Hà Nội: Sắp dùng vé điện tử đi buýt nhanh BRT


Dự kiến từ ngày 10/10, Hà Nội triển khai thí điểm vé điện tử trên tuyến buýt nhanh (BRT) 01 Kim Mã - Yên Nghĩa, tiến tới liên thông trên toàn hệ thống xe buýt có trợ giá.

Công nghệ hiện đại nhất, giá vé không đổi

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Công Nhật, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, đang cùng TCT Viễn thông Viettel tích cực triển khai để có thể đưa vào thí điểm hệ thống thẻ vé điện tử trên tuyến buýt nhanh từ ngày 10/10.

Cụ thể, theo ông Nhật, vé điện tử sẽ được áp dụng đối với khách vé lượt và khách vé tháng sử dụng 1 tuyến (khoảng 3.000 khách). Riêng vé tháng liên tuyến (chiếm 70% khách vé tháng), do chưa áp dụng trên toàn mạng buýt nên khách vẫn mua tem vé tháng như bình thường. Khi khách hàng mua tem, Transerco sẽ dán vào mặt sau của vé một QR code và khách sẽ dùng QR code đó để sử dụng khi ra vào nhà chờ. “Trước mắt, giá vé sẽ được giữ nguyên như hiện nay”, ông Nhật nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện Viettel cho biết thêm, thẻ vé điện tử được áp dụng công nghệ mới nhất hiện nay, đang phổ biến ở hầu hết các nước tiên tiến như: Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore...

Đáng lưu ý, theo ông Nhật, dù ngày 10/10 mới chính thức thí điểm, nhưng liên danh Transerco - Viettel đã triển khai thử từ ngày 25/9, áp dụng chủ yếu trong khung giờ thấp điểm để khách làm quen với loại hình thẻ vé mới.

Có mặt tại nhà chờ buýt nhanh Kim Mã sáng 24/9, ghi nhận của PV Báo Giao thông, đa số hành khách, đặc biệt là hành khách trẻ tỏ ra khá hào hứng với loại hình này. Anh Phạm Đỗ Minh (24 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, anh thường xuyên đi buýt nhanh BRT nhưng chủ yếu vẫn mua vé lượt. Giờ nếu có vé điện tử, anh sẽ mua vé tháng, quẹt thẻ là xong, cảm giác như… ở Tây. Nhanh hơn, tiện hơn lại không phải mất thời gian mua vé, trả tiền theo lượt.

Tuy nhiên, cũng có một số hành khách chưa thật hài lòng. Bác Lê Văn Sinh (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) cho hay, trước cứ có vé là vào. Giờ hiện đại chưa biết thế nào nhưng có lúc lại phải xếp hàng chờ quẹt thẻ.

Chia sẻ về điều này, ông Phan Lê Bình, giảng viên Đại học Việt - Nhật, chuyên gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nói: “Sẽ cần thời gian để hành khách thích ứng dần dần. Cái gì mới cũng không dễ tiếp nhận, dù đó là xu hướng tất yếu, là văn minh, hiện đại”.

Cũng theo ông Bình, việc áp dụng trên một tuyến sẽ ít có ý nghĩa, áp dụng dần dần nhiều tuyến và tương lai là áp dụng trên tất cả các tuyến. Tích hợp luôn thành ví điện tử, ngoài việc mua vé tàu còn có thể mua sắm các loại hàng hóa khác. Có như vậy mới có thể triển khai rộng và tạo tiện ích lớn cho người dân được.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Nhật cho biết, về công nghệ, liên danh Transerco - Viettel hoàn toàn có thể làm chủ được tất cả những yêu cầu này, quan trọng là thời điểm và cách thức triển khai.

“Thành phố giao chúng tôi triển khai thí điểm hệ thống này. Khoảng 6 tháng  - 1 năm sẽ có báo cáo đánh giá trước khi triển khai nhân rộng trên toàn mạng”, ông Nhật nói và cho rằng, khó khăn lớn nhất để triển khai nhân rộng sang xe buýt thường là thời gian xe buýt dừng ở điểm đỗ chỉ vài chục giây. Vào giờ cao điểm, mật độ, lưu lượng người ào lên một lúc. Và việc kiểm soát khách có quẹt thẻ hay không sẽ rất khó khăn. Đi nước ngoài, nếu khách trốn vé có thể bị phạt gấp 40 - 50 lần. Còn ở mình, khách trốn vé chưa có hình thức xử lý.

Lợi cho người dân, thuận cho quản lý

Cho rằng việc triển khai thẻ vé điện tử là xu hướng tất yếu, ông Nhật cũng khẳng định, cả người dân, QLNN và doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ việc triển khai dịch vụ này. “Khi có hệ thống hoàn chỉnh, người dân sẽ không mất thời gian đến các điểm nạp thẻ như hiện nay mà có thể tự động nạp tiền qua Internet banking.

Với cơ quan QLNN và doanh nghiệp, khi đưa công nghệ hiện đại vào thì cái được dễ nhận thấy nhất là giải quyết được tất các bài toán về xử lý dữ liệu thông tin. Cụ thể, với hệ thống vé giấy hiện nay, việc thống kê chính xác dữ liệu đi lại của hành khách theo không gian, thời gian là không làm được. Từ đó, chúng ta không có dữ liệu để phân tích, đánh giá chính xác lưu lượng hành khách ở các thời điểm khác nhau, để biết lúc nào quá tải để tăng dịch vụ, điều tiết, điều hành DN”, ông Nhật phân tích.

Cũng theo ông Nhật, việc áp dụng thẻ vé điện tử có thể giúp thay đổi chính sách giá vé, cụ thể là điều chỉnh giá phù hợp với cự ly. Như tuyến Chùa Hương - Mỹ Đình giá vé 9.000 đồng hạng. Tức là khách chỉ đi từ Mỹ Đình đến Ba La (10km) cũng bằng khách đi từ Mỹ Đình đến Chùa Hương (62km), như vậy là bất bình đẳng. “Hiện, giá vé xe buýt thấp nhất là 7.000 đồng nhưng nếu áp dụng hệ thống thẻ vé mới, con số này có thể chỉ là 3.000 - 4.000 đồng nếu đi chặng ngắn”, ông Nhật khẳng định.

Thậm chí nhờ công nghệ này thì có thể áp dụng các chương trình giảm giá, khuyến mại với khách đi nhiều. Rõ ràng, điều này lợi cho QLNN trong việc xây dựng chính sách giá vé để thu hút khách đi xe buýt đồng thời cũng lợi cho cả khách hàng, cụ thể là giá có thể rẻ hơn, bình đẳng hơn.

Cũng cho rằng việc áp dụng thẻ vé điện tử là cần thiết để giảm bớt thời gian mua vé, chuyên gia Phan Lê Bình nói thêm: “Khách lên xe không phải móc tiền lẻ ra để mua vé, chỉ cần quẹt thẻ. Việc kiểm soát vé cũng dễ dàng hơn. Nếu dùng tem như hiện nay thì nhân viên trên xe phải kiểm lại xem vé tháng đúng chưa, có đúng người đi không. Vào giờ cao điểm thì rất khó kiểm soát. Nhưng nếu áp dụng vé điện tử thì máy móc sẽ làm việc này”, ông Bình nói.

Thanh Bình - Báo Giao thông

Bài gốc

Xem thêm