Nhật ký innovation: 500 anh em về Bến Tre


Ngày khai trương Mekong Innovation Hub ở Bến Tre, không ngờ lại là một “đại hội võ lâm” của gần hết “giang hồ khởi nghiệp” cả nước tề tựu. Chặng đường phát triển từ Saigon Innovation Hub tới Mekong Innovation Hub, thực tế là không dễ dàng, và ai cũng đến để chúc mừng hai ông đồng sáng lập của không gian này: ông Phan Văn Mãi và ông Huỳnh Kim Tước. Nhưng, mọi người lại muốn góp sức nhiều hơn.

MVIMG_20191107_153200(1).jpg

Nói rất thiệt bụng, là lúc đầu Bung nghĩ khai trương thêm một không gian sáng tạo khởi nghiệp thôi mà, có gì đâu. Mấy năm nay, tỉnh nào cũng khai trương hết rồi, Bến Tre nghèo nên giờ mới có thôi. Nhưng nghĩ lại, hình như không phải kiểu Bình Định làm BD-Hub, Đà Nẵng làm DIN-Hub hay Bình Dương làm BD-Hub nữa. Mekong Innovation Hub – cái tên thôi cũng đủ để kể câu chuyện dài và rộng và xa hơn nhiều.

Nghĩ tới nghĩ lui, Bung quyết định không đem theo đồ vest. Ngày trước hay mắc bệnh đóng vai nhân vật quan trọng mặc đồ trịnh trọng chạy tới chạy lui cho ra vẻ bận rộn, giờ thích ngoan ngoãn ngồi yên một góc của mình hơn. Và chuyện thích nhất, là được nhìn, được nghe những con người hay ho nói chuyện về làm sao để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong điều kiện tài nguyên hạn chế. Nói vầy là nói giảm nói tránh, đúng ra nên đổi tên cái toạ đàm này thành: Nghèo như Bến Tre thì làm sao để phát triển khởi nghiệp bây giờ.

Ông Lý Trường Chiến, một chuyên gia tư vấn hàng đầu mà mọi người hay gọi là “ông già Noel” vì vẻ ngoài rất đặc trưng của mình, bị ép làm trưởng đoàn nên phải góp lời trước: “Điều quan trọng nhất, là phải xác định rõ, thật rõ những nguồn lực mình đang có, và tìm cách tối ưu hoá những nguồn lực này, bắt đầu từ nguồn lực con người”. Ông Hà Thúc Viên, phó hiệu trưởng Đại học Việt Đức đồng tình: con người và đào tạo con người là quan trọng nhất. Nhưng làm ơn, chúng ta đừng đòi mở thêm trường đại học ở Bến Tre để đào tạo con người nữa, lợi thế “không có trường đại học” cần được tận dụng, để người Bến Tre có thể được học ở những ngôi trường tốt nhất, đã tốn nhiều chục năm, thậm chí hàng trăm năm để gầy dựng.

Bung thiệt là khoái cái ý của ông tiến sĩ đẹp trai này. Đúng là mở cái trường đại học là thứ xa xỉ nhất mà một tỉnh nghèo có thể nghĩ ra. Vì xây cái trường thì dễ òm, tuyển sinh cũng không phải quá khó. Nhưng giảng viên, chương trình đào tạo và một núi thứ thuộc về trí tuệ và hàn lâm thì mất vài chục năm để xây dựng từ từ, đâu có hô biến cái là có. Như trường Harvard trong huyền thoại đó, lâu ơi là lâu rồi cũng có nhiêu đó khuôn viên, đâu có mở rộng nhà cửa đất đai ra làm chi, mà đào cho sâu, thiệt sâu xuống sự hiểu biết của nhân loại thôi.

