3 bước then chốt buộc công ty khởi nghiệp phải hành động quyết liệt nếu không muốn dậm chân tại chỗ
Oscar Wilde từng nói: “Xét về tầm quan trọng, phong cách mới là điều cốt yếu chứ không phải nội dung”. Đây là một trong những câu nói nổi tiếng nhất của vị văn sĩ này, dù có hơi phóng đại một chút. Dẫu vậy, nó vẫn đáng được xem xét. 3 bài học cơ bản về thay đổi “phong cách” dưới đây sẽ giúp CEO khởi nghiệp rất nhiều trên con đường định hướng cho công ty của mình.
Các CEO khởi nghiệp thường tập trung vào “những gì họ làm” hơn là “cách họ hoạt động” – tức là nghiêng về “nội dung” của doanh nghiệp chứ không phải là “phong cách” của doanh nghiệp. Họ cho rằng điểm mấu chốt nằm ở “những gì công ty làm” chứ không phải “cách công ty tổ chức và vận hành”, mà không biết rằng việc chuyển hướng chiến lược trong doanh nghiệp (thay đổi “phong cách”) là một hoạt động có vai trò quan trọng và có khả năng thay đổi việc kinh doanh (thay đổi “nội dung”).
Thông thường, công ty khởi nghiệp sẽ chuyển hướng chiến lược khi sản phẩm của họ không còn phù hợp với thị trường, hoặc khi chiến lược của họ không hiệu quả. Dù vậy, đôi khi cơ hội đắt giá bỗng xuất hiện và bạn phải hành động thật nhanh chóng. Chúng có thể là kết quả của sự thay đổi kinh tế vĩ mô như chúng ta đã từng trải qua vào năm 2008 và 2009, hoặc có thể xuất hiện ngay trong lĩnh vực mà doanh nghiệp của bạn đang tập trung khai thác. Dù gì đi nữa, bạn cũng phải hành động thật nhanh chóng! Các thay đổi quan trọng nên là kết quả của quá trình lập kế hoạch chiến lược lâu dài, dù thực tế không phải lúc nào cũng diễn ra trong điều kiện lý tưởng.
Bài học 1: Củng cố
Cơ hội dễ gặp nhất là cơ hội để “củng cố”. Các công ty khởi nghiệp thường tạo ra thị trường hay ngành công nghiệp mới, hoặc gia nhập các thị trường, các ngành nghề chưa phát triển chín muồi. Trong viễn cảnh lý tưởng, bạn sẽ muốn công ty khởi nghiệp của mình dẫn đầu thị trường trong ngành mà bạn đang tạo ra (bằng chiến lược “đại dương xanh”). Nếu bạn là người đầu tiên tiến ra thị trường, bạn mặc nhiên sẽ dẫn đầu thị trường đó. Tuy nhiên, trạng thái này chỉ là tạm thời. Trong tương lai, đối thủ cạnh tranh chắc chắn sẽ xuất hiện.
Thường thì chúng ta không thể loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, trừ 2 trường hợp ngoại lệ: trong một cuộc suy thoái kinh tế vĩ mô hoặc trong thời khắc khủng hoảng của các công ty khởi nghiệp. Nếu bạn đang thực hiện tốt vai trò CEO của mình và doanh nghiệp của bạn về cơ bản đang hoạt động suôn sẻ, thì một vài cuộc suy thoái sẽ không khiến bạn bị phá sản. Tuy nhiên, chuyện này có thể không diễn ra với các đối thủ cạnh tranh, họ có thể sẽ cần tìm lối thoát. Hãy dự đoán tương lai và chọn đúng thời điểm để đưa ra đề nghị thu mua thích hợp.
Vận hành một công ty khởi nghiệp thành công vốn là việc rất khó, thế nên bạn không cần chờ tới những lần thay đổi lớn trong tình hình kinh tế chung mới đẩy được đối thủ về phía bạn. Nếu họ đang gặp trắc trở và hiện có thứ mà bạn cần – công nghệ hoặc con người chẳng hạn – hãy đưa ra lời đề nghị thu mua. Nếu họ không có, hãy chuẩn bị đội ngũ bán hàng của mình để lôi kéo khách hàng của họ.
