Trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc "thất thủ": Bài học của thu phí không dừng
Việc thu phí tự động không dừng tại các trạm BOT đã được triển khai gần 1 năm qua, với kỳ vọng sẽ trở thành bước đột phá trong công tác thu phí. Nhưng vừa qua, việc phản đối của các tài xế tại BOT An Sương – An Lạc đã bộc lộ nhiều bất cập của phương thức "nửa mùa" này.
Dán thẻ E-tag vẫn dừng mua vé
Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã phải họp khẩn vì sự cố tại trạm BOT An Sương – An Lạc (quận Bình Tân) vào tối 3/12. Theo đó, tại đây đã xảy ra hiện tượng tài xế phản đối, cố tình đậu phương tiện quá thời gian quy định và gây ùn tắc giao thông vì cho rằng việc thu phí tại đây đã vượt quá thời hạn cho phép.
Sau khi chủ đầu tư lẫn cơ quan chức năng lên tiếng giải thích, các giao dịch thu phí đã trở lại bình thường, chủ đầu tư tiếp tục thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT đến năm 2033.
Đáng chú ý, từ cuối tháng 10 vừa qua, trạm thu phí BOT này đã đưa vào vận hành thu phí tự động không dừng theo chủ trương của bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Tuy nhiên, tình trạng các xe dừng mua vé gây ùn tắc thời gian dài vẫn tiếp diễn, điều này đi ngược lại những kỳ vọng ban đầu của cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng IDICO cho biết: “Hiện tại, giai đoạn 1 của kế hoạch đã được triển khai, chúng tôi lắp đặt thiết bị thu phí tại các trạm thu chính. Dự kiến đến ngày 25/12 sẽ lắp đặt thêm thiết bị cho các làn thu phí còn lại để toàn bộ hệ thống thu phí của trạm BOT An Sương – An Lạc sẽ được tự động hoàn toàn”.
Theo lộ trình tính toán của bộ GTVT, đến cuối năm 2018 sẽ có khoảng 3,2 triệu phương tiện được dán thẻ E-tag và từ năm 2019, toàn bộ việc thu phí BOT sẽ được tự động hóa. Trong đó, việc lắp đặt thiết bị thu phí tự động không dừng đang được tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ định cho Liên danh Tasco – VETC thực hiện.
Và theo số liệu của công ty TNHH thu phí tự động VETC cho biết, đơn vị này đã phối hợp với 17 trạm thu phí nhưng tính đến hết tháng 11/2018, VETC chỉ mới dán thẻ được khoảng 500.000 phương tiện trong tổng số hơn 3 triệu xe ô tô trong cả nước.
Ghi nhận qua thực tế, công tác triển khai chủ trương thu phí BOT kiểu 4.0 này vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Theo công ty IDICO, mỗi ngày có khoảng 2.000 xe có dán thẻ E-tag để thu phí tự động thực hiện giao dịch tại trạm BOT An Sương – An Lạc.
“Đây là số lượng rất ít so với hàng trăm ngàn xe mỗi ngày đi qua trạm. Thậm chí phần lớn xe có dán thẻ E-tag lại không đủ tiền trong tài khoản để thực hiện giao dịch. Vì thế, dù có thẻ E-tag nhưng hơn 80% các tài xế vẫn mua vé lượt bằng tiền mặt, hiệu quả thu phí tự động còn rất hạn chế”, ông Ninh chia sẻ.
Không đồng bộ
Tài xế Nguyễn Văn Tài (ngụ tỉnh Long An) cho biết: “Tất nhiên chúng tôi hiểu, đi qua trạm BOT thì phải trả tiền theo đúng quy định. Nhưng việc áp dụng còn nhiều bất cập, không thuận tiện cho các tài xế. Dù dán thẻ E-tag nhưng nhiều trạm BOT khi đến giao dịch lại không chấp nhận thanh toán, nhất là các trạm BOT ở các tỉnh miền Tây. Họ nói rằng áp dụng công nghệ phiền phức nên yêu cầu tài xế thanh toán tiền mặt. Nếu sử dụng E-tag mà chỉ thanh toán được ở vài trạm lại càng phiền phức hơn”.
