Nhật ký innovation: Đi nói chuyện ở TEDx


Đó là một trải nghiệm kỳ lạ nhất mà mình từng trải qua: làm việc với một nhóm tổ chức một chương trình toàn cầu nhưng lại do những chàng trai, cô gái đang còn là học sinh cấp ba đứng ra tổ chức. Và diễn giả toàn hạng “siêu nhân”.

Lần đầu tiên, một đứa làm về đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo như Bung xuất hiện với vai trò là một người thực hành… phong thuỷ.

Cũng khoảng giờ này, năm trước, Lê Thị Phương Dung, cô học trò lớp 11 trường chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng nhắn tin, hỏi: “Nếu em muốn làm một cái TEDx ở Đà Nẵng thì anh nghĩ sao?”.

Ôi trời, đâu có nghĩ gì đâu, các bạn có tất cả nguồn lực của vũ trụ này hỗ trợ cho, nếu thực sự muốn làm, sợ gì mà không làm tới đi. Nói vậy thôi, xong… quên mất tiêu. Cho tới lúc nhận được thư mời làm diễn giả, với một cái đề tài rất khó nhai: “The dead child” – Đứa trẻ đã chết bên trong tâm hồn của mỗi người.

Clara Vy - thủ lĩnh phong trào bảo vệ Hội An xanh

Clara Vy - thủ lĩnh phong trào bảo vệ Hội An xanh

Nhìn danh sách diễn giả, có chút căng thẳng: giáo sư Nguyễn Nam của đại học Harvard, tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu – thủ khoa của đại học Stanford, Lương Việt Nga – cô gái từ bỏ cuộc sống công sở hạng xịn để tự xây sự nghiệp chuyên gia xăm mình, và Clara Vy – mới tròn 14 tuổi đã là thủ lĩnh phong trào bảo vệ Hội An xanh và thực hành lối sống thuần chay để bảo vệ trái đất.

Bận quá, gật đầu đại cho các bạn yên tâm là có người sẵn lòng hỗ trợ, kèm theo một lời nhắn: “Thôi để anh đi xin tài trợ cho, dễ hơn là bắt anh nói”. Mấy bạn không chịu. Ừ thì nói.

Cũng tưởng tượng thử là mình kể chuyện những kết nối giữa con người với nhau, với tự nhiên, với vũ trụ, với những nguyên sơ trong suy nghĩ của mình sẽ như thế nào, liệu có đánh thức đứa trẻ đang ngủ trong mỗi người không…

Một cô học trò 17 tuổi xứ Huế được phân công “theo dõi” diễn giả, mỗi ngày chăm chỉ gửi tài liệu hướng dẫn, gửi thư nhắc tiến độ, gửi tin nhắn đòi hình ảnh. Hít một hơi thật sâu, khi phát hiện ra “nói ở TED, dù là TEDx, cũng là một trải nghiệm khó khăn lắm”.

Nguyên tắc thì đơn giản: không kể chuyện đời, không bán hàng, không nói nhiều thứ rối rắm, chỉ truyền tải một – và chỉ một ý tưởng mới duy nhất với người nghe. Rồi giới hạn thời gian, rồi phải gửi trước toàn bộ bản ghi chú của những thứ sẽ nói, phải soạn bài trình chiếu, và… nín thở chờ phản hồi.

Bao lâu rồi, không có cảm giác nộp bài cho một cô nhỏ, ngọt thì rất ngọt, nhưng cương quyết và nguyên tắc đến sợ. Quỳnh Anh sửa từng chữ, ý kiến về nhiều chỗ, và… yêu cầu làm lại bài trình bày. Rồi cái nhóm tổ chức dần lộ diện, chàng sinh viên sư phạm toán làm điều phối sân khấu, cô gái chuẩn bị tốt nghiệp đại học làm “chỉ huy trưởng” đêm sự kiện.

Ban tài trợ cũng toàn những người 20 tuổi, nhưng đủ sức nói chuyện ngang hàng với những doanh nghiệp, tập đoàn lớn mà không thoả hiệp một chút nào với những nguyên tắc hình ảnh ngặt nghèo của tổ chức TED toàn cầu.

Nói chuyện với các bạn, lần nào cũng thấy ngồn ngộn những người năng lượng tích cực của tuổi trẻ, và lúc nào cũng thấy áy náy vì mình chưa làm tròn vai của một người đi trước.

