 năm bán lẩu bò Kobe ở một quán ăn nhỏ, trong hẻm, và vô cùng nổi tiếng ở trung tâm Ginza, Tokyo, Nhật Bản. Bung không biết gọi Yoshi là bà – hay ông – nhưng Yoshi mặc kimono nữ, đi guốc Nhật và mới có… 80 tuổi. Yoshi luôn được khách hàng chấm “tuyệt vời” trong những đánh giá trên mạng.
Quán có tổng cộng 6 cái bàn, chứa tối đa được 40 khách, và 40 năm nay chỉ có Yoshi và người cộng sự trong bếp của mình, cũng vừa tròn 70 tuổi, phụ trách. Khách phải đặt trước để Yoshi “đi chợ” – vì bò Ko-bê không phải muốn mua là có sẵn. May là Yoshi có 40 năm quan hệ, nên chẳng phải xếp hàng chờ đợi cái thứ bò được xem là mắc nhất thế giới này để nấu lẩu.
Yoshi mặc kimono, đi guốc mộc lộc cộc, ra đón khách với tất cả sự điệu đà. Bà bưng từng món ăn lên, gọn gàng, đẹp đẽ, tươm tất và không quên hướng dẫn khách cách dùng thứ đặc sản vùng Kyoto quê mình. Xong đến món lẩu, thì bà ngồi sà xuống để phục vụ.
Cái nồi nước bằng gang, còn nguyên cái quai xách như thuở xưa. Thịt bò, đúng chuẩn Ko-bê, nên có mỡ lẫn vào bên trong thớ thịt, tạo ra những đốm trắng nho nhỏ trên nền thịt hồng.
“Mấy con bò ở đó xí xọn lắm, ban ngày thì phải chạy nhảy tung tăng trên đồng cỏ, tối về thì phải nghe nhạc. Mùa nóng, còn phải uống bia cho kích thích tiêu hoá, không thì bỏ ăn. Xong gần tới lúc cho mama nấu lẩu, thì phải massage liên tục để mỡ lẫn vào trong thịt thì mới ngon…” – Yoshi giải thích.
Bà lại nói về cái nồi lẩu của mình, nấu bằng nước khoáng chảy từ núi xuống, nên rất tinh khiết và có vị ngọt của thiên nhiên.
“Món ăn, cũng như con người vậy, cần có không khí sạch, nước sạch và… suy nghĩ sạch, vậy là sống vui sống khoẻ sống lâu ơi là lâu…” – vừa nói, Yoshi cũng không quên khoe làn da mặt căng hồng của mình: “Không có giải phẫu, không có trang điểm đâu nha, tất cả là vì lúc nào cũng vui với cái sự nghiệp quán lẩu bò của mình”.
Nâng tay áo lên, gắp một miếng bò thật to, khuấy rất mạnh trong nồi lẩu để tránh không cho bọt bong bóng được tạo ra…
“Trước khi quyết định mở cái quán này, mama làm thợ máy trong hãng xe nhà binh, phụ trách khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm. Nghề thợ máy và an toàn sản phẩm dạy cho mình nhiều thứ lắm: sự cẩn trọng tối đa của một quy trình chặt chẽ, sự tận tuỵ với những chi tiết nhỏ nhất vì lỗ nhỏ là đắm thuyền…
Và vì làm kiểm định chất lượng, tôi hứa với mình, ngay từ ngày đầu ra mở quán ăn, là chỉ bán những thứ tốt nhất, tốt hơn thứ mình có thể giành cho bản thân, nên mới tồn tại được cái quán ăn nhỏ này giữa trung tâm Ginza siêu đắt đỏ suốt mấy mươi năm đó chớ… Nó là một di sản của tôi sau này, đúng không?”.
Ồ, “di sản” – đó không phải là từ mà ngày nào Bung cũng được nghe đâu. Nhiều người tính toán những thứ to lớn vĩ đại lắm, nhưng không nghĩ đó là di sản mình để lại cho cuộc đời này… Một chủ một quán ăn nhỏ-mà-không-nhỏ như Yoshi – tận lực làm việc, để cái quán của mình trở thành di sản – không chỉ của cá nhân, mà là một phần ký ức quan trọng của Tokyo nữa…
Bất giác, nhớ lại cái bà cụ bán mì ở khu chợ cá ngừ nổi tiếng với màn đấu giá cá mỗi sáng tinh mơ. Bà bán mì thôi mà, nhưng khách luôn phải xếp hàng, rồng rắn lên mây, có khi cả hai giờ đồng hồ để được thưởng thức thứ mì ramen với nước dùng ngon tuyệt vời mà chỉ có cái xe mì trên vỉa hè của bà mới có được.
Nghe đâu, các nhà đánh giá chuẩn ẩm thực thế giới của Michellin cũng đã tới và đề nghị gắn sao cho cái xe mì của bà, như đã gắn sao cho xe cơm gà của một người đàn ông Singapore…
Gắn cái ngôi sao này vô, là tự dưng đạt danh hiệu “số 1 thế giới” ngay. Và họ thấy, đó là thứ… bình thường, họ đâu có cần. Thứ họ cần, là mỗi khách hàng, đều được hài lòng và hạnh phúc khi ăn cái món họ nấu ra mỗi ngày thôi.
Bung nghĩ, phải chi ai làm khởi nghiệp cũng có sự tận tuỵ và chẳng thèm quan tâm đến “số 1 thế giới” như những người kỳ lạ muốn tạo ra di sản như Yoshi…
Bung Trần
Từ ngày 24.12, Bung sẽ phụ trách chuyên mục “Nhật ký innovation”, để kể lại chuyện buồn vui trong thế giới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bạn có chuyện gì hay, hãy meo cho Bung một tiếng tại tranbung@khampha.vn nhen.