Mở tour hoài cổ tàu hỏa đầu máy hơi nước có khả thi?


Lần đầu tiên, một doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn đầu tư cả đoàn tàu du lịch chạy bằng đầu máy hơi nước trên tuyến Huế - Đà Nẵng. Liệu việc này có khả thi và an toàn?

Đoàn tàu “hoài cổ” chạy qua “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN Khương Thế Duy cho biết, vừa tiến hành thẩm định lần hai dự án tàu du lịch bằng đầu máy hơi nước đoạn Huế - Đà Nẵng. Theo ông Duy, đây là dự án hợp tác kinh doanh vận tải đường sắt giữa Tổng công ty Đường sắt VN và Công ty TNHH Dịch vụ du lịch đường sắt Đông Dương (Công ty Đông Dương).

Công ty Đông Dương bỏ vốn đầu tư toàn bộ từ đóng mới, cải tạo đầu máy, toa xe để kinh doanh vận tải đường sắt cũng như hạ tầng công trình phụ trợ; thuê kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đất dành cho đường sắt để phục vụ tổ chức chạy tàu. Còn lại, Tổng công ty Đường sắt VN chỉ cung cấp dịch vụ điều hành GTVT, biểu đồ chạy tàu.

Chia sẻ về chủ trương đầu tư dự án, ông Trần Quốc Minh, đại diện Công ty Đông Dương cho biết, nhiều nước trên thế giới như: Thụy Sĩ, Anh vẫn đang khai thác những đoàn tàu du lịch kéo bằng đầu máy hơi nước và rất đông khách. Khách du lịch muốn đi tàu thường phải đặt trước vì hầu như kín chỗ. Trong khi đó, tại Việt Nam, đèo Hải Vân được ví là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” nằm giữa hai điểm đến hấp dẫn: Đà Nẵng - Lăng Cô, Huế. Nhu cầu qua lại giữa Đà Nẵng - Lăng Cô hay Đà Nẵng - Huế để tham quan cũng rất lớn nên nếu đưa đoàn tàu đầu máy hơi nước “hoài cổ” vào khai thác sẽ đem lại hiệu quả cao.

“Việc đầu tư toàn bộ một đoàn tàu, từ đầu máy, toa xe đến hạ tầng phụ trợ để kinh doanh vận tải trên đường sắt Việt Nam được đánh giá là mạo hiểm vì khó giải được bài toán về cân đối thu - chi, lợi nhuận. Tuy nhiên, Công ty Đông Dương đã khảo sát, đánh giá kỹ nhu cầu của khách du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài nên mới theo đuổi dự án từ năm 2016 đến nay với tổng mức đầu tư lên đến hơn 81 tỉ đồng”, ông Minh cho hay.

Về quy mô, dự án sẽ cải tạo hoặc đóng mới 10 toa xe vận dụng và 3 toa xe dự trữ, dự kiến bao gồm 1 toa VIP, 1 toa xe ngồi, 1 toa hành lý, máy phát điện với thiết kế nội thất theo phong cách châu Âu cổ; 3 đầu máy hơi nước để chạy hai đôi tàu. Tuy nhiên, theo ông Minh, các đầu máy hơi nước của đường sắt VN đã ngừng hoạt động từ những năm 1990 nên việc khôi phục lại rất khó khăn, kể cả về kĩ thuật và thủ tục. Mặt khác, khi đã đưa đầu máy hơi nước vào khai thác sẽ đòi hỏi một số công trình phụ trợ kèm theo như cầu quay để quay đầu máy, nhà chỉnh bị, đường chỉnh bị, hệ thống cấp than và cấp nước…

Ông Minh cũng cho biết, hiện ga Kim Liên, Ga Huế đều có đất để thực hiện xây dựng hạ tầng trạm cầu quay nhưng phải được Bộ GTVT cấp phép. Tại ga Lăng Cô, do đất thuộc đường sắt quản lý quá hẹp, Công ty Đông Dương đã có văn bản đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ cho dự án diện tích đất trên địa bàn, gần ga Lăng Cô. Ngoài ra, còn khoảng 5.000m để xây dựng trạm nghỉ, cung cấp các dịch vụ ăn uống, giải trí, bán đồ lưu niệm… cho hành khách.

Vướng nhiều thủ tục

Cũng theo ông Trần Quốc Minh, được khởi động từ năm 2016 nhưng đến nay, các thủ tục về hạ tầng phụ trợ vẫn chưa xong. “Có những việc rất nhỏ nhưng được nâng lên đặt xuống, rất mất thời gian. Chúng tôi mong Bộ GTVT, Cục Đường sắt VN và tỉnh Thừa Thiên - Huế tạo điều kiện, đẩy nhanh các thủ tục cấp phép để có thể tiến hành các bước tiếp theo như đấu thầu, khởi công xây dựng hạ tầng, đào tạo lái máy đầu máy hơi nước… Hy vọng cuối năm 2019 sẽ hoàn thành, đưa đoàn tàu vào khai thác”, ông Minh nói.

Lý giải nguyên nhân thời gian thủ tục kéo dài, ông Khương Thế Duy cho biết, đây là hình thức đầu tư mới, nhất là việc sử dụng các công trình hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư nên vướng mắc về các quy định pháp luật, phải dần tháo gỡ. Mặt khác, có những lo ngại về đảm bảo an toàn chạy tàu khi sử dụng loại đầu máy cũ trên khu đoạn đường đèo, năng lực thông qua hạn chế.

“Sau nhiều lần thẩm định dự án, Cục Đường sắt VN nhận thấy, các công trình phụ trợ phục vụ việc vận dụng đầu máy hơi nước của dự án cơ bản tuân thủ theo đúng các quy trình, quy phạm của đường sắt hiện hành. Về đầu máy hơi nước cũ mà dự án khôi phục để kéo là đầu máy MIKADO (Tự lực) có tải trọng trục 10,5 tấn đã được khôi phục xong và đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận kiểm định. Vì vậy, cục đã có văn bản trình Bộ GTVT xem xét chấp thuận quy mô đầu tư và chấp thuận chủ trương cho phép đấu nối các công trình phụ trợ”, ông Duy thông tin.

Thông tin với Báo Giao thông, ông Phạm Đức Vinh, Chủ tịch Công ty CP Xe lửa Dĩ An, đơn vị đảm nhận phục hồi đầu máy hơi nước và đóng mới toa xe cho biết, đã phục hồi xong hai đầu máy hơi nước và đang đóng mới các toa xe. Các đầu máy hơi nước được phục hồi nguyên bản với công suất 900 mã lực, đủ sức kéo 5 toa xe khách qua đèo Hải Vân vì đây là các toa xe khách nên tổng trọng nhỏ, trong khi đó đầu máy này trước kia vẫn thường sử dụng kéo cả tàu hàng.

Thanh Thúy - Báo Giao thông

Bài gốc

Xem thêm