Không chỉ các tài xế tự do, một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng có nhiều băn khoăn. Ông Lê Văn Thịnh - Giám đốc công ty Cổ phần Vận tải Đại Thịnh (trụ sở TP.HCM) chia sẻ: “Công ty chúng tôi mỗi ngày phải chạy hàng chục lượt qua một trạm thu phí. Với cách mua vé tháng như trước đây thì chúng tôi có thể chủ động cân đối hoạt động kinh doanh. Nhưng bây giờ áp dụng thu phí qua công nghệ, chúng tôi phải tốn kinh phí để đầu tư nhưng hiệu quả vẫn chưa thấy đâu”.
Theo Tiến sĩ Phạm Sanh, mục tiêu của việc áp dụng thu phí tự động không dừng là giảm chi phí nhân lực và thời gian, đồng thời công tác thu phí được minh bạch. Đặc biệt, nhà đầu tư sẽ kiểm soát được nhân viên, việc thực hiện theo hợp đồng giữa cơ quan Nhà nước và chủ đầu tư được rõ ràng hơn.
“Tuy nhiên, sự nghi ngại của nhà đầu tư khi bộ GTVT lựa chọn liên danh Tasco - VETC là đơn vị duy nhất được vận hành hệ thống thu phí ETC là không hợp lý. Đáng lẽ phải để nhà đầu tư tự mua sắm trang thiết bị hoặc tự lựa chọn nhà cung cấp, không nên áp đặt một nhà đầu tư cung cấp cho toàn bộ trạm BOT”, ông Sanh đánh giá.
Chuyên gia Phạm Sanh còn nhận định, tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ nên đưa ra giải pháp kỹ thuật chứ không nên can thiệp quá nhiều bằng các mệnh lệnh hành chính. “Nếu dịch vụ này bị lỗi và sai số khiến nhà đầu tư BOT bị thất thu, không hoàn vốn theo đúng thời gian thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”, ông Sanh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Sanh, việc thu phí tự động qua trạm BOT nên giao cho ngân hàng là đầu mối vì có kinh nghiệm quản lý dòng tiền cũng như thẻ thanh toán. Một số nhà đầu tư BOT cùng có cùng quan điểm, cho rằng việc thu phí tự động công nghệ không quá phức tạp, chỉ cần có hệ thống đấu nối thì chủ đầu tư cũng có thể tự kết nối được. Nếu ngân hàng đứng ra thu phí sẽ đảm bảo đồng nhất một loại thẻ trên toàn quốc, không phải nhiều nhà cung cấp như hiện nay, như trạm thu phí BOT Biên Hòa đang sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng của ngân hàng Vietin Bank cung cấp.
Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến phản hồi của người dân và chủ đầu tư dự án BOT, tổng cục Đường bộ Việt Nam (bộ GTVT) vẫn kiên quyết “độc quyền” quản lý thu phí tự động VETC.
Trong thông báo bằng văn bản vào cuối tháng 11 vừa qua, tổng cục Đường bộ Việt Nam nói rõ, tất cả trạm thu phí trên toàn quốc (quốc lộ, đường cao tốc, tỉnh, huyện lộ có đặt trạm thu phí BOT) phải có làn thu phí không dừng trước ngày 31/12/2019. Nếu các trạm không có làn thu phí tự động sẽ bị buộc ngừng thu toàn trạm cho đến khi lắp đặt xong thiết bị. Định hướng đến sau năm 2020, ở mỗi trạm thu phí phải có ít nhất 4 làn thu phí không dừng (2 đi, 2 về).
Hà Nhân - Nguoiduatin.vn