Bung lại nghĩ, con người Bến Tre thì sẽ khác gì… người Sài Gòn? Chắc là khác chút, vì xứ này hồi xưa là một cái cù lao, vây quanh là sông với biển, nên bị cách ly. Mà bị cách ly thì phải tự xoay sở chớ, nên đa tài lắm, và có khi cũng… bảo thủ lắm. Mới nghĩ tới đây thì có cô bí thư huyện Mỏ Cày Nam đứng lên: “Người Bến Tre là những người sống không cam chịu, mà luôn luôn nỗ lực vươn lên”. Chà, Hồng Nhung là bí thư huyện lận đó, chức này bự, mà cô gái này còn trẻ măng, và nói một cái trúng ngay chỗ quan trọng nhất. Bung lại khoái quá, chạy ra làm quen. Ơ, hoá ra là… người quen cũ, hồi đó là bí thư Tỉnh đoàn, phụ trách khởi nghiệp mà…

Anh Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, một người yêu quý Bến Tre vô cùng. Ngày trước, anh đi làm đủ thứ nghề để kiếm sống, kể cả nghề người mẫu và diễn viên điện ảnh. Cũng may ảnh diễn không đạt mấy nên chưa kịp nổi tiếng, chứ không thì khởi nghiệp Việt Nam vẫn chưa có startup đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bung hỏi anh Tống: Anh xịn vầy, về phụ gì ở Bến Tre mình đi chớ. Ảnh cười: Biết năm rồi doanh số của công ty Yeah1 Bến Tre bao nhiêu hông? Ôi trời, quên mất tiêu cái chuyện anh chàng này đem nguyên team dịch vụ trực tuyến của Yeah1 toàn cầu về đặt ở Bến Tre. “Làm việc online mà, ngồi ở đâu cũng được. Nhưng ngồi ở Bến Tre thì vui, và khoẻ mạnh hơn nhiều”. Ý là ở Bến Tre, hít thở cũng thoải mái và ô xi lên não nhiều hơn để tiếp tục những giấc mơ có lúc tưởng như hoang đường của anh: Làm sao Bến Tre tự thân tạo ra một chục doanh nghiệp IPO thành công, thì việc làm xịn tạo ra cũng nhiều mà thuế đóng cũng tốt.

Đúng rồi. Bung biết nhiều câu chuyện hay của doanh nghiệp Bến Tre có thể chơi lớn luôn nè. Ví dụ cô gái Ngô Tường Vy, lụi cụi đi bán trái cây khắp thế giới. Cổ nói, bán trái cây miền Tây qua Mỹ, cũng thấy… xót ruột lắm, vì chuyên chở bằng máy bay không hà, nên giá của mình mắc quá đi, muốn ăn cũng phải đắn đo. Bởi vậy, cô học tùm lum kỹ thuật về chiếu xạ, về xử lý nước sôi, làm sao để bảo quản sau thu hoạch tốt hơn, để trái cây đạt chuẩn thế giới mà giữ được lâu hơn, giá sẽ rẻ hơn thì cả thế giới sẽ được biết đến giá trị và chất lượng của trái cây Việt Nam mình…

Bung còn biết có cô giáo dạy sinh vật cấp 2 ở huyện Mỏ Cày Nam nữa, mới có bằng sáng chế về nhang làm từ cây quao. Khởi nghiệp kiểu này nhiều vô kể, nhưng cô giáo Song Đào thì… xuất khẩu được 7 tấn nhang hữu cơ này qua thị trường khó chịu nhất thế giới là Nhật Bản rồi. Đường rộng thênh thang để phát triển lớn. Bung nói: Đưa hàng đây, Bung về năn nỉ vợ bán giùm ở toàn cõi Sài Gòn cho, để dân Sài Gòn không phải xài nhang tẩm hoá chất hít vô thần thánh gì cũng ngộ độc nữa nói gì là người trần mắt thịt…

Mấy anh chị chuyên gia góp nhiều ý hay lắm. Vậy mà Bung lúc ra về, vẫn nhớ nhất cái câu của tiến sĩ Đàm Sao Mai: Tây Ninh không có muối, không có tôm nhưng có muối tôm. Bến Tre có dừa nhưng kẹo dừa chưa đạt chuẩn quốc tế. Giờ làm tiếp thôi.

OK. Làm thì làm. Dù sao Bung cũng đang là giám đốc doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Bến Tre, tên là Bến Tre Future Fund mà.

Bung Trần


Xem thêm