Bài học 2: Đa dạng hóa
Mọi doanh nghiệp đều bắt đầu kinh doanh với giả định rằng họ có sẵn ý tưởng trị giá 1 tỷ đô la, nhưng hầu hết đều phải đối mặt với một hiện thực đáng buồn là ý tưởng đó không đủ để trang trải chi phí phát sinh của họ. Có những công ty có ý tưởng tốt nhưng không đủ lớn. Để xây dựng một doanh nghiệp lớn, họ cần làm nhiều hơn nữa, đó là phải “đa dạng hóa”.
Đa dạng hóa không có nghĩa là thâm nhập vào một thị trường hoàn toàn khác hoặc lao vào một thách thức kỹ thuật hoàn toàn mới. Nó có nghĩa là tìm ra những cách mới để cải tiến và giải quyết các vấn đề trong thị trường của bạn.
Một cách để đa dạng hóa là thực hiện một vụ mua bán và sáp nhập tiềm năng. Không giống như tôi đã đề cập trước đó, trong trường hợp này việc mua lại không phải để củng cố một thị trường duy nhất, mà là mở rộng nguồn doanh thu bằng cách kết hợp với một công ty cung cấp các sản phẩm tương tự nhưng không giống hệt sản phẩm của bạn cho khách hàng. Mục đích là để tạo ra cơ hội có thêm các nguồn doanh thu mới.
Bài học 3: Tập trung chuyên môn
Việc nhận ra rằng ý tưởng ban đầu của bạn sẽ không trở thành một đế chế như Google hoặc Facebook luôn là một trải nghiệm hết sức bình thường. Đôi khi, nó cũng đi kèm với một vài tin tốt, vì một lĩnh vực kinh doanh mà bạn từng xem là lĩnh vực phụ trong doanh nghiệp của bạn, thực tế có thể là ý tưởng đột phá trong tương lai.
Theo như Steve Blank đã viết trong cuốn The Four Steps to the Epiphany (4 bước chinh phục đỉnh cao), đây là cách duy nhất để các công ty khởi nghiệp thật sự xoay xở vượt qua khó khăn. Hãy tập trung vào những gì thị trường đang đòi hỏi và chỉ chọn giữ lại những nhân tố quyết định thắng lợi.
Tùy vào cách ngành kinh doanh mũi nhọn của công ty bạn phát triển, bạn có thể xác định đây có phải là thời điểm tốt để đảm bảo tiền vốn sau một vụ thu mua thành công. Nếu ý tưởng không đem lại hiệu quả, bạn chỉ cần chuyển hướng chiến lược cho đội ngũ hoạt động theo hướng mới. Ở đây, chúng ta chỉ đang thảo luận về việc phân bổ lại nguồn lực của một ngành kinh doanh hiện có.
Kết: Thay đổi để vượt qua trở ngại
Hình ảnh trước công chúng của một CEO công ty khởi nghiệp có vẻ hào nhoáng – từ những buổi giới thiệu sản phẩm vô cùng kịch tính, những chuyến đi thú vị và những buổi diễn thuyết đầy cảm hứng cho việc dẫn dắt một đội ngũ luôn liên tục phát triển và ngày càng hoàn thiện sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, những gì bạn không thể nhìn thấy mới chính là công việc thật sự mà một CEO phải làm mỗi ngày.
“Nói thẳng ra, việc chuyển hướng chiến lược thường đem lại cho ta cảm giác gần như thất bại, đặc biệt là khi bạn không chuẩn bị cho đội ngũ của mình khả năng chấp nhận điều này. Nhưng thật vô trách nhiệm khi không thay đổi để vượt qua “những trở ngại chết người” đang cản trở đội ngũ của bạn chinh phục mục tiêu tập thể – tầm nhìn của bạn! Nên nhớ, đó chính là nhiệm vụ của bạn trong vai trò CEO khởi nghiệp.” – David Kidder – CEO – Bionic
Quỳnh Anh