Rồi “đêm diễn” cũng tới. Toàn bộ vé được bán hết sạch trước đó một tuần, toàn bộ giao tiếp đều phải dùng tiếng Anh, không gian cấm wifi và nói không với tất cả sản phẩm nhựa dùng một lần (nước đóng chai là cấm tuyệt đối).

Một ban nhạc 16 tuổi lên đốt cháy sân khấu, trước khi Việt Nga Tattoo khơi mào về khái niệm “xăm mình là một hình thái thiền định mới”, thầy Nguyễn Nam nói về tư duy và suy nghĩ “sơ tâm” – dùng sự trong trẻo của trẻ thơ để ứng xử với cuộc sống bên ngoài, Hiếu Nguyễn trò chuyện về khát vọng “phá vỡ những tập tính xấu trong giáo dục hiện nay để trả cho đứa trẻ cái vũ trụ huyền diệu bên trong bộ não sáng tạo nhất của các em”, Clara Vy nói rằng, em muốn làm đại sứ của trái đất, vì các đại sứ toàn đại diện cho người dân của họ, chẳng có ai đại diện cho trái đất đang ngày một tổn thương…

Bung đứng trên sân khấu, tay chân luống cuống, có phần run sợ khi nói về “sức mạnh và phép màu của vũ trụ, về quyền năng chữa lành của tự nhiên”. Mọi người, Tây có, Ta có, già có, trẻ có, vỗ tay.

Và Bung hiểu rằng, mình đã sống sót trong một trải nghiệm kỳ lạ. Và thấy lòng hân hoan khi nhìn những người trẻ mười mấy tuổi đã hoàn thành một chuyện tưởng chừng như không thể, và tự dưng, nhớ ra một câu “hãy tin ở hoa hồng”.

Bung Trần

TEDxBachDang, sự kiện TEDx đầu tiên ở Đà Nẵng, vừa ra tối thứ bảy ngày 13 tháng tư này. Với tinh thần "mọi ý tưởng đều đáng để sẻ chia", TEDx, dù ở đâu, luôn mang đến cho người tham dự những câu chuyện, bài học thú vị. Và những người kể chuyện, speaker, cũng thú vị không kém.

TEDx không còn là một sự kiện xa lạ đối với mọi người trên thế giới. Chương trình tổ chức độc lập với TED, được cấp phép và hoạt động tại các địa phương. Tất nhiên, nội dung và chất lượng của các phần nói chuyện trong chương trình TEDx cũng được hỗ trợ, góp ý và giám sát chặt chẽ bởi TED toàn cầu, để đảm bảo đúng sứ mệnh của TED có thể lan toả và tác động đến nhiều người nhất trong quy mô của sự kiện.

Tại Việt Nam, TEDx đã xuất hiện ở nhiều thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Huế và cuối cùng cũng đã đặt chân đến Đà Nẵng. Trong năm hoạt động đầu tiên này, TEDxBachDang sẽ mở màn với chủ đề "The Dead Child", nhằm đánh thức "đứa trẻ" ẩn sâu trong mỗi người, trong niềm đam, sự phá phách và cả trong sự ngu ngốc. Vậy nên, những speaker "xông đất" TEDxBachDang đều là những người hiểu rõ “đứa trẻ” bên trong họ. Hay theo cách mà bạn Lê Thị Phương Dung, founder của chương trình, họ là những người tràn ngập yêu thương, vốn sống và mỗi người họ đều liên quan đến chủ đề này theo một cách khác nhau.



Trần Bung - với chữ Bung trong món Bắp Bung của Đà Lạt, nơi anh sinh ra - hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Saigon Innovation Hub và phó chủ tịch Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Flying Fish Investment. Bung là tác giả của bộ sách bán chạy “Những người làm thuê số 1 Việt Nam” và nhiều tựa sách khác nhau về khởi nghiệp, lập nghiệp. Anh là một gã lang thang khắp mọi miền của thế giới, gặp gỡ từ nữ hoàng Đan Mạch, thủ tướng Pháp, các tỷ phú ở Silicon Valley để kể chuyện. Bung hiểu biết nhiều về các loại bia, nghệ thuật thủ công và nghiên cứu về thiền chánh niệm.

Từ ngày 24.12, Bung phụ trách chuyên mục “Nhật ký innovation”, để kể lại chuyện buồn vui trong thế giới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bạn có chuyện gì hay, hãy meo cho Bung một tiếng tại tranbung@khampha.vn nhen.

Xem thêm