Nhật ký innovation: Sinh nhật thượng thọ của… Startup
“Anh à, trọn vẹn 3 năm Zody đã trải qua bao thăng trầm tưởng chừng phải từ bỏ cuộc chơi startup nhiều lần. Nhưng sau bao khó khăn là những thành quả đáng khích lệ để nhìn vào đó, tập thể Zody lại nỗ lực hơn mỗi ngày, với mục tiêu mang đến sản phẩm phục vụ cho hàng triệu người dùng cùng giấc mơ ‘xuất khẩu’ ra Đông Nam Á...”.
Thư mời sinh nhật lần thứ ba của các bạn viết như vậy…
Ngày giáp Tết, cả hai chuyến bay từ Sài Gòn đi Hà Nội và Đà Nẵng đều delay, tôi và anh Trần Trí Dũng – chuyên gia về khởi nghiệp của tổ chức hỗ trợ kinh doanh của Thuỵ Sĩ Swiss EP ngồi trong phòng chờ, bất giác nghĩ chuyện có bao giờ đi dự sinh nhật lần thứ 100 của một startup không nhỉ?
Ai đó từng thống kê rằng, một doanh nghiệp, cũng na ná như một cuộc hôn nhân, qua được 3 năm là… sống, qua 5 năm là… sống khoẻ, qua đến năm thứ 8 là… ngon lành.
Nhưng cái sự “ngon lành” này giờ được gọi bằng một hội chứng nghe cái tên rất ghê: “bẫy SME – trở thành một doanh nghiệp vừa và nhỏ và sống cuộc sống bình yên của một doanh nghiệp SME”.
Họ định nghĩa rằng, nếu đến sinh nhật lần thứ ba, thứ tư của công ty rồi mà giấc mơ vẫn không cất cánh, khách hàng không tăng theo cấp số nhân thì coi như hết được gọi là startup mà “an phận” SME.
Ồ, chợt nhớ có lần ngồi với ông Tuấn Topica, doanh nghiệp nhăm nhe tỷ đô la, cũng ra đời hơn một thập niên, hỏi: “Ơ, thế công ty vừa lâu tuổi đời, vừa to oạch như thế mà vẫn cứ gọi là startup à?”.
Hay ông Grab, lừng lẫy “đánh ngang ngửa với những doanh nghiệp to nhất ngành vận tải”, tới giờ vẫn cương quyết “chúng tôi là startup”.
Trần Trí Dũng bảo, đem so sánh startup với SME thì giống như so quả cam với quả bưởi, vì nó giống nhau mà lại hơi khác chút. Ai đó bảo rằng, startup thì phải có tính đổi mới sáng tạo (innovative) và khả năng nhân rộng quy mô lớn việc kinh doanh của mình thật nhanh (scalable).
Nhà nước lại thích định nghĩa SME bằng quy mô nhân lực và doanh số của họ. Vậy cớ gì một SME lại không thể có tính innovative và scalable?
Có lẽ khác nhau về tâm thế.
Đúng là khác tâm thế thật. Mở một quán cà phê để kiếm sống thì chắc là chuẩn bị tinh thần khác lắm so với âm mưu mở một chuỗi 100 quán cà phê.
Nhưng nhỡ cái người mở một quán lúc đầu, tới một ngày “vấp cục đá”, quyết định mở tiếp 10 quán, 20 quán, 30 quán nữa thì sao? Tâm thế là thứ có thể chuẩn bị được, và cũng có thể thay đổi được cơ mà?
Ra đến Đà Nẵng, sẵn sàng để về Hội An dự sinh nhật Zody – startup thế hệ đầu tiên của xứ biển này, đang được định giá gần 2 triệu đô la Mỹ. Anh Nam Trung, giám đốc vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng rủ: Hay mình chạy qua xưởng mượn cái xe mô tô điện mới vừa ráp xong chạy thử về Hội An?
Ừ thì đi. Sơn, chàng trai vàng của tin học Việt Nam một thập niên trước khi đồng loạt giành hàng loạt giải thưởng quốc tế, sang Mỹ học, rồi làm việc ở một hãng lớn nhất thế giới, giờ ngồi ngoan ngoãn trong cái xưởng của mình.
Sơn bảo, một năm quyết tâm làm cái xe mô tô điện “thuần Việt”, anh gầy đi 30 ký, không đi chơi, không uống bia, không bạn gái, chỉ có ôm cái xe và giấc mơ xe mô tô điện Việt Nam bán khắp thế giới. Ngồi hỏi người bạn này, người bạn khác, Trung bảo: “Tụi nó đi làm thuê lâu quá bị tiền đè mất tiêu những giấc mơ cũ rồi…”.
Cụng ly cà phê, chúc mừng sinh nhật lần thứ nhất của xưởng xe mô tô của Sơn, tự dưng nhớ chuyện ông Giản Tư Trung, hiệu trưởng trường doanh nhân PACE nói hôm tất niên Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu:
“Nhà lãnh đạo thời 4.0 có nhiệm vụ duy nhất là lãnh đạo bản thân mình, làm cho bản thân mình luôn tỉnh thức, và luôn mới mẻ - trẻ trung. Rất dễ để ngủ quên trong những thành công của quá khứ, rất dễ để bị già đi khi chưa kịp tròn 10 tuổi. Con người, doanh nghiệp, hay một đất nước thời nay cũng vậy, phải luôn luôn tỉnh, và luôn luôn trẻ”.
Nói chuyện xe điện, thì lan sang chuyện Vingroup, Vinfast – những người đang làm thay đổi cuộc chơi khởi nghiệp ở Việt Nam khi “săn” hết các nhân tài về điều hành các quỹ khởi nghiệp của mình. Người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đã đổi slogan của Vingroup từ "Nơi tinh hoa hội tụ cùng phát triển" thành "Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp".
Đơn vị đóng thuế nhiều nhất Việt Nam là Viettel cũng tuân thủ mệnh lệnh quân đội của mình “Luôn đi đầu trong đổi mới sáng tạo”. Có lẽ, vì cái sự mới, sự trẻ, sự tỉnh thức này, mà họ dù có bao nhiêu tuổi về vật lý, thì tuổi thanh xuân của họ vẫn còn tươi nguyên…
Tự hỏi, Amazon, công ty của tỷ phú giàu nhất thế giới, đã bao nhiêu tuổi mà vẫn được xem là thành tựu của startup, mới hay là họ đã thành lập được 24 năm. 24 năm rồi đó, họ vẫn còn là một startup cơ mà. Hi vọng, sinh nhật 100 năm tuổi, Amazon vẫn mãi trẻ trung, để thiên hạ có thể đi dự thượng thọ của một startup…
Dù sao, thì hôm nay cũng là sinh nhật của Bung. Thổi nến, và chúc mọi người luôn tỉnh khỏi những giấc mơ cũ, và luôn mới nguyên như ngày mai…
Bung Trần
Từ ngày 24.12, Bung sẽ phụ trách chuyên mục “Nhật ký innovation”, để kể lại chuyện buồn vui trong thế giới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bạn có chuyện gì hay, hãy meo cho Bung một tiếng tại tranbung@khampha.vn